14/02/2025 16:01 GMT+7

Hai đứa trẻ bị trao nhầm ở Bình Phước: Cuộc đoàn tụ như cổ tích

Câu chuyện trao nhầm con ở Bình Phước năm 2016 đã khiến nhiều người làm cha làm mẹ rớt nước mắt. Gần 10 năm sau, cái kết có hậu của câu chuyện tiếp tục làm người đọc rưng rưng.

Hai đứa trẻ bị trao nhầm ở Bình Phước: Cuộc đoàn tụ như cổ tích - Ảnh 1.

Ngọc Yến (trái), Lan Anh khăng khít như chị em ruột - Ảnh: AN VI

Để lại cảm xúc trong bài viết "Diễn biến bất ngờ của câu chuyện hai bé bị trao nhầm ở Bình Phước gần 10 năm trước", nhiều bạn đọc cho biết cái kết câu chuyện còn đẹp hơn cả phim.

3 năm thất lạc và cuộc đoàn tụ nhiều nước mắt

Câu chuyện bắt đầu vào năm 2013, chị Nguyễn Thị Thu Trang (mẹ ruột Lan Anh) sinh cùng phòng với chị Thị Liên (mẹ ruột Ngọc Yến) cách nhau 15 phút. 

Khi đưa bé Ngọc Yến về nuôi được chín tháng, anh Khiên, chồng chị Trang, đã sinh nghi vì không thấy nét giống cha mẹ. Sau đó, anh bỏ hết công việc để bắt tay vào tìm kiếm người phụ nữ sinh cùng với vợ năm nào.

Mãi đến năm 2016, ba ruột chị Trang trong lần đi bán bánh mì ở sóc kế bên bất ngờ thấy chị Liên bế một bé gái rất giống anh Khiên nên nghi ngờ, đưa cả gia đình vào xem.

Anh Khiên xét nghiệm ADN thì phát hiện Ngọc Yến không cùng huyết thống. 

Sau khi nhận khiếu nại, Bệnh viện Đa khoa thị xã Bình Long đã đưa hai bé đi xét nghiệm ADN và cho kết quả huyết thống chéo. 

Ngày 25-7-2016, hai bé gái được trả về cho ba mẹ ruột sau ba năm bị trao nhầm con ở Bình Phước. Bé Ngọc Yến về lại với mẹ Liên, còn bé Lan Anh được về trong vòng tay cha mẹ là anh Khiên - chị Trang.

Ban đầu, hai đứa trẻ khó thích nghi ở môi trường mới, nên hai gia đình quyết định cho hai con sống ở mỗi nhà một tuần. Ở được năm ngày, các con lại khóc liên tục, đòi về. 

Chị Liên (mẹ ruột Ngọc Yến) khi đó có gia đình mới phải đi làm xa. Để tiện cho hai con đi học, anh Khiên và chị Trang thống nhất với chị Liên đưa Ngọc Yến ra ở chung cùng Lan Anh tới nay.

Cổ tích giữa đời thường

“Năm 1974, tôi có xem bộ phim Hong Kong 18 năm trường hận nói về bà mụ trao nhầm hai đứa trẻ mới sinh do lúc ẵm bé đi tắm làm rơi bảng tên máng trên tay. Cứ tưởng chuyện chỉ có trong phim, ai dè ngoài đời có thật”, bạn đọc A3 đã 62 tuổi chia sẻ.

Bạn đọc Phuc Tran bất ngờ không kém: “Ôi trời! Không thể tin ngoài đời lại có một câu chuyện có hậu như vậy. Người ta nói đúng, tình ba mẹ là tình cảm thiêng liêng, khó tả. Chỉ mong sau này hai em lớn không bị ảnh hưởng bởi những biến cố hồi trẻ thơ”.

Tài khoản daot****@gmail.com cho rằng hoàn cảnh đã thử thách gia đình anh Khiên, chị Trang. 

“Các bạn đã vượt qua biến cố thật ngoạn mục, đẹp đẽ, các bạn thành tấm gương cho chúng tôi. Đó phải chăng là công đức, phước đức to lớn ở đời? Không phải ai cũng làm được”, bạn đọc này bày tỏ.

Gửi lời cảm ơn đến người làm cha làm mẹ trong câu chuyện hy hữu gần 10 năm trước, bạn đọc thie****@gmail.com cho rằng hành trình tìm lại con của anh Khiên đã có trái ngọt. 

“Cảm ơn những người bố, người mẹ đã yêu thương các con vô bờ và mang đến cho cuộc sống những điều tốt đẹp, dù còn bộn bề”, bạn đọc thie****@gmail.com xúc động.

Theo bạn đọc Mr Hero, sai lầm của bệnh viện đã gây khó khăn cho hai gia đình và hai đứa trẻ vô tội, nhưng cách hành xử nhân văn, thấu tình đạt lý của hai gia đình đã làm cho câu chuyện xúc động có cái kết rất có hậu. 

“Chúc gia đình hai con luôn hạnh phúc”, bạn đọc Mr Hero gửi gắm.

Bạn đọc Pudq thì cho rằng cái sai của người khác đã được anh Khiên, chị Trang sửa chữa bằng chữ tâm. 

Hay theo bạn đọc xamxi, "đây chính là câu chuyện cổ tích giữa đời thường”.

"Cái kết ngọt ngào. Khi con người tử tế và yêu thương thì khó khăn, sai sót nào cũng hóa giải được" - bạn đọc Minh Phuong bày tỏ.

Bạn đọc Toàn cũng gửi gắm hy vọng sau này Ngọc Yến và Lan Anh trưởng thành, kinh tế ổn sẽ chăm lo phụ giúp và qua lại cả hai bên gia đình.

2 đứa trẻ bị trao nhầm ở Bình Phước: Cuộc đoàn tụ như cổ tích - Ảnh 4.

Gia đình năm người của anh Khiên, chị Trang hiện tại - Ảnh: NVCC

Cần ngăn ngừa triệt để tình trạng trao nhầm trẻ sơ sinh

Bạn đọc Huỳnh Anh Khôi bày tỏ niềm vui về tình hình hiện tại của hai gia đình, song cũng mong muốn ngành y cần có giải pháp ngăn ngừa tình trạng trao nhầm trẻ sơ sinh. "Pháp luật cũng cần có chế tài đối với người có hành vi như vậy", bạn đọc Huỳnh Anh Khôi đề xuất.

Bởi theo bạn đọc Thanh Tùng, trong câu chuyện này bệnh viện đã thiếu trách nhiệm để xảy ra việc trao nhầm con.

Bạn đọc Da Nang dẫn lại câu chuyện ngày xưa khi đưa vợ đi sinh: "Tôi không khỏi lo lắng bởi nhận diện đứa trẻ chỉ với tấm dán băng keo trên trán, chứ không có vòng đeo tay, đeo chân như bây giờ.

Thầm nghĩ lỡ cô y tá tắm bé, miếng dán rớt ra rồi lu bu công việc, dán nhầm vô đứa trẻ sơ sinh khác thì sao. Vì thế tôi dặn vợ có đau mấy cũng ráng nhìn xem con mình có đặc điểm gì đặc biệt để nhận dạng!".

2 đứa bé bị trao nhầm cha mẹ: Cái kết đẹp hơn phim - Ảnh 4.Chàng trai tốt bụng giúp người đàn ông lưu lạc 30 năm về nước đoàn tụ với gia đình

Ông Lê Quang Khoa sang Campuchia mưu sinh rồi lưu lạc suốt hàng chục năm. Ở quê nhà người thân ông dù có lạc quan đến đâu cũng không nghĩ rằng có một phép màu đưa ông trở về với gia đình, cho đến khi một người Việt Nam gặp ông ở Phnom Penh.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên