Chắc chắn chính quyền Trump sẽ muốn kéo nhiều nhà sản xuất sang nước họ, nhưng đồng thời cũng phải phân tán sang những nước thân thiện và hữu nghị (các nước friendshoring). Đó là cơ hội cho các nước ở Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam.
Với Việt Nam có cả điểm thuận và điểm không thuận. Điểm thuận là quan hệ hai nước đang tiếp tục cái đà phát triển. Tổng thống Trump đã từng hai lần đến Việt Nam và khi ông thắng cử đã có các cuộc tiếp xúc đặc biệt là cuộc điện đàm giữa ông với Tổng Bí thư Tô Lâm.
Đồng thời lợi ích kinh tế thương mại chiến lược của hai bên là đan xen với nhau, khi nó không chỉ có lợi cho Việt Nam mà có lợi cho cả Mỹ, cả về kinh tế và chiến lược.
Trong bối cảnh đó, vấn đề nổi cộm lớn nhất là chuyện Việt Nam đang có thặng dư thương mại rất lớn với Mỹ.
Câu chuyện thâm hụt thương mại lớn đó cũng cần phải được hiểu nhiều chiều. Mỹ không thể sản xuất tất cả mà vẫn phải nhập từ nước ngoài. Hàng hóa Việt Nam có sức cạnh tranh lớn là một điều có lợi cho Mỹ.
Chắc chắn thâm hụt thương mại là vấn đề ông Trump sẽ quan tâm và không thể biết ông ấy sẽ tuyên bố áp thuế quan khi nào.
Song có một điều nên hiểu rõ, đó là Việt Nam không phải là đối tượng hay đối thủ để ông Trump thực sự muốn trừng phạt bằng thuế quan, bởi ông sẽ muốn hai bên đạt được thỏa thuận thông qua đối thoại và đàm phán.
Lấy ví dụ như Canada và Mexico, hai nước láng giềng của Mỹ. Ông Trump gây sốc khi tuyên bố muốn Canada thành bang thứ 51 hay áp thuế với Mexico, nhưng ẩn sau đó là mong muốn giải quyết vấn đề nhập cư lậu và rất có thể là sửa đổi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Có ba việc Việt Nam cần phải làm. Chúng ta có thể mua những hàng hóa Mỹ muốn bán và Việt Nam có nhu cầu, phù hợp với túi tiền như máy bay dân dụng, khí hóa lỏng hay nông sản...
Thế nhưng liên quan thương mại, điều quan trọng hàng đầu không phải là việc chỉ giảm thâm hụt mà việc cần nhấn mạnh là sự minh bạch và công bằng.
Chính phủ Việt Nam đã luôn nhấn mạnh việc minh bạch về xuất xứ hàng hóa và trên thực tế đã làm rất nghiêm túc, nhưng có một thực tế khách quan là hàm lượng có nguồn gốc từ Trung Quốc vẫn nhiều và đó là điều Mỹ rất quan tâm.
Điều này dẫn tới việc cần làm thứ hai là đa dạng hóa nguồn cung và đa dạng hóa thị trường, đặc biệt hàm lượng nội địa hóa trong các sản phẩm Việt Nam ra thế giới nói chung và vào nước Mỹ nói riêng.
Một điểm nữa cũng rất phù hợp với xu hướng hiện nay là tăng cường sự thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh đối với các doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam nói chung và trong đó có doanh nghiệp Mỹ, tranh thủ cả về thương mại, đầu tư và công nghệ.
Cần phải chú ý và nhấn mạnh hơn, có những bước đi ngay trước mắt để xử lý những điểm nghẽn trong đầu tư, kinh doanh của nước ngoài ở Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Mỹ.
Với một đối tác có hợp tác đan xen cùng có lợi với Mỹ như Việt Nam, nếu ông Trump muốn áp thuế quan sẽ có cảnh báo từ phía Mỹ. Việc áp thuế quan sẽ đi từng bước, không đồng loạt bởi ông Trump muốn có lợi thế đàm phán chứ không phải trừng phạt rồi không được gì.
Nhưng chúng ta không nên đợi đến nước đó mà cần phải có những động thái đi trước như vừa kể trên.
Rõ ràng là Việt Nam cần chú ý đến vấn đề thâm hụt thương mại, tạo cơ chế đối thoại với Mỹ nhưng cũng cần hiểu rằng đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội và sự đan xen lợi ích, vị trí của Việt Nam trong chiến lược của Mỹ và có không gian để xoay xở, giải quyết vấn đề.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận