06/10/2011 08:24 GMT+7

Cơ hội cho hạt gạo Việt

TS LÊ VĂN BẢNH (viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL)H.T.DŨNG - C.PHAO ghi
TS LÊ VĂN BẢNH (viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL)H.T.DŨNG - C.PHAO ghi

TT - Cùng với Thái Lan, các nước Indonesia, Philippines cũng đang chủ trương nhập khẩu số lượng lớn gạo và nhiều doanh nhân của họ sẽ vào Việt Nam tìm cơ hội mua, chế biến gạo đang mở ra cơ hội lớn cho hạt gạo Việt Nam và là tin vui cho hàng triệu nông dân nước ta.

Gạo Việt gặp thời

Có thể nói cơ hội mở ra là rất lớn cho cả nông dân và doanh nghiệp. Với nông dân, bao năm nay làm ra hạt lúa vốn đã vất vả bởi chi phí sản xuất liên tục tăng, trong khi giá bán lại rất thấp, ngang bằng với giá thành sản xuất, thậm chí có vụ còn lỗ vốn đầu tư bởi rào cản lớn nhất là doanh nghiệp trong nước mua với giá do họ ấn định.

Còn hiện nay, khi có thương nhân nước ngoài vào cùng mua lúa gạo với doanh nghiệp trong nước, chắc chắn sẽ xóa bỏ cơ chế độc quyền giá lâu nay và tạo ra mặt bằng giá gạo xuất khẩu mới. Nhưng khi các doanh nhân Thái Lan, Indonesia, Philippines “nhảy” vào thị trường Việt Nam mua lúa gạo, liệu nông dân ta có bán được lúa giá cỡ 10.000 đồng/kg? Điều đó chưa thể dự báo được chính xác bởi thị trường lúa gạo nước ta còn yếu tố đảm bảo an ninh lương thực của Chính phủ.

Có điều khi giá lúa gạo ở Thái Lan và thế giới tăng, các thương nhân nước ngoài vào mua thì chúng ta phải chấp nhận quy luật “nước lên thuyền phải lên” và dĩ nhiên lúc đó giá trong nước cũng tác động tăng theo.

Với doanh nghiệp, đây là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức. Lâu nay đa số các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của chúng ta luôn phụ thuộc các hợp đồng đấu thầu và trầy trật tìm kiếm các hợp đồng này thì nay doanh nhân nước ngoài vào tận trong nước hợp tác làm ăn là một thuận lợi.

Tuy nhiên, điều bất lợi vẫn tiềm ẩn khi doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chấp nhận cuộc chơi cạnh tranh về giá mua lúa gạo và cả năng lực về vốn, kho tàng, vùng nguyên liệu... nếu không sẽ thua ngay trên sân nhà.

Dự báo sản lượng lúa của Việt Nam sẽ tăng trong năm nay. Đây là cơ hội để xuất khẩu gạo Việt Nam bứt phá với “đối thủ” là Thái Lan trong năm 2012. Cơ hội đang mở ra, vựa lúa ĐBSCL đang từng bước đa dạng hóa các mặt hàng gạo xuất khẩu với chất lượng gạo cao, thơm, đặc sản. Bên cạnh việc hình thành các cánh đồng mẫu lớn, nhiều doanh nghiệp như Công ty Gentraco Cần Thơ đã hợp tác với nông dân trồng lúa đạt tiêu chuẩn Global GAP.

Cùng lúc này, nghị định 109 của Chính phủ đã có hiệu lực, việc đưa ra điều kiện như hệ thống kho, sấy, nhà máy xay xát... đối với doanh nghiệp tham gia xuất khẩu là một cách sàng lọc những doanh nghiệp “ngoài sân” ngành lúa gạo nhảy vào “phá đám”. Những điều kiện trong nghị định 109 của Chính phủ cũng là một cách thức để doanh nghiệp nhìn nhận lại và đầu tư đúng mức cho hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao giá trị chuỗi sản xuất lúa gạo hiện nay.

Có thể nói đây là thời điểm chín muồi để nông dân sản xuất lúa và doanh nghiệp xuất khẩu gạo bắt tay tạo ra sự đột phá. Nông dân ĐBSCL đã áp dụng thành thạo nhiều mô hình và phương pháp sản xuất tiên tiến. Cùng với việc nhiều doanh nghiệp nhảy vào đầu tư cho mô hình cánh đồng mẫu lớn là cơ hội kết nối mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp để tạo ra lúa gạo hàng hóa chất lượng cao.

Tạo ra hấp lực để nông dân đeo bám nghề trồng lúa và vươn lên làm giàu vẫn là nỗi trăn trở của hàng chục triệu nông dân. Để tránh trường hợp được mùa mất giá, Chính phủ cần chủ động mua gạo tạm trữ trong vụ lúa đông xuân, hè thu thay vì để doanh nghiệp mua tạm trữ như một giải pháp tình thế! Đây cũng là vấn đề căn cơ để nông dân trồng lúa có thể thoát nghèo.

TS LÊ VĂN BẢNH (viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL)H.T.DŨNG - C.PHAO ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên