Người hâm mộ ăn mừng chiến thắng của đội tuyển Anh trước Đan Mạch ngày 7-7-2021 - Ảnh: REUTERS
Nghiên cứu công bố ngày 8-7, hơn một tuần trước thời điểm mở cửa lại hoàn toàn nền kinh tế theo kế hoạch của Thủ tướng Boris Johnson.
Theo Hãng tin Reuters, ông Johnson cho biết vẫn sẽ giữ kế hoạch bỏ hầu hết các hạn chế về dịch bệnh COVID-19 vào ngày 19-7. Theo ông, mặc dù các mô hình dự báo số ca nhiễm sẽ tăng nhưng số ca tử vong do COVID-19 thì không và cuộc sống cần trở lại bình thường.
Nghiên cứu do Đại học Hoàng gia London thực hiện dự báo số ca nhiễm sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 6 ngày do biến thể Delta.
Đây là một trong những nghiên cứu lớn nhất được thực hiện ở Vương quốc Anh, phân tích kết quả xét nghiệm được trả trong thời gian từ 24-6 đến 5-7 của 47.000 người.
Sự hiện diện của virus trong các mẫu xét nghiệm là 0,59% (tương đương có 1 người dương tính trong 170 người làm xét nghiệm). Tỉ lệ này cao hơn so với tỉ lệ 0,15% trong đợt trả kết quả trước, giai đoạn từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6-2021.
Giáo sư Steven Riley, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại học Hoàng gia London, cho biết: "Dựa trên dữ liệu, rất khó để lập luận rằng mở cửa sớm là một quyết định tốt". Ông khuyến cáo Chính phủ Anh cần tính đến các yếu tố phi dịch tễ khác khi đưa ra quyết định của mình.
Nghiên cứu cũng ghi nhận tỉ lệ nhiễm COVID-19 thấp hơn ba lần ở những người dưới 65 tuổi đã tiêm hai liều vắc xin (vaccine) so với những người chưa tiêm, cho thấy vắc xin có vai trò quan trọng trong giảm số ca nhiễm.
Ngoài ra, giáo sư Riley cho rằng hiện chưa có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy việc tổ chức giải bóng đá Euro 2020 thúc đẩy sự gia tăng số ca nhiễm, nhưng đúng là tỉ lệ dương tính ở phụ nữ thấp hơn ở nam khoảng 30%.
Theo giáo sư Riley, lo ngại cụ thể về các trận bóng đá trên sân Wembley ở London có thể không quan trọng bằng sự gia tăng đi lại, tiếp xúc trên toàn quốc.
Trước đó, ngày 7-7, ông Mike Ryan, giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới, cũng cảnh báo các nước về việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19 khi tỉ lệ tiêm ngừa vẫn còn thấp.
Biến thể Delta có mặt ở ít nhất 98 quốc gia vẫn tiếp tục lây lan đáng lo ngại ở nhiều nước trên thế giới.
Tại Pháp, ngày 7-7, ông Gabriel Attal - người phát ngôn chính phủ - thông báo biến thể Delta chiếm tới 40% số ca mắc COVID-19 tại Pháp. Ông cảnh báo làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 4 sẽ sớm bùng phát do số ca mắc COVID-19 đang ngày càng tăng cao tại 11 tỉnh, thành, đặc biệt tại thủ đô Paris.
Dự kiến, Chính phủ Pháp sẽ họp vào ngày 12-7 để xem xét mọi kịch bản ứng phó với diễn biến khó lường của dịch COVID-19.
Tại Mỹ, một số bang có tỉ lệ tiêm thấp đang chứng kiến sự gia tăng của số ca mắc COVID-19 mới do biến thể Delta. Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ, số ca nhiễm mới đang gia tăng tại các bang có tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19 thấp là Alabama, Arkansas, Louisiana và Mississippi.
Tại Thái Lan, Delta đã trở thành biến thể lây nhiễm chính tại thủ đô Bangkok. Theo báo Bangkok Post, Chính phủ Thái Lan đang cân nhắc thực hiện phong tỏa Bangkok sau nhiều lần từ chối thực hiện biện pháp này. Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của Thái Lan ghi nhận có 52% số ca nhiễm mới trong thời gian từ 28-6 đến 2-7 tại Bangkok là do nhiễm biến thể Delta.
Tại Nhật Bản, Đài truyền hình NHK cho biết Chính phủ Nhật Bản sẽ có quyết định chính thức về việc công bố tình trạng khẩn cấp trong ngày 8-7, sau khi lắng nghe ý kiến của nhóm cố vấn về ứng phó với đại dịch COVID-19. Tình trạng khẩn cấp lần thứ 4 dự kiến sẽ có hiệu lực trong suốt thời gian diễn ra Olympic Tokyo và kéo dài tới 22-8.
Hiện nay, số ca mắc mới ở Tokyo đang tăng nhanh. Số ca bệnh trung bình trong một tuần tại Tokyo hiện là hơn 602 ca/ngày.
Tại Hàn Quốc, theo Hãng thông tấn Yonhap, số ca nhiễm COVID-19 mới công bố ngày 8-7 là số ca cao nhất kể từ đầu dịch đến nay.
Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc cho biết có 1.275 ca mới, nâng tổng số ca mắc lên 164.028 trường hợp và 2.034 người tử vong. Chưa rõ sự gia tăng đột biến của số ca nhiễm tại Hàn Quốc trong hai ngày liên tiếp qua có liên quan đến biến thể Delta không.
Hầu hết các nước trên thế giới đều đang đẩy mạnh hơn nữa chiến lược tiêm vắc xin COVID-19 để càng nhiều người dân được bảo vệ càng tốt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận