Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế áp dụng cơ chế được giữ lại 100% nguồn thu từ phí tham quan di tích và quỹ bảo tồn di sản - Ảnh: NHẬT LINH
Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với việc cần thiết ban hành nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù. Tuy nhiên, để các cơ chế, chính sách đặc thù thực sự tạo đột phá, các đại biểu yêu cầu Chính phủ làm rõ thêm các giải pháp.
Tuổi Trẻ ghi lại ý kiến của một số đại biểu xung quanh đề xuất này.
Đại biểu Lê Trường Lưu (bí thư Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế): Cơ chế đặc thù để Huế bứt tốc
Với tỉnh Thừa Thiên Huế, nghị quyết về cơ chế đặc thù trình Quốc hội lần này gồm các nhóm chính sách quan trọng. Cụ thể, nhóm thứ nhất về cơ chế để bảo tồn và trùng tu, phát huy các giá trị di tích, di sản. Nhằm huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho công tác trùng tu, tôn tạo hệ thống di tích, di sản của quốc gia và thế giới, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép tỉnh áp dụng cơ chế được giữ lại 100% nguồn thu từ phí tham quan di tích và quỹ bảo tồn di sản.
Nhóm thứ hai là về cơ chế quản lý tài chính ngân sách. Đây là nhóm cơ chế, chính sách đặc thù có tính chất lâu dài, bền vững nhằm phát triển ổn định, cân đối, hài hòa dựa trên nguyên tắc vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Chính sách này là động lực, đòn bẩy để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Nhóm thứ ba là sắp xếp xử lý cơ sở nhà đất, gồm một cơ chế ngân sách tỉnh được hưởng 50% nguồn thu từ sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý nhằm hỗ trợ tỉnh sắp xếp lại, quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản và quỹ đất trên địa bàn.
Nếu được thông qua, đây sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy việc phát huy và khai thác lợi thế, giúp Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.
Đại biểu Cầm Hà Chung (Phú Thọ): Cụ thể tiêu chí địa phương được hưởng cơ chế đặc thù
Nếu không có tiêu chí cụ thể sẽ tạo áp lực lên đoàn đại biểu Quốc hội và lãnh đạo của những địa phương chưa được hoặc không được hưởng cơ chế đặc thù. Cử tri và nhân dân có thể đặt nhiều câu hỏi như tại sao địa phương kia có nhiều cơ chế đặc thù, địa phương này không được?
Do vậy, Chính phủ, Quốc hội xác định quan điểm, tiêu chí để một địa phương được hưởng cơ chế đặc thù. Từ đó mới giải thích thỏa đáng cho cử tri và nhân dân, tránh cơ chế xin - cho, quyết định cảm tính. Mặt khác, từ quan điểm, tiêu chí đó để Quốc hội xác định mục tiêu, thứ tự ưu tiên lựa chọn thực hiện thí điểm.
Xem xét, lựa chọn một số địa phương đại diện các vùng miền đáp ứng tiêu chí, thứ tự ưu tiên, kết hợp với các địa phương được Quốc hội xem xét lần này để thực hiện thí điểm, trên cơ sở đó tổng kết, hoàn thiện khung pháp lý để thực hiện trên toàn quốc.
Mặt khác, nên chú trọng đến chính sách thuộc về cơ chế phân cấp, phân quyền, hạn chế chính sách phân bổ thêm nguồn lực từ ngân sách trung ương, phân bổ thêm kinh phí chi thường xuyên. Việc này đặt ra cách đánh giá chính sách ban hành, định mức, nguyên tắc phân bổ, dự toán ngân sách...
Bên cạnh đó, cần làm rõ hiệu quả của chính sách thí điểm so với không thí điểm, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của các địa phương được thí điểm có hơn, có khác không, có đóng góp chung cho sự phát triển của đất nước so với trước như thế nào.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (chủ tịch HĐND TP.HCM): Cơ chế đặc thù giúp chúng tôi chủ động hơn
Sau gần 4 năm triển khai thực hiện đến nay có thể nói nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP.HCM đã giúp TP chủ động hơn ở một số lĩnh vực. Cụ thể, TP chủ động quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên phù hợp với quy hoạch cho 32 dự án và quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng ngân sách TP.
TP cũng đề xuất Chính phủ xem xét trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định áp dụng thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Mặt khác, TP đã ban hành nghị quyết về mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn TP giúp TP thu cao hơn.
Đặc biệt, UBND quận, huyện đã được thực hiện 28 nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch UBND TP ở các lĩnh vực kinh tế, ngân sách, dự án giao thông, văn hóa xã hội, khoa học và nội vụ... Ngoài ra, chính sách thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức cũng đã tạo không khí làm việc tốt hơn, góp phần để TP giữ chân được nhân tài trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Tuy vậy, khi triển khai nghị quyết 54, TP cũng gặp rất nhiều vướng mắc và khó khăn. Chính sách như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đến nay thực hiện còn chậm do chưa có hướng dẫn thống nhất giữa các bộ, ngành trung ương hay việc thiếu hợp tác để bán các tài sản công của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn.
TP kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ quan tâm, chỉ đạo thực hiện khoản 8, khoản 1, 11 của nghị quyết 54, trước tình hình khó khăn bởi dịch bệnh để hỗ trợ TP khắc phục và hồi phục kinh tế. Mặt khác, ban hành cơ chế giám sát, đôn đốc, phối hợp để triển khai thực hiện đồng bộ giữa các cơ quan trung ương và địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận