22/10/2021 12:40 GMT+7

Hưởng cơ chế ưu đãi, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Hải Phòng sẽ được quyết thu phí, đất đai?

N.AN
N.AN

TTO - Các địa phương Nghệ An, Thanh hóa, Huế và Hải Phòng sẽ được hưởng cơ chế ưu đãi, đặc thù về chính sách phí, dư nợ vay và cơ chế đất đai.

Hưởng cơ chế ưu đãi, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Hải Phòng sẽ được quyết thu phí, đất đai? - Ảnh 1.

Tờ trình thẩm tra về cơ chế chính sách đặc thù cho 4 địa phương nêu vấn đề thận trọng khi chuyển đổi sử dụng đất rừng đặc dụng - Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 22-10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.

Trình bày dự thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay cơ chế đặc thù nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh, có tác động lan tỏa vùng miền nhưng cũng phù hợp khả năng cân đối ngân sách, tăng phân cấp phân quyền, tính tự chủ.

Theo đó, các tỉnh sẽ được hưởng cơ chế về chính sách dư nợ vay, như tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40%; Hải Phòng, Thanh Hóa được vay không vượt quá 60%.

Ngoài ra, dự thảo nghị quyết cũng cho thực hiện thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí và ngân sách sẽ được hưởng 100% số thu tăng thêm. Với Thừa Thiên Huế, phí tham quan di tích sẽ được thu đầy đủ vào ngân sách nhà nước nhưng địa phương sẽ được bố trí đầu tư tương ứng để thực hiện đầu tư trùng tu di tích.

Đáng chú ý, nghị quyết cũng cho phép các địa phương được chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ trên cơ sở lấy ý kiến người dân. Đơn cử, Nghệ An, Thanh Hóa được quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa với quy mô 500ha, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô dưới 50ha, rừng sản xuất dưới 1.000ha.

Cơ bản đồng tình việc thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các địa phương trên, nhưng trong tờ trình thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Phú Cường lưu ý thực hiện chính sách phí, lệ phí phải có lộ trình, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi.

Đặc biệt, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt, mang lại hiệu quả thiết thực, không ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, môi trường và phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực, ổn định đời sống người dân, gắn trách nhiệm cụ thể.

Đáng chú ý là có ý kiến chưa tán thành với chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, do lo ngại không bảo vệ được rừng đã gây hậu quả nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến phát triển bền vững, tạo tiền lệ không tốt.

Đồng tình, đại biểu Nguyễn Công Long, ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đề nghị cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn. Bởi theo ông Long, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa, rừng đặc dụng sẽ ảnh hưởng không chỉ 5 năm mà rất lâu sau này.

"Dự thảo nêu chuyển đổi sử dụng đất, nhưng mới nhìn ở góc độ thủ tục hành chính, còn việc tác động đến môi trường, môi sinh ra sao thì chưa có đánh giá. Việc chuyển đổi đất rừng sau này không thực hiện nữa thì kết quả và hiệu quả sử dụng đất thế nào. Bởi đây là những tỉnh có đất rừng lớn, không chỉ quốc phòng an ninh mà là môi trường sống hàng triệu đồng bào" - đại biểu Long đặt vấn đề.

Vì sao cho các địa phương hưởng cơ chế đặc thù?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh các cơ chế chính sách này được thí điểm thực hiện, sau đó sẽ tổng kết, đánh giá và nhân rộng ra toàn quốc. Lý giải vì sao các địa phương này được hưởng cơ chế đặc thù, ông Huệ cho hay Hải Phòng là một trong những tam giác phát triển phía Bắc, phát triển mạnh mẽ cả về tăng trưởng, thu ngân sách, hạ tầng, nông thôn mới.

Với Thừa Thiên Huế cũng có tốc độ phát triển rất tốt, nhưng đặc thù là vùng nông thôn rất khó khăn, nên khó đạt tiêu chí thành phố trực thuộc trung ương. Theo nghị quyết của Bộ Chính trị, Huế là thành phố di sản trực thuộc trung ương nên cần có cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ cho thành phố di sản.

Với Thanh Hóa, phấn đấu là một trong tứ giác phát triển phía Bắc, nhưng miền Tây Thanh Hóa rất khó khăn, trong khi động lực kinh tế chính là Nghi Sơn. Tương tự, Nghệ An có dân số thứ 4 cả nước, đang xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nên cần có cơ chế để những địa phương này phát triển hơn.

Đề xuất lập khu thương mại tự do ở Hải Phòng, Quốc hội đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng Đề xuất lập khu thương mại tự do ở Hải Phòng, Quốc hội đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng

TTO - Với đề xuất thành lập khu thương mại tự do tại Hải Phòng để tạo cơ chế đặc thù cho phát triển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để bảo đảm tính thuyết phục, tạo sự đồng thuận cao.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên