04/04/2020 08:28 GMT+7

Có can đảm, có cơ hội

PHẠM PHÚ NGỌC TRAI - N.BÌNH ghi
PHẠM PHÚ NGỌC TRAI - N.BÌNH ghi

TTO - Cái khó không bó cái khôn. Trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp, rủi ro bao giờ cũng đi kèm với cơ hội. Chỉ có những ai đủ can đảm và gan dạ, với đủ lòng tin sẽ chiến thắng.

Những ngày gần đây, chúng ta chứng kiến những câu chuyện nỗ lực xoay xở trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Công nghệ giờ đây đang được tận dụng tối đa một cách thông minh nhất có thể.

Các doanh nghiệp chưa bao giờ bán hàng trên mạng bây giờ phải cập nhật hình thức bán hàng này, dù phải còn dùng điện thoại hoặc đường dây nóng.

Những sản phẩm thiết yếu như xà bông, sữa tắm, nước tẩy rửa... người dân không còn mua hàng theo cách thức truyền thống ở chợ, siêu thị thì bây giờ có thể lên mạng đặt hàng online, giao hàng tận nhà.

Một sàn thương mại điện tử đã huy động nhân sự từ các bộ phận khác bổ sung vào lực lượng giao hàng, người lao động vì thế có thêm cơ hội việc làm.

Nhà hàng, quán ăn không một bóng khách đã chuyển lên các ứng dụng gọi món, bán hàng online. Và mới đây hãng hàng không bị cắt giảm chuyến bay chở khách chủ động tăng cường sang chở hàng hóa...

Nguồn lực của doanh nghiệp, nhà kinh doanh đang dịch chuyển năng động từ những nơi đang bị "đóng băng" vì dịch bệnh theo hành vi tiêu dùng, mua sắm mới. Các doanh nghiệp Việt Nam đã can đảm nhìn vào sự thật đang diễn ra để xây dựng những kết nối, nương tựa nhau.

Trong quá trình đó, những giá trị trong lưu thông hàng hóa bị đứt quãng đã được xử lý bằng công nghệ, bằng trí tuệ nhân tạo hay Internet vạn vật (IoT).

Cùng với cả nước, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang hành động theo triết lý "Bơi hay chết chìm?" (Swim or sink?). Chính vì vậy, dù dịch bệnh COVID-19 đẩy các doanh nghiệp vào hoàn cảnh khó khăn nhưng cũng có doanh nghiệp bứt lên, phát triển nhờ có đầu tư nghiên cứu phát triển (R&D) bài bản, sở hữu công nghệ tiên tiến.

Doanh nghiệp đang ứng dụng công nghệ 4.0 để xử lý chống dịch chính là lúc họ hưởng thành quả đầu tư, giảm phần nào khó khăn chung của thị trường.

Dịch bệnh dù nguy hiểm đến đâu cũng sẽ ra đi. Chỉ có con người còn lại với những thách thức mới: kinh tế suy thoái kéo theo nhiều vấn nạn xã hội khác: thất nghiệp, nghèo đói. Chính vì vậy, ngay trong tâm dịch, nhà lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ lo cách ly xã hội mà còn phải tỉnh táo và gan dạ nghĩ đến các giải pháp của ngày mai.

Dịch bệnh tưởng như làm tê liệt xã hội, tất cả ngành nghề, dịch vụ chậm lại hay ngưng nghỉ. Nhưng nhu cầu của xã hội vẫn tiếp tục, có chăng nó chuyển sang một đặc thù khác khi nhịp sống chậm lại mà thôi.

Doanh nghiệp vừa chiến đấu với suy thoái nhưng phải không quên chia sẻ nguồn lực để thích ứng hoàn cảnh mới.

Cái khó không bó cái khôn. Trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp, rủi ro bao giờ cũng đi kèm với cơ hội. Chỉ có những ai đủ can đảm và gan dạ, với đủ lòng tin sẽ chiến thắng, không chỉ dịch bệnh, mà còn chiến thắng sau khi cơn khủng hoảng tồi tệ ra đi.

Chắc chắn sau khi dịch COVID-19 qua đi, thị trường không còn như ngày hôm qua. Chuỗi cung ứng cũng không còn bình thường như ngày hôm qua. Thị trường đang thay đổi mạnh và cơ hội sẽ xuất hiện rất nhiều.

Và cơ hội đó chỉ đến khi doanh nghiệp, ngay bây giờ, đã tiên liệu những điều tốt nhất có thể, trong đó bảo vệ nguồn nhân lực doanh nghiệp là điều tiên quyết.

Doanh nghiệp muốn gói hỗ trợ tín dụng đến tay kịp thời Doanh nghiệp muốn gói hỗ trợ tín dụng đến tay kịp thời

TTO - Gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 250.000 tỉ đồng đã được triển khai nhưng nhiều DN cho biết phải tự xoay xở, thậm chí "vay nóng" để duy trì hoạt động bởi rất khó được xem xét giãn, hoãn nợ...

PHẠM PHÚ NGỌC TRAI - N.BÌNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên