
Cầu Đông Thành Thủy Quan, còn gọi là cầu Lương Y, với 13 pháo nhãn đặt đại bác trên thành cầu - Ảnh: THÁI LỘC
Pháo đài cầu
Tháng 6-2020, khi các nhà dân xây trên thượng thành được giải tỏa, hai cửa vòm nhỏ trên hai bức tường thành hai bên cầu Đông Thành Thủy Quan đã lộ ra, giới quan tâm mới chú ý đến sự đặc biệt về cụm công trình quân sự quan yếu này. Nằm ở trung tâm của cả cụm công trình là "pháo đài cầu" Đông Thành Thủy Quan.
Cầu vòm Đông Thành Thủy Quan bắc qua đoạn cuối sông Ngự Hà, dài gần 68m, thân xây bằng gạch, vòm thông thủy bằng đá thanh. Hai lan can xây gạch trát vữa chênh lệch nhau: lan can phía ngoài thành cao 1,5m và trên mình nó có 13 pháo nhãn để đặt đại bác; còn lan can phía trong thành cao 1,05m.
Mặt trong thân cầu là hai trụ đá thanh xếp chồng nằm hai bên lối thông thủy, có gờ âm và bên trên khoét lõm dùng để đặt đòn quay đóng mở cánh cửa thủy lộ bên dưới.
Theo văn bia về Ngự Hà - ngự chế của hoàng đế Minh Mạng, cầu vốn làm bằng gỗ vào năm 1808, có tên là Thanh Long. Đến năm 1831, vua cho xây bằng gạch đá, đặt tên Đông Thành Thủy Quan: "Tháng tư năm Minh Mạng thứ 11 lại thấy ở chỗ Ngự Hà chảy về phía đông ra ngoài Kinh thành, nguyên có chiếc cầu gỗ tên là cầu Thanh Long, cũng sai thay bằng đá.
Dưới cầu đặt cánh cửa làm cửa quan. Trên cầu, ở lan can bảo vệ trổ ra 13 cửa dùng để bắn súng đại bác. Cầu được đổi tên Đông Thành Thủy Quan".
Sử liệu triều Nguyễn cho biết ngày xưa cây cầu với 13 khẩu đại bác đặt trên thành cầu phía đông. Cùng với pháo đài Đông Vĩnh lẫn đoạn tường thành tiếp giáp pháo đài Đông Phụ là do vệ Tiền Bảo nhị của Tiền Quân và vệ Hậu Bảo nhất của Hậu Quân canh giữ.
Theo điển chế nhà Nguyễn, vào khoảng 9h tối, sau hai phát súng hiệu, cánh cổng gỗ sẽ được hạ xuống đóng kín. Đến gần 5h sáng, cũng sau hai phát súng hiệu, cánh cổng thủy quan được kéo lên để thuyền bè lưu thông.
Thực địa tại khu vực này khoảng năm 1924, trung tá Ardant Du Picq cho rằng cùng với 13 khẩu đại bác trên cầu, hai cửa vòm hai bên cầu (xuất lộ 2020) khả năng cũng là nơi đặt hai khẩu đại bác.
Gần đó là hai pháo đài Đông Vĩnh và Đông Phụ cũng được thiết kế bố trí rất nhiều pháo nhãn đặt đại bác, để phối hợp hỗ trợ pháo đài trung tâm là cầu Đông Thành Thủy Quan, đúng với tính chất phòng thủ đặc biệt trọng yếu tại cổng thủy lộ vào ra Kinh thành.
Kiến trúc độc đáo
Nằm giữa đoạn Kinh thành phía tây và ngay trên thủy lộ Ngự Hà chảy vào Kinh thành là "pháo đài cầu" Tây Thành Thủy Quan, một kiến trúc đặc biệt của hệ thống phòng thủ Huế xưa. Mặc dù cái lô cốt xây từ thời chống Mỹ đen sì, nằm án ngữ ngay giữa trên của cầu.
Song vẻ đẹp và sự độc độc đáo của kiến trúc này vẫn đáng được khách xa chiêm ngưỡng. Bên dưới là lối thông thủy là một vòm đá. Bên trên, đường đi và lan can của thân cầu được thiết kế rất đặc biệt: vừa lên dốc vừa uốn cong vào phía thân thành rồi mềm mại xuôi xuống. Mặt trong vẫn còn hệ thống để đặt đòn quay đóng mở thủy lộ. Tấm biển "Thủy Quan" bằng đá thanh áp ngay giữa tường cầu. Tường thành trên cao có ba pháo nhãn đặt đại bác.
Trên phần tường gạch vừa cao dần vừa uốn cong ép vào tường thành còn bốn trụ đá táng mặt trên có lỗ. Điều ít ai ngờ đây là phần chống đỡ một ngôi cổ lâu có mái lợp, vừa là vọng lâu của cổng thành đường thủy vừa là pháo đài đặt ba cỗ đại bác, vừa là nơi trú náu của binh lính canh giữ, vừa là nơi có thể nghỉ ngơi của quân đội trên đường vận binh dọc Kinh thành...
Sách Đại Nam nhất thống chí ghi cầu xây dựng năm 1826 và "trên cầu đặt xưởng đại bác". Sách Đại Nam thực lục, phần định lệ canh giữ Kinh thành vào tháng 3 năm Minh Mạng thứ 8 (1827) ghi: "2 vệ Long võ hậu, Hổ oai trung quân thị nội giữ đài Tây An đến giáp đài Tây Dực, cùng lầu cửa Thủy Quan".
Phần Quy chế thành đài ở Kinh sư trong sách Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, chép thêm: "phía tây có một thủy quan, trên đặt một lầu và một xưởng súng, mặt ngoài dài 10 trượng, mặt trong dài 20 trượng"... Sử Nguyễn cũng cho hay nguyên xưa nơi đây luôn có 20 lính túc trực canh phòng.
Hiện chưa tìm thấy hình vẽ cũng như ảnh chụp về ngôi lầu này và chưa thấy ghi chép về thời điểm lẫn nguyên do biến mất trong lịch sử. Song nó bị biến mất từ khá sớm, khoảng từ nửa cuối thế kỷ 19. Bởi lẽ mãi đến năm 1924, dấu vết còn lại cũng không rõ ràng.
Trung tá Ardant Du Picq, trong công trình khảo cứu Những đồn lũy của Kinh thành Huế đăng trên tập san B.A.V.H. của Hội Đô thành hiếu cổ (A.A.V.H) năm 1924 đã diễn tả kỹ lưỡng về kỹ thuật xây dựng, hình dáng kiến trúc với lời khen ngợi về sự tuyệt đẹp của công trình này. Song tác giả không hề nhắc tới ngôi lầu mà sử sách nhà Nguyễn từng đề cập.

Cầu Tây Thành Thủy Quan nhìn từ trên cao - Ảnh: NHẬT LINH
Chốn linh thiêng
Ngày nay người dân xa gần vẫn coi cầu Tây Thành Thủy Quan là chốn linh thiêng, thường chọn để "gửi gắm" nhiều lễ vật cúng bái. Nhiều hôm nơi đây bày rất nhiều "mâm cúng", có cau trầu, nhang đèn, hương hoa, cơm nắm, trứng luộc...
Lẫn trong đám cỏ bụi là nhiều tự khí cũ có, mới có, gồm cả bát nhang, tranh tượng thờ, ông Địa, ông Táo..., cho dù chúng được đơn vị vệ sinh dọn dẹp liên tục. Vào những dịp sóc, vọng, những ngày vía hoặc lễ cúng cô hồn..., người đi đường dễ bắt gặp cảnh người dân đến đây thắp nhang, cúng vái.
Thực ra ngay thời xa xưa người ta vẫn xem Tây Thành Thủy Quan là chốn linh thiêng. Người phụ trách tiểu học của chính quyền thuộc Pháp tại Việt Nam H. Délétie cũng kể lại câu chuyện khó tin liên quan đến chiếc cầu Tây thành Thủy Quan, đăng trong B.A.V.H.1922:
"Người ta kể chuyện rằng trước đây dân chúng xung quanh nửa đêm thường thấy từ trên trời có những vầng mây đỏ tuôn xuống che khuất cây cầu, họ cho đó là phúc thần giáng hạ. Do đó lễ vật dâng cúng được mang đến tấp nập từ khắp nơi để cầu của, cầu con trai, cầu sức khỏe. Sĩ tử của các kỳ thi hương không quên mang hương, đèn, hoa quả đến cúng cầu thi đỗ...".
Linh mục L.Cadière, trong bài viết về kinh đô Huế năm 1916 cũng diễn tả rất cụ thể việc cúng bái thường xuyên ở cây cầu này, do đội lính canh phòng tổ chức. Ông diễn tả: "Họ đặt trước mặt tấm đá có đề tên cầu, được xem như chỗ quy tụ âm đức thần linh một nải chuối và thắp vài cây hương.
Người chủ lễ lạy bốn lạy rồi đứng dậy hơi cúi về phía trước, chắp hai tay, lim dim mắt, trong tư thế vô cùng kính trọng và cầu khấn tha thiết với ngài "quận công trông coi các dòng sông và cầu Thủy Quan"... Người ta rót rượu nhiều lần trong chén tích đặt vào giữa khung đá và tiếp theo lại rót trà. Người ta đốt vàng bạc cho vị thần".
"Đông Thành Thủy Quan vào đầu đời Gia Long bắc cầu gỗ gọi là Thanh Long. Năm Minh Mạng thứ 17 xây cầu gạch, dưới cầu đặt cánh cửa để tiện mở đóng, trên cầu xây lan can, cửa xưởng đại bác và đổi tên như hiện nay. Tây Thành Thủy Quan xây năm Minh Mạng thứ 7, cũng đặt cánh cửa ở dưới, trên cầu đặt xưởng đại bác và cho tên như hiện nay" - sách Đại Nam nhất thống chí thời Tự Đức.
----------------------
Có một nơi trong Kinh thành Huế được đắp bằng đất sạch của cả nước: 100 khiêng của Huế, 50 khiêng của Sài Gòn, 50 khiêng của Hà Nội, 50 khiêng của Biên Hòa, 50 khiêng của Thanh Hóa, 2 khiêng của Hà Tiên... Đó là đàn Xã Tắc, nơi cúng tế thần đất và thần lúa, một hoạt động thiêng liêng và quan trọng bậc nhất của hoàng triều Huế xưa.
Kỳ tới: Một biểu tượng của đất nước thống nhất
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận