
Anh Hà và chị Hồng dự định về quê chị để đăng ký kết hôn - Ảnh: KHÁNH QUỲNH
Nhiều người khi đi qua đoạn đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã quen với hình ảnh của chị Hồng cùng đôi chân bé tí một mình bán vé số trên cầu.
Dạo gần đây, bên cạnh chị xuất hiện thêm bóng dáng cao gầy của người đàn ông lúc thì đút cơm, khi buộc lại gọn gàng mái tóc dài cho chị.
Cuộc gặp duyên nợ
Anh tên là Liêu Thanh Hà (35 tuổi, quê Bạc Liêu). Chị Hồng giới thiệu về anh bằng nụ cười tươi rói dù phát âm khó khăn: “CCh..ồng…chh..ị” (Chồng chị).
Sinh ra với đôi chân khiếm khuyết, chị Hồng lại còn trải qua tuổi thơ trong cảnh mồ côi.
Mất cả cha lẫn mẹ, chị Hồng lớn lên nhờ vào sự cưu mang của người chị gái hơn 5 tuổi và tấm lòng đùm bọc của bà con xung quanh.
Năm 25 tuổi, chị Hồng rời Phú Yên vào Sài Gòn bán vé số. Để đến được điểm bán, chị Hồng phải dậy từ rất sớm, lê từng bước nặng nề. Ngày nắng đã khó, ngày mưa lại càng cực hơn.
Thậm chí có lần chị còn bị cướp vé số. “Tôi cũng đành bất lực vì đôi chân tật nguyền”, chị Hồng than thở.
Thế nhưng chưa bao giờ chị quên đi nghị lực sống. Có lẽ vì thế nên ngay khi gặp gỡ người phụ nữ này, anh Liêu Thanh Hà đã cảm mến chị.
“Tôi làm ở gần đây thấy bả lâu rồi. Lúc bả bị người ta cướp vé số tưởng hôm sau bả không ra nữa. Ai ngờ đâu hôm sau bả vẫn ngồi đó” - anh Hà kể về lần gặp làm anh ấn tượng với chị Hồng.
Sau lần đó, anh Hà lại càng để ý chị Hồng nhiều hơn. Và rồi từ để ý, anh yêu luôn người con gái ấy lúc nào không hay.
“Bả không có tin anh để ý bả. Bả đuổi anh dữ lắm. Anh năn nỉ quá trời bả chưa tin nữa. Phải đến khi anh ngồi lì mấy ngày liền bán vé số với bả, bả mới đồng ý”, anh Hà chia sẻ.
Và hơn nửa năm qua, bên cạnh chị Hồng luôn có bóng dáng của anh Hà kề cạnh.
Anh đẩy xe lăn dắt chị đi bán vé số từ đầu đường đến cuối hẻm.
Những buổi trưa nóng như đổ lửa, hình ảnh người phụ nữ run run cố cầm chặt chiếc muỗng múc cơm nhưng chỉ được vài hạt đã trôi vào quá khứ.
Thay vào đó, đôi tay vững vàng của người đàn ông kiên nhẫn đút từng muỗng cơm cho chị trở nên quen thuộc trong mắt người đi đường.

Từ lúc anh Hà xuất hiện, những buổi đi bán vé số của chị Hồng đỡ vất vả và an toàn hơn - Ảnh: KHÁNH QUỲNH
Một túp lều tranh, hai quả tim vàng
Dù vui mừng vì có người yêu thương, nhưng trong thẳm sâu chị Hồng vẫn tự hỏi: “Hổng biết ổng có thiệt lòng không?”.
Tất cả nghi ngờ đã bị đánh tan trong cái đêm anh liều mình đỡ chị bị té từ xe lăn. Cả xe cả người chị Hồng đè lên, ấy vậy anh Hà vẫn chăm chăm kiểm tra xem chị Hồng có bị thương ở đâu không.
“Ổng bị rạn xương, làm sẹo tới giờ chưa khỏi mà cứ hỏi chị có sao không”, chị Hồng xúc động kể.
Từ ngày gắn kết với nhau, anh Hà và chị Hồng như tìm thêm được nguồn động lực mới trong cuộc sống. Anh thuê chung với chị căn trọ nhỏ trên đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) để tiện săn sóc cho nhau.
Ban ngày, anh và chị cùng đi bán vé số, trung bình mỗi ngày bán được hơn 260 tờ.
Nhiều người đi ngang qua mua ủng hộ vì yêu mến “cặp đôi hoàn cảnh”, nên thu nhập mỗi ngày của cả hai cũng đủ trang trải sinh hoạt.
Đêm đến, anh Hà còn tranh thủ kiếm thêm từ việc nhặt ve chai. “Mỗi tháng tiền trọ 2,1 triệu, tiền ăn loanh quanh một ngày cỡ 100.000 đồng. Không dư nhiều nhưng vẫn đủ sống” - anh Hà chia sẻ.
Nghĩ về những khó khăn trước đây, chị Hồng vẫn không khỏi cảm ơn cuộc đời vì đã cho chị một người bầu bạn quý giá.
“Hồi trước sống trong khu tập thể ngày nào cũng phải thuê người chăm sóc nên không bao giờ dám nghỉ bán. Từ ngày có ổng, ổng giành làm hết”, chị Hồng cười.
Thỉnh thoảng có người thắc mắc với anh Hà sao đang lành lặn lại đi quen người khuyết tật. Và lúc nào anh Hà cũng đều trả lời:
“Đúng là về ngoại hình bả không bằng người ta, nhưng cái đẹp đâu chỉ là thứ đó. Tui yêu, tui quý là cái phần hiền dịu bên trong của bả”.
Vừa nói anh không quên ôm lấy đôi vai của chị Hồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận