Bắt đầu từ 16-11 các thuê bao di động trả sau có thể chuyển mạng giữ nguyên số di động. Trong ảnh: tại một cửa hàng Mobifone ở Q.1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Việt Nam hiện tại có khoảng 120 triệu thuê bao di động, và các thuê bao trả trước phải đến đầu năm sau mới sử dụng dịch vụ này. Liệu có xảy ra một cuộc giành khách hàng?
Thị trường viễn thông sẽ biến động?
Trong buổi họp báo công bố kế hoạch thực hiện dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số đối với thuê bao di động chiều 13-11, Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) đã khẳng định ba nhà mạng trên sẽ chính thức cung cấp dịch vụ chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số (Mobile Number Portability), gọi tắt là chuyển mạng giữ số.
Trước mắt, bắt đầu từ 16-11, dịch vụ này chỉ mới triển khai với các thuê bao trả sau (khoảng 5%) để đánh giá tác động của ba nhà mạng này, đến đầu năm 2019 có thêm Vietnamobile, và sẽ thực hiện cho tất cả thuê bao trả trước và trả sau. Riêng Gtel vẫn chưa có kế hoạch tham gia cuộc chơi này.
Các bước chuyển mạng giữ số - Đồ họa: T.ĐẠT
"Theo kinh nghiệm một số nước, trong những ngày đầu sẽ có biến động lớn về thuê bao chuyển mạng nhưng sau đó sẽ ổn định, thường ở mức dưới 5%, phổ biến là từ 2-4%. Việt Nam chưa dự đoán được nhưng chúng tôi hi vọng tỉ lệ chuyển mạng sẽ sớm ổn định", Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải đánh giá.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Trần Vũ, giám đốc Công ty bảo mật NTS, nhận định việc chuyển mạng nếu có sẽ chủ yếu từ các thuê bao dùng thường xuyên, vốn là những khách hàng có giá trị với các nhà mạng.
"Đặc biệt là các thuê bao VIP sẽ có thay đổi khi muốn chọn mạng mới có sóng mạnh nhất, khuyến mãi hơn mạng cũ, dịch vụ tốt nhất trong khu vực mình làm việc. Tôi nghĩ việc cạnh tranh giành lấy khách hàng VIP để giữ doanh số sẽ mang đến nhiều quyền lợi cho người dùng…", ông Vũ nói.
Chuyên gia Vũ Anh Tuấn cho rằng sự xáo trộn của thị trường khi chuyển mạng giữ số cũng chính là cơ hội để các nhà mạng lôi kéo khách hàng và sắp xếp lại thị phần viễn thông di động. Cuộc chơi sẽ thuộc về những doanh nghiệp (DN) có năng lực chăm sóc khách hàng tốt hơn, thay vì chỉ là nhà cung cấp dịch vụ thuần túy.
Theo ông Hải, chuyển mạng giữ số là một giải pháp để thúc đẩy cạnh tranh của các DN cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đã được chuẩn bị khá kỹ về chính sách, kỹ thuật trong thời gian qua.
Đại diện các nhà mạng như VinaPhone, MobiFone cho rằng mục đích chính không phải là để các nhà mạng giành khách hàng của nhau mà là động lực để các DN này nâng cao chất lượng dịch vụ của mình và khâu chăm sóc khách hàng.
Chuyển mạng không khó
Các thuê bao muốn chuyển mạng chỉ cần thực hiện quy trình bốn bước và sau 24h sẽ được như ý, với điều kiện, theo ông Hải, là thuê bao không nợ cước.
"Khi thực hiện chuyển mạng, thời gian gián đoạn dịch vụ để chuyển tiếp giữa hai nhà mạng được quy định tối đa là 1 giờ, nhưng thông thường chỉ diễn ra trong vài giây" - đại diện Bộ TT&TT nói.
Theo ông Hải, các thuê bao di động không bị hạn chế số lần chuyển mạng, bao gồm cả chuyển đến mạng mới và lại chuyển về mạng cũ. Giữa hai lần cách nhau 90 ngày. Theo ông Hải, Bộ TT&TT "đã làm việc và có định hướng thống nhất với các nhà mạng là mức phí không quá 60.000 đồng" cho một lần chuyển mạng.
Theo Cục Viễn thông, phí chuyển mạng sẽ không được hoàn trả trong trường hợp người dùng tự hủy đăng ký dịch vụ, hoặc không đủ điều kiện chuyển mạng do các lý do thuộc về chủ thuê bao.
Ông Nguyễn Phong Nhã, phó cục trưởng Cục Viễn thông, nói rằng người tiêu dùng có thể lựa chọn DN cung cấp phù hợp với nhu cầu mà không phải thay số điện thoại mới, gây xáo trộn trong sinh hoạt, làm việc và cũng không ảnh hưởng tới các dịch vụ liên quan đến ngân hàng mà thuê bao di động đã đăng ký.
"Tuy nhiên, chủ thuê bao cần lưu ý kiểm tra và đăng ký lại các dịch vụ giá trị gia tăng theo nhu cầu vì có thể một số dịch vụ gia tăng chỉ cung cấp cho nhà mạng này (cũ) mà không liên kết, cung cấp với nhà mạng khác (mới)", ông Nhã nói.
Cả ba nhà mạng Viettel, MobiFone và VinaPhone đều cho biết các thuê bao khi chuyển sang nhà mạng mới sẽ không thể tiếp tục duy trì các gói cước, các chương trình khuyến mãi của nhà mạng cũ.
Người tiêu dùng băn khoăn
* Thời điểm chuyển mạng cho giữ số đã cận kề và tôi đã có sẵn ý định chuyển sang mạng khác, nhưng điều tôi băn khoăn là khi đã chuyển đổi rồi, làm sao để phân biệt đâu là cuộc gọi hay tin nhắn nội mạng và ngoại mạng. Tôi vẫn chưa thấy các nhà mạng giải thích vấn đề này. Nếu không rõ ràng ngay từ đầu, chuyện tính cước của các nhà mạng chắc chắn sẽ làm những người dùng như tôi bức xúc.
Chị Thảo Nguyên (Q.5, TP.HCM)
* Tôi thấy các nhà mạng vẫn chưa công bố rõ ràng các điều khoản liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng với nhà mạng cũ để hòa vào nhà mạng mới, vì rất nhiều người dùng đã sử dụng dịch vụ của một nhà mạng rất lâu nên đương nhiên có nhiều ưu đãi cũng như dịch vụ hậu mãi. Tôi thấy giữa các nhà mạng vẫn còn nhiều mơ hồ trong việc thực thi dịch vụ chuyển mạng giữ số này.
Anh Đức Ninh (Q.Tân Phú, TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận