Sau hơn một tháng thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước ban hành, với mục đích tạo điều kiện cho bên vay được kéo dài thời gian vay và trả nợ, tiếp cận các nguồn vốn mới để phục vụ sản xuất kinh doanh, đến nay nhiều các ngân hàng chưa thực hiện do ngại rủi ro, lo nợ xấu dồn vào năm sau.
Được cơ cấu nợ, không được vay mới!
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, nhiều ngân hàng chỉ cho giãn nợ vài tháng, đồng thời không xét duyệt cho vay mới.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông N.V.K., giám đốc Công ty TNHH TNA, cho hay do khó khăn nên ông mong được giãn thời gian trả khoản nợ gần 700 triệu đồng theo đúng lịch sẽ phải được trả vào cuối tuần này. Tuy nhiên, sau khi ông liên hệ, phía ngân hàng thông báo rằng khoản nợ chỉ giãn được tối đa là một tháng sau đó sẽ cân nhắc tiếp.
Nhưng điều ông lo nhất ngân hàng khuyên cố gắng xoay để trả nợ vì nếu được cơ cấu nợ sẽ mất cơ hội vay món mới.
"Do khách hàng chậm thanh toán, nên chúng tôi bị động, không xoay kịp nguồn để trả đúng hạn cho ngân hàng. Nếu có xoay thì doanh nghiệp cũng chỉ đi vay nóng chứ biết xoay ở đâu bây giờ. Trường hợp không được ngân hàng cho vay mới coi như chúng tôi cũng tạm ngưng sản xuất luôn vì không có tiền để nhập nguyên liệu", ông N.V.K. lo lắng.
Cũng như nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, không thể trả nợ đúng hạn cho ngân hàng, ông N.V.K. mong mỏi được ngân hàng xem xét giãn nợ dài hơn, không được 12 tháng thì kéo dài 6 tháng và cùng với doanh nghiệp xây dựng lại phương án trả nợ. Theo đó, thay vì đến hạn trả đủ toàn bộ 700 triệu đồng thì mỗi tháng sẽ trả 100 - 120 triệu đồng.
Giám đốc một công ty tại quận Gò Vấp, TP.HCM, cũng cho biết do đang gặp khó khăn về dòng tiền, nên khi biết thông tin có thông tư 02, ông rất hy vọng có thể được giãn nợ với thời gian tối đa lên đến một năm như thông tư quy định. Nhưng khi liên hệ với nhân viên tín dụng của ngân hàng, ông được cho biết ngân hàng chỉ giãn nợ ba tháng.
"Trong tình hình như thế này, ba tháng làm sao đủ cho doanh nghiệp xoay xở", vị này than.
Theo ông Võ Anh Tài - phó tổng giám đốc Saigontourist Group, các doanh nghiệp ngành du lịch rất cần vốn để duy trì hoạt động thường xuyên, nâng cấp cơ sở vật chất, triển khai những dự án đầu tư mới...
"Do thị trường chưa thật sự hồi phục, đặc biệt là du lịch quốc tế còn nhiều khó khăn. Chúng tôi đề xuất xem xét cho những doanh nghiệp du lịch đang vay vốn được khoanh nợ, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ... ít nhất đến hết năm 2023, nhằm tạo động lực phục hồi phát triển cho doanh nghiệp", ông Tài nói.
Lo khó khăn dồn sang năm sau
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Thái Hân, phó tổng giám đốc ACB, cho rằng khi cơ cấu lại nợ cho khách hàng, các ngân hàng sẽ gánh một phần rủi ro.
"Dựa trên kinh nghiệm cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ACB sẽ áp dụng thông tư 02 một cách thận trọng để vừa đảm bảo nền tảng tài chính vừa đủ để hỗ trợ doanh nghiệp", ông Hân chia sẻ.
Phát biểu tại hội nghị "Ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ" do Ngân hàng Nhà nước và UBND TP.HCM tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Thanh Tùng, tổng giám đốc Vietcombank, cho rằng việc cơ cấu nợ theo thông tư 02 phải được làm bài bản nhằm tránh dồn nợ xấu cho năm sau.
"Vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, ngân hàng và nền kinh tế, rất mong nhận được sự thông cảm của doanh nghiệp, khách hàng", ông Tùng nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc chi nhánh một ngân hàng cổ phần lớn cũng cho biết lo ngại nhất là sau thời gian cơ cấu, gánh nặng lên vai doanh nghiệp cũng tăng vì số tiền phải trả hằng tháng sẽ cao hơn và chỉ cần chậm trả một ngày là khách hàng sẽ bị nhảy lên nợ nhóm 4. Khi đó, không chỉ khách hàng mà cả chi nhánh thực hiện cơ cấu nợ cũng liên đới trách nhiệm.
Vị này cũng thừa nhận dù mục đích cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ là nhằm kéo dài thời gian vay và trả nợ, giảm áp lực trả nợ cho khách hàng, đồng thời tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận các nguồn vốn để phục vụ sản xuất - kinh doanh, nhưng trên thực tế khách hàng nào đã dính đến cơ cấu là ngân hàng không dám giải ngân thêm hợp đồng mới vì "khoản cũ đã không trả được nợ rồi lấy gì cho vay mới".
Chỉ cơ cấu cho doanh nghiệp có khả năng phục hồi
Ông Nguyễn Quốc Hùng, tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho hay Ngân hàng Nhà nước ban hành nguyên tắc cơ bản để cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu nợ đối với những khoản nợ mà khách hàng khó khăn chưa thể trả nợ đúng hạn.
Các tổ chức tín dụng sẽ chủ động xử lý và chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại nợ cho khách hàng. Như vậy, các tổ chức tín dụng sẽ phải ban hành quy chế phù hợp đảm bảo nguyên tắc khi được cơ cấu nợ, doanh nghiệp phải có khả năng phục hồi, phát triển.
"Nếu như doanh nghiệp không có khả năng phục hồi, cơ cấu nợ không giải quyết vấn đề gì. Do đó, các ngân hàng chỉ cơ cấu nợ với điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp có khả năng phục hồi và đánh giá đúng bản chất nợ xấu", ông Hùng nói và cảnh báo rủi ro của việc cơ cấu nợ là khó khăn của doanh nghiệp sẽ đổ dồn về phía ngân hàng.
Tuy nhiên, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng thông tư 02 cho phép ngân hàng cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ sẽ giúp chậm hơn quá trình tăng nợ xấu.
"Năng lực tài chính của các ngân hàng đã tốt hơn rất nhiều so với trước đây khi tỉ lệ bao phủ nợ xấu đều trên 125%. Nên tình hình hoàn toàn trong tầm kiểm soát", ông Lực nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận