28/07/2013 07:45 GMT+7

Có nên tiêm văcxin viêm gan B cho trẻ sơ sinh?

LAN ANH thực hiện
LAN ANH thực hiện

TT - Ngày 24-7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã quyết định giữ lịch tiêm ngừa văcxin viêm gan B mũi đầu trong 24 giờ đầu sau sinh. Tuy nhiên, quyết định này vẫn đang gây nhiều tranh cãi về mức độ thuyết phục và nguy cơ rủi ro trong tương lai.

pTH3m0qm.jpgPhóng to

* GS.TS Nguyễn Đình Bảng (nguyên viện trưởng Viện Kiểm định văcxin và sinh phẩm y tế):

Tôi không cho con cháu tiêm mũi này

vYmOEbwo.jpg
GS.TS Nguyễn Đình Bảng - Ảnh: L.Anh

Vụ tai biến sau tiêm viêm gan B sơ sinh cho ba trẻ ở Quảng Trị chưa thể nói là do nguyên nhân gì, nhưng tôi nghĩ một cháu bé vừa lọt lòng, chưa thích ứng với môi trường đã được tiêm ngay hai mũi văcxin ngừa lao và ngừa viêm gan B.

Vi khuẩn lao tồn tại trong không khí, tiêm văcxin ngừa lao sớm là phù hợp. Còn đường lây truyền chính của bệnh viêm gan B là đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Ngoại trừ nhóm trẻ có mẹ nhiễm viêm gan B thì tiêm ngừa viêm gan B mũi đầu cho toàn bộ trẻ sơ sinh là chưa thuyết phục về mặt khoa học.

Văcxin lấy trong tủ lạnh ra mà tiêm ngay dễ phản ứng. Văcxin để trong tủ lạnh nhằm bảo quản, khi sử dụng có thể để ở nhiệt độ phòng vài phút cho nhiệt độ đỡ chênh lệch trước khi tiêm.

Việc để nữ hộ sinh tiêm ngừa tại bệnh viện sản, nhà hộ sinh cũng chưa hợp lý vì họ chưa được đào tạo nhiều về tiêm chủng, nên để nhân viên tiêm chủng tiêm ngừa thì yên tâm hơn. Mục đích việc tiêm văcxin viêm gan B sơ sinh là kiểm soát 100% các cháu được tiêm. Con cháu tôi nếu bảo tiêm văcxin ngừa viêm gan B trong 1, 2, 3 ngày đầu sau sinh tôi không cho tiêm.

* PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển (nguyên chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng):

Nên tăng đầu tư cho chương trình

QQXfvtGJ.jpg
PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển - Ảnh tư liệu
Đối tượng sử dụng văcxin rất nhạy cảm, phần lớn là các cháu dưới 1 tuổi hoặc lứa tuổi thiếu niên, được tiêm văcxin trong trạng thái đang mạnh khỏe. Bất cứ sự thay đổi nào về tình trạng sức khỏe của các cháu sau tiêm đều gây bức xúc cho gia đình.

Văcxin lưu hành ở VN đều đạt các tiêu chuẩn của VN hoặc quốc tế dành cho sản phẩm. Tuy nhiên, một số văcxin đang sử dụng vẫn thuộc thế hệ cũ như ho gà toàn tế bào (có trong văcxin Quinvaxem từng bị tạm ngừng sử dụng - PV), văcxin viêm não Nhật Bản sản xuất từ não chuột đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo không sử dụng, chưa sử dụng văcxin bại liệt tiêm trong khi đã thanh toán bệnh bại liệt hơn 10 năm (hiện nay vẫn cho trẻ uống văcxin bại liệt, điều này làm tăng nguy cơ mầm bệnh vẫn tiếp tục thải ra môi trường - PV)... Các vấn đề trên phần nào ảnh hưởng chất lượng dịch vụ và tỉ lệ phản ứng sau tiêm chủng. Tỉ lệ phản ứng cao gây tâm lý lo lắng cho cộng đồng và làm giảm tỉ lệ tiêm chủng.

Năm 1994, ngân sách nhà nước cho chương trình tiêm chủng là 12,5 tỉ đồng, năm 2013 đã tăng lên 240 tỉ đồng. Tuy nhiên phần chi từ ngân sách cho toàn bộ chương trình tiêm chủng mới đạt 30%, còn lại là viện trợ và mới chỉ tính chín văcxin đang triển khai tiêm chủng mở rộng. Tôi cho rằng cần có lộ trình để trước năm 2020 tăng đầu tư tài chính, chí ít gấp 2-3 lần so với hiện tại để giải quyết các thách thức về chất lượng văcxin.

Tôi được biết hiện nghiên cứu văcxin viêm não Nhật Bản thế hệ mới đã hoàn thành trong phòng thí nghiệm, chưa có ngân sách thử nghiệm lâm sàng và triển khai nghiên cứu rộng hơn, việc thiếu đầu tư này cũng là thiệt thòi cho trẻ em.

Về an toàn tiêm chủng nên giải tỏa bớt áp lực cho các điểm tiêm bằng tổ chức 2-3 ngày tiêm chủng, thay vì một ngày ở những nơi mật độ dân số cao, giúp cán bộ y tế thực hiện tốt các quy định về thực hành tiêm chủng. Hội đồng tư vấn về an toàn tiêm chủng nên có tính độc lập, khách quan, không nên bao gồm đủ đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng giống như một ủy ban điều hành hoặc chỉ đạo mang tính hành chính.

* Bác sĩ Nguyễn Minh Trung (Hà Nội):

Con tôi không tiêm văcxin viêm gan B mũi 24 giờ

Là một bác sĩ có hai con nhỏ 11 tuổi và 6 tuổi, tôi xin nói thật là con tôi cũng không tiêm mũi ngừa viêm gan B 24 giờ sau sinh.

Tôi đã nói điều này từ năm 2007, thời điểm cũng xảy ra những trường hợp tai biến sau tiêm viêm gan B tương tự hiện nay. Trẻ sơ sinh vừa chuyển từ môi trường hoàn toàn nhờ mẹ sang môi trường mới, chịu áp lực về nhiệt độ, áp suất, không khí mới, lại tiêm thêm chất lạ vào cơ thể. Lúc này cơ thể trẻ còn non, có thể có những bệnh bẩm sinh chưa được phát hiện, việc tiêm ngừa có thể xảy ra rủi ro.

TS Nguyễn Văn Bình (cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế):

81 nước đang tiêm văcxin viêm gan B tương tự VN

57Wnwrev.jpg
TS Nguyễn Văn Bình - Ảnh: N.Khánh
Tại phiên họp hội đồng tư vấn sử dụng văcxin hôm 24-7, rất nhiều ý kiến thảo luận về lịch tiêm ngừa. Hiện có 81 nước sử dụng lịch tiêm chủng có mũi viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh. Đây đều là những nước có tỉ lệ phụ nữ mang virút viêm gan B cao, hiện tỉ lệ nhiễm virút viêm gan B trong cộng đồng ở VN 10-20%.

Theo thông báo của Cục Quản lý dược, trên toàn quốc hiện tạm dừng hai lô văcxin ngừa viêm gan B liên quan ba ca tử vong ở Quảng Trị, còn lại các lô khác vẫn sử dụng bình thường. Về lý thuyết, mẹ không mang virút viêm gan B thì không cần tiêm ngừa ngay trong 24 giờ đầu cho bé sơ sinh, nhưng không ai chắc chắn được trong trường hợp mẹ nhiễm viêm gan B ở giai đoạn “cửa sổ”, xét nghiệm chưa xác định được. Tham gia tiêm chủng mở rộng không phải là bắt buộc, không đi tiêm là bị phạt, mà là vận động ở mức độ cao, có quy định trong Luật phòng chống các bệnh truyền nhiễm là cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm đưa trẻ đi tiêm ngừa.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

3 trẻ tử vong sau tiêm văcxin viêm gan B do sốc phản vệ Bộ Y tế đến Quảng Trị tìm nguyên nhân 3 trẻ sơ sinh chết sau chích ngừa Một trẻ tử vong sau khi tiêm văcxin viêm gan B ở Bình ThuậnTạm ngưng sử dụng toàn quốc lô văcxin liên quan 3 trẻ tử vong

LAN ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên