Nhắc đến cái tên Huỳnh Thanh Thảo, người dân ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM nhớ ngay tới người phụ nữ 34 tuổi nghị lực phi thường và đam mê truyền dạy tri thức cho trẻ em.

Lớp học cô Ba Thảo

Vừa chào đời, cô bé Huỳnh Thanh Thảo đã mang trong mình chất độc da cam và căn bệnh xương thủy tinh quái ác. Từ nhỏ, mọi hoạt động của Thảo gắn liền với chiếc xe lăn.

Mỗi lần Thảo vận động mạnh, xương lại bị vỡ. Lo lắng, ba mẹ Thảo không dám cho con đến trường.

Nhưng Thảo vẫn khao khát được biết chữ, được học toán. Chị nhờ mẹ và chị gái dạy cho mình những con chữ, con số đầu đời. Biết chữ rồi, chị mày mò tự học thông qua sách, báo...

Cô giáo xương thủy tinh: Tôi hạnh phúc có các em nhỏ bầu bạn - Ảnh 1.

Chị Thảo đang dạy các em nhỏ tại nhà.

Năm 2000, Thảo mở lớp dạy học cho các em nhỏ khó khăn trong xóm. Lớp học được gọi là "Lớp học cô Ba Thảo". Thấy các em ham học hỏi, chị tiếp tục vận động sách cũ, thành lập "Thư viện cô Ba" dành cho các em.

Lúc đầu thư viện chỉ có vài ba cuốn sách báo cũ do bạn bè từ các diễn đàn mạng gửi tặng. Đến năm 2010, nhân chuyến sang Việt Nam làm phim về nạn nhân chất độc da cam, một phụ nữ Mỹ đã giúp chị xây dựng lại thư viện khang trang hơn.

Nhìn thấy các em nhỏ đam mê đọc sách, thấy các em học hành ngày một khá hơn... Thảo có thêm động lực mở rộng dự án thư viện để giúp đỡ được nhiều em hơn. Chị chuyển vào quận Gò Vấp thuê trọ để hiện thực hóa dự định ấy.

Cô trò chị Thảo trong giờ học.

Thế nhưng một tai nạn năm 2015 khiến mọi thứ như sụp đổ với chị: chị bị một xe ba gác máy tông trúng, cánh tay trái chị đập vào thành xe gãy thành nhiều khúc...

Bác sĩ nói chị phải phẫu thuật nhưng tỉ lệ sống thấp vì khả năng tai biến cao. Cuối cùng, chị chọn không phẫu thuật.

Cánh tay trái từng giúp chị mọi việc trong cuộc sống giờ như một "phế binh". Nhiều lúc cố gắng đưa tay trái lên không được, trong khi tay phải mắc chứng run từ nhỏ cũng không giúp được gì nhiều, nước mắt Thảo tuôn ướt đẫm gối. Thảo nghĩ cuộc đời mình đã khép lại.

Bông hồng lại nở

Từ bệnh viện về, Thảo như mất hết niềm tin và động lực khi chỉ nằm một chỗ, đến ăn cơm cũng không thể tự ăn.

Chị Huỳnh Thanh Thảo và lớp học miễn phí của mình 

"Suốt 2 năm ròng nằm trên bộ ván gỗ, vệ sinh cá nhân phải nhờ ba mẹ hỗ trợ, lúc ba mẹ không có nhà tôi phải mang tã giấy. Tôi cứ nằm đó rồi nghĩ, nghĩ rất nhiều, cuộc sống nào có đợi ai.

Rồi tôi nghĩ tới câu nói mà mọi người hay nói: Cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra… mà sao với tôi các cánh cửa vẫn cứ bịt bùng. Tôi nghĩ mình sẽ buông xuôi.

Thế rồi một dòng suy nghĩ chạy qua trong đầu: Cánh cửa đã đóng lại tại sao mình không đạp cho nó mở ra? Mình không thể chờ đợi nữa. Và tôi thấy mình đã sống lại từ giây phút đó", chị Thảo chia sẻ.

Những ngày sau đó, chị tập co duỗi, cầm nắm cánh tay trái của mình, nén đau khi vết thương và xương vẫn còn vụn vỡ bên trong. Trời không phụ lòng người, một năm sau cánh tay của chị bắt đầu cử động lại được. Đến hiện tại chị đã tự làm được những việc nhẹ.

Các em nhỏ đọc sách trong thư viện cô Ba Thảo.

Vừa bình phục, chị đã trở lại với lớp học, với những đứa trẻ đang chờ chị. Những ngày đầu trở lại dạy, chị phải nhờ một bạn sinh viên hỗ trợ cầm tay dạy các em viết chữ. 

Lớp học duy trì vào thứ 7, chủ nhật hằng tuần. Chị dạy các em viết chữ, làm toán với một niềm say mê không bao giờ vơi. Thư viện cũng được mở rộng để các em tiếp xúc với nhiều sách báo, tài liệu hơn.

"Người chống nạng thì mong mình lành lặn, người ngồi xe lăn thì mong sao có thể chống nạng tự đi lại, còn người như tôi chỉ muốn được ngồi xe lăn, tự lăn xe đi tới đi lui. Tôi cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình, có lớp học, có thư viện, có những em nhỏ bầu bạn.

Trong cuộc sống ai cũng có lúc bế tắc, bệnh tật nhưng không có liều thuốc nào hoàn toàn chữa khỏi bệnh, nó chỉ giúp mình 80%, còn 20% còn lại là do bản thân. Mình tàn nhưng phải cố gắng không phế", chị Thảo nói.

Cô giáo xương thủy tinh: Tôi hạnh phúc có các em nhỏ bầu bạn - Ảnh 5.

Với chị Thảo, học trò là niềm vui mỗi ngày của chị.

Trong căn nhà nhỏ của chị Thảo giờ đây mỗi ngày đều rộn ràng tiếng trẻ em đến mượn sách đùa giỡn, tiếng ê a tập đánh vần vào mỗi cuối tuần...

DUYÊN PHAN - LÊ PHAN
19/11/2018


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0