09/05/2023 15:44 GMT+7

Giảm thuế, giãn nợ: Doanh nghiệp được 'thở' đúng lúc

Khi được giãn hoãn nợ, doanh nghiệp bất động sản có thêm thời gian, có nhiều phương án để trả những khoản vay trước đó.

Công nhân dệt may làm việc tại Công ty TNHH Việt Thắng Jean,  TP Thủ Đức, TP.HCM chiều 24-2 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Công nhân dệt may làm việc tại Công ty TNHH Việt Thắng Jean, TP Thủ Đức, TP.HCM chiều 24-2 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hàng không có thêm kỳ vọng

Theo các doanh nghiệp hàng không, với việc giảm thuế VAT, người dân sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí, mang lại tác động về tâm lý, giúp kích cầu, tăng tiêu dùng. Theo đó, với du lịch hè, các doanh nghiệp kỳ vọng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sẽ tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, các hãng bay cho biết muốn kích thị trường đi lại với khách hàng cần sự chung tay của nhiều bên chứ không riêng hàng không. Hiện nay về cơ bản giá vé và tổng lượng khách của thị trường vẫn là bài toán khó. Khi giảm giá vé mà cầu không tăng, hàng không lỗ. 

Tăng giá vé, khách ít đi lại hãng bay lãnh đòn. Giai đoạn dịch bệnh, cuộc đua giành khách hạ giá vé rẻ, người dân quen với mức giá này. Nay trở lại bình thường giá vé quay lại đúng giá trị thực nên mức giá sẽ lên cao hơn.

Theo một hãng bay, thời điểm dịch bệnh, hàng không có thêm những chính sách hỗ trợ như giảm phí cất hạ cánh, nhiên liệu... 

Hiện nay, gần như không có hỗ trợ như thời điểm dịch, hãng bay tính tới chuyện bán vé để hòa vốn, có lãi. 

Với chính sách giảm thuế VAT, hàng không xem đây là "cú mồi" giảm thêm chi phí cho doanh nghiệp có cơ sở điều chỉnh phương án kinh doanh hiệu quả. 

Do đó, trong việc kích cầu sức mua vé, tăng nhu cầu đi lại vẫn cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong chính sách thuế, phí hỗ trợ hãng bay hơn thế nữa.

Ông Bùi Doãn Nề, tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không, cho rằng dư âm từ dịch bệnh vẫn còn nặng nề với hãng bay. Muốn giảm giá vé máy bay, cần có bàn tay hỗ trợ từ Nhà nước, để ngành hàng không và du lịch cùng phục hồi. 

Theo đó, muốn thực hiện kích cầu du lịch bằng vé máy bay, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, trợ giá, tương tự các gói kích cầu du lịch từng thực hiện những năm ảnh hưởng dịch COVID-19 trước đó. 

Điều này đòi hỏi phải có vai trò của Nhà nước, cơ quan quản lý du lịch, điều tiết chung, vì du lịch phát triển hàng không cũng hưởng lợi nhờ bán được nhiều vé. 

Khi khách du lịch tăng, đặc biệt khách quốc tế, các hãng vận tải hàng không cũng hưởng lợi, khi thị trường này vẫn đóng góp doanh thu và lợi nhuận chính cho hàng không.

Doanh nghiệp được "thở" đúng lúc

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Quang Anh Vũ, tổng giám đốc Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt, cho biết vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư 02 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ mang lại hiệu ứng rất tích cực đối với doanh nghiệp, giúp ổn định nền tài chính nói chung và giảm áp lực trả nợ cho từng doanh nghiệp bất động sản. 

Theo ông Vũ, khi được giãn hoãn nợ, doanh nghiệp bất động sản có thêm thời gian, có nhiều phương án để trả những khoản vay trước đó. 

Ông Vũ cho hay khi giảm bớt áp lực trả nợ, các doanh nghiệp sẽ có thêm thời gian, thêm nguồn vốn để phát triển kinh doanh, phát triển dự án, tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường.

Ông Phạm Văn Việt, phó chủ tịch Hội Dệt may - thêu đan TP.HCM, cho biết do khó khăn về đơn hàng, rất nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đang gặp khó với các khoản nợ cũ, trong đó có những doanh nghiệp phải bán tài sản, nhà cửa trả nợ. Do đó, ông Việt cho rằng các ngân hàng thương mại cần tiếp tục có các chính sách cụ thể hơn, tiếp tục giảm lãi suất để giúp các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đối với chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% mà Chính phủ đề xuất, các chuyên gia, doanh nghiệp cho biết việc giảm thuế sẽ lợi cả đôi đường. 

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM), cho rằng việc giảm thuế này làm tăng sức mua của thị trường. 

Khi đó, giá bán hàng sẽ rẻ hơn, người mua sẽ mua hàng nhiều hơn, kéo theo doanh nghiệp bán nhiều hơn và cả nền kinh tế có lợi.

Tương tự, ông Trần Việt Anh, chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP Thủ Đức, cho rằng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hàng hóa đầu ra eo hẹp, việc Chính phủ đề xuất giảm thuế VAT, có thể người dân mua sắm nhiều hơn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Lấy dẫn chứng từ giai đoạn dịch COVID-19, ông Việt Anh cho rằng khi giảm 2% VAT, cả người dân, doanh nghiệp lẫn nguồn thu ngân sách đều hưởng lợi.

Phó chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM Nguyễn Đặng Hiến đánh giá khi người dân tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ nhiều hơn, kích thích thị trường sôi động hơn, các doanh nghiệp sản xuất nhiều hơn, nhà phân phối nhập hàng nhiều thêm, kéo theo cả một nền sản xuất tăng tốc nên việc Chính phủ đề xuất giảm VAT là rất cần thiết và kịp thời.

Đây là nhận định của chính các doanh nghiệp trước thông tin giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và kỳ vọng sẽ có thêm động lực vượt qua khó khăn.

Giảm thuế, kích cầu tiêu dùng để lấy đà tăng trưởngGiảm thuế, kích cầu tiêu dùng để lấy đà tăng trưởng

Theo ghi nhận từ Tổng cục Thống kê và từ thị trường, kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu chuyển biến theo hướng tốt lên từ việc kích cầu, sắp tới là giảm thuế giá trị gia tăng hàng hóa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên