07/10/2021 20:52 GMT+7

Đề xuất cơ chế đặc thù để hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cảng biển

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Bộ Giao thông vận tải đề xuất cơ chế đặc thù để Thủ tướng ban hành nhằm tạo cơ hội cho nhà đầu tư tiếp cận vốn, tạo 'sân chơi' cho nguồn vốn xã hội hóa tiền đầu tư vào cảng biển.

Đề xuất cơ chế đặc thù để hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cảng biển - Ảnh 1.

Một góc cảng Cái Mép - Thị Vải thuộc cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu - một trong hai cảng biển đặc biệt của cả nước - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết như vậy tại hội nghị trực tuyến công bố quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào chiều ngày 7-10.

Ông Thể cho biết theo Luật quy hoạch số 21/2017/QH14 được Quốc hội ban hành, tất cả các ngành và địa phương phải lập quy hoạch. Bộ GTVT là đơn vị đi tiên phong trong lập quy hoạch vì đã có 5 quy hoạch chuyên ngành và được Hội đồng thẩm định quốc gia đồng ý trình Chính phủ, được Thủ tướng phê duyệt 2 quy hoạch về đường bộ và cảng biển.

Theo ông Thể, quy hoạch mang tính định hướng nên các địa phương cần phối hợp Bộ GTVT để xây dựng các cảng biển, giúp tạo ra đột phá về kinh tế - xã hội, đồng thời kêu gọi, "trải thảm" với các nhà đầu tư.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết thêm quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt ngày 22-9 có ý nghĩa rất quan trọng, cụ thể hóa các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển kinh tế biển vào cuộc sống, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước thời kỳ 2021 - 2030.

Quy hoạch đặt ra năng lực của hệ thống cảng biển đáp ứng nhu cầu hàng hóa thông qua đến năm 2030 từ 1.140 - 1.420 triệu tấn (gấp 1,64 - 2 lần so với sản lượng thông qua cảng biển năm 2020), trong đó hàng container từ 38 - 47 triệu TEU.

Nguồn lực cho phát triển cảng biển thời kỳ này chủ yếu được huy động từ nguồn ngoài ngân sách, chiếm đến 95% trong tổng số 313 ngàn tỉ đồng nhu cầu vốn đầu tư cảng biển. Vốn ngân sách tập trung cho hạ tầng công cộng, khu vực trọng điểm, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư. 

Đáng chú ý, trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, lần đầu tiên khu vực huyện đảo Trường Sa và Hoàng Sa được đưa vào quy hoạch cảng biển. 

Theo đó, cảng biển Đà Nẵng gồm khu vực huyện đảo Hoàng Sa, cảng biển Khánh Hòa gồm khu vực huyện đảo Trường Sa.

Đưa huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa vào quy hoạch cảng biển Việt Nam Đưa huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa vào quy hoạch cảng biển Việt Nam

TTO - Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt bao gồm khu vực huyện đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên