23/09/2021 15:21 GMT+7

Đưa huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa vào quy hoạch cảng biển Việt Nam

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt bao gồm khu vực huyện đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Đưa huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa vào quy hoạch cảng biển Việt Nam - Ảnh 1.

Theo quy hoạch, cảng biển Đà Nẵng gồm khu vực huyện đảo Hoàng Sa - Ảnh: VIMC

Quy hoạch phân chia hệ thống cảng biển Việt Nam gồm 5 nhóm. Trong đó, 2 cảng trong nhóm cảng biển số 3 bao gồm cả khu vực huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa là cảng biển Đà Nẵng gồm khu vực huyện đảo Hoàng Sa, cảng biển Khánh Hòa gồm khu vực huyện đảo Trường Sa.

Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu, giao thương lượng hàng hóa thông qua 1.140 - 1.423 triệu tấn (trong đó hàng container 38 - 47 triệu Teu); hành khách 10,1 - 10,3 triệu lượt.

Trong giai đoạn đến năm 2030, ưu tiên phát triển các khu bến cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu). Nghiên cứu cơ chế chính sách để phát triển từng bước cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong (Khánh Hòa). Quy hoạch định hướng phát triển bến cảng Trần Đề (Sóc Trăng) phục vụ Đồng bằng sông Cửu Long để đầu tư khi có đủ điều kiện…

Tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch đặt mục tiêu năng lực hệ thống cảng biển đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 4 - 4,5%/năm; hành khách tăng trưởng bình quân khoảng 1,2 - 1,3 %/năm.

Ngoài việc phân thành 5 nhóm theo khu vực, hệ thống cảng biển Việt Nam được phân thành 3 loại theo quy mô, chức năng gồm: 2 cảng biển đặc biệt là cảng biển Hải Phòng và cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu; 15 cảng biển loại 1; 6 cảng biển loại 2 và 13 cảng biển loại 3. 

Quy hoạch cũng đề ra sản lượng hàng hóa, hành khách thông qua các nhóm cảng đến giai đoạn 2030 và tầm nhìn đến 2050.

Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 313.000 tỉ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa), được huy động chủ yếu từ nguồn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Tính đến tháng 4-2021, cả nước có 286 bến cảng với cầu cảng có chiều dài khoảng 96km (gấp hơn 4,5 lần năm 2000).

Đã hình thành các cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế tại khu vực phía Bắc và phía Nam; tiếp nhận thành công tàu container đến 132.000 DWT tại khu bến Lạch Huyện (Hải Phòng), đến 214.000 DWT tại khu bến Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), cơ bản đã đạt được các mục tiêu quy hoạch đến năm 2020.

Thủ tướng: Phải làm cho Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng biển hiện đại Thủ tướng: Phải làm cho Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng biển hiện đại

TTO - Ngày 20-3, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về nội dung phát triển cảng biển và kết nối hạ tầng giao thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải làm sao để Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng biển hiện đại.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên