Bác sĩ Nguyên dạy trực tuyến cho sinh viên ngay trong phòng trực của Trung tâm ICU - Ảnh: NVCC
Gần 150 ngày tình nguyện vào TP.HCM chiến đấu chống bão dịch khốc liệt, thời điểm này chính là khoảng "tạm lắng" để các bác sĩ, nhân viên y tế nhớ lại bao kỷ niệm suốt đời không thể nào quên.
24 năm kể từ lúc khoác blouse trắng đã chứng kiến không ít chuyện mất mát lẫn hạnh phúc, song với bác sĩ Trần Thừa Nguyên, chuyến chi viện cho TP.HCM lần này là dấu ấn đặc biệt theo anh suốt cuộc đời.
Nhìn sự khủng khiếp của dịch bệnh từ ICU
Hoàn thành 7 ngày cách ly sau khi về Huế hôm 15-10, TS Trần Thừa Nguyên (khoa nội tổng hợp lão khoa Bệnh viện Trung ương Huế) đã về nhà nhưng vẫn thương các đồng nghiệp còn ở lại TP tiếp tục cuộc chiến với COVID-19.
Đoàn Bệnh viện (BV) T.Ư Huế vào TP.HCM từ 12-8, nhận nhiệm vụ tại nơi được xem là tuyến cuối trong điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch: Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) ở quận Tân Phú.
Bác sĩ Nguyên nhận nhiệm vụ tại khu thoát hồi sức và khu chuẩn bị ra viện. Anh ví nơi mình phụ trách giống ngã ba đường bởi khu này tiếp nhận bệnh nhân vào điều trị và theo dõi. Nếu người bệnh khỏe dần thì chuyển qua khu bệnh nhẹ, chuẩn bị ra viện, còn nặng hơn sẽ chuyển lên khu bệnh nặng, nguy kịch.
Ngày 24-8, trung tâm ICU này bắt đầu "chạy", số lượng bệnh nhân trở nặng ở tuyến dưới các BV vệ tinh chuyển về tăng rất nhiều.
"Là bác sĩ chứng kiến bệnh nhân tử vong không ít. Nhưng khi làm việc ở trung tâm ICU mới thấy rõ sự khủng khiếp của dịch bệnh chết chóc. Chứng kiến người tử vong nhiều và quá nhanh, có khi cả hệ thống, nhất là các bác sĩ trẻ "đứng hình", tâm lý ảnh hưởng không nhỏ" - bác sĩ Nguyên nói và tâm sự thêm anh luôn cố gắng tạo cú hích để xốc lại tinh thần anh em vì còn nhiều người bệnh đang cần mình.
Lật giở từng mảnh ký ức còn vẹn nguyên, cảm xúc vẫn bồi hồi, bác sĩ Nguyên kể hai ca bệnh không thể nào quên. Họ đều là nữ, có bệnh nền, mắc COVID-19 nặng, trong đó người lớn tuổi, nhiều bệnh nền thì vượt qua cửa tử và trở về nhà, còn thai phụ 19 tuổi lại không may mắn như thế.
Ở lằn ranh sinh - tử
Chia sẻ niềm vui trước, bác sĩ Nguyên kể ca cứu sống nữ bệnh nhân 70 tuổi này là một trong những quả ngọt cho nỗ lực không ngơi nghỉ của các y bác sĩ ở "cửa cuối".
"Người này nhập viện trên nền bệnh đái tháo đường, biến chứng suy thận giai đoạn cuối, huyết áp cao, tim mạch. Vào BV thì xuất huyết toàn thân kèm thêm mắc COVID-19, mức độ nguy kịch khi phổi bị đông đặc, không còn chức năng trao đổi khí.
Chúng tôi cho dùng các loại thuốc điều trị thì thuốc này ảnh hưởng bệnh kia nên các anh em hội chẩn với nhau, điều trị theo phác đồ COVID-19 mức độ nặng + nguy kịch, dùng thêm thuốc Insulin và kháng đông Heparin. Cứ 6 tiếng một lần phải xét nghiệm máu để điều chỉnh liều dùng kháng đông. Mỗi ngày đều nhìn phim chụp phổi để đánh giá mức tiến triển của phổi. Ngoài ra còn sử dụng máy oxy dòng cao - HFNC" - anh cho biết.
Từ tiên lượng tử vong cao, bệnh nhân dần đỡ khó thở và hồi phục thần kỳ sau gần 1,5 tháng nằm giữa lằn ranh sinh tử. Hôm được đẩy xe lăn ra viện, người phụ nữ gửi lời cảm ơn các ân nhân và nhờ cắt tóc giùm bà.
"Nhìn bệnh nhân chuyển biến tốt, chúng tôi có thêm động lực và sự phấn chấn. Đây là thành quả lớn lao vì trước đó tiên lượng tử vong của bà rất cao" - anh chia sẻ.
Đặc điểm bệnh nhân COVID-19 chuyển biến bất chừng và rất nhanh, khiến y bác sĩ không kịp trở tay. Và thai phụ trẻ tuổi tử vong khi chỉ vừa sinh con vài ngày là một trong những ca làm bác sĩ Nguyên xót xa nhất. Cô gái 19 tuổi, quê Đắk Nông, được BV tuyến dưới chuyển vào trung tâm ICU khi đang mang thai 34 - 35 tuần kèm viêm phế quản, viêm xoang.
"Khi vào đây thì tình trạng đã trở nặng, bệnh nhân suy hô hấp, SPO2 tuột dần. Chúng tôi giữ cho tình trạng khó thở không tăng lên và cố gắng duy trì tuổi thai, chờ tới ngày sinh nở. Bệnh nhân thở oxy qua mask, qua túi đến oxy dòng cao. Đến ngày sinh, bệnh nhân mệt và được chuyển qua BV Từ Dũ để mổ bắt con, sau đó đưa về lại trung tâm ICU. Lúc này thì tim phổi cô đã tổn thương nặng, tri giác kém. Chúng tôi cho thở máy, dù cố hết sức nhưng đành tiếc nuối khi bệnh nhân tử vong sau 4 - 5 ngày hôn mê" - bác sĩ Nguyên kể.
Những vết lằn hằn rõ nguyên trên khuôn mặt bác sĩ Dũng - Ảnh: NVCC
Ánh mắt níu kéo sự sống
Lần chi viện này đối với vị bác sĩ 47 tuổi là một trong những vấn đề nhắc nhở anh hoàn thiện hơn trong chuyên môn và dìu dắt những thế hệ sau. "Tôi cũng nhận ra khi khó khăn, các nhân viên y tế dù đến từ nhiều BV, địa phương khác nhau nhưng đều đồng tâm hiệp lực và đoàn kết để giúp người bệnh sớm được phục hồi" - anh nói.
Chuyến công tác gần hai tháng để lại nhiều dấu ấn, kỷ niệm khó quên trong suốt 17 năm cứu người cũng chính là tâm sự của ThS Nguyễn Văn Dũng (trưởng khoa hồi sức tích cực 1 BV Đa khoa tỉnh Thanh Hóa).
"Đây là lần đầu tôi được trải nghiệm thực tế công việc trong miền Nam và học được sự tận tụy, cách làm việc chuyên nghiệp của người miền Nam" - anh bày tỏ.
Bác sĩ Dũng cùng đồng nghiệp vào TP.HCM trước hai ngày khi BV Hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) hoạt động vào 15-7. Thời điểm đó, dịch bệnh ở TP bắt đầu bùng mạnh, số ca nặng tăng dần khiến anh sau khi cởi bộ đồ bảo hộ, kết thúc ca trực thì mới ăn trưa lúc... 4h chiều, và ăn tối lúc 11h đêm với những vết lằn khẩu trang hằn trên khuôn mặt.
Bác sĩ Dũng tâm sự nếu ở khu cấp cứu, một bác sĩ có thể giải quyết 10 bệnh nhân, thì ở khu hồi sức 10 bác sĩ mới cứu được một người.
"Những người vào ICU thường là nặng, tỉ lệ qua khỏi không nhiều. Ở đó, chúng tôi lúc nào cũng giành giật từng sự sống cho bệnh nhân nên khi nhìn họ tốt lên từng ngày, mình xúc động lắm. Cho nên tới lúc đã trở về Thanh Hóa, tôi vẫn gọi vào xem họ thế nào" - anh cho hay.
Ở khoa ICU 2B, anh nhiều lần chứng kiến những ánh mắt mong muốn được níu kéo sự sống của người bệnh. Anh kể có một bệnh nhân nam sinh năm 1984 mắc COVID-19 với diễn biến nặng, suy hô hấp, tràn khí màng phổi và phải đặt ống thở máy. Người này có vợ đang mang bầu 3 tháng.
Ngoài sự tận tình điều trị của bác sĩ thì anh cũng cố gắng sinh tồn, mong sớm được về với vợ con. Khi bác sĩ Dũng rời Sài Gòn, nam bệnh nhân này vẫn còn nằm lại BV. Ngày anh Dũng gọi vào hỏi thăm thì biết chàng trai 37 tuổi vừa xuất viện.
Kể ngắn gọn về hành trình 50 ca trực sáng - chiều - đêm, bác sĩ Dũng chia sẻ: "Có những giây phút lặng nhìn bệnh nhân trong cơn sinh - tử. Có những giọt nước mắt rơi khi nhìn bệnh nhân xuất viện. Khi mệt mỏi không còn là cảm giác, mà đó là khó khăn thực sự, đòi hỏi nỗ lực mỗi ngày vì sự bình phục của bệnh nhân và cuộc sống quý báu".
Ngày rời TP.HCM, bác sĩ Dũng và các đồng nghiệp không khỏi lưu luyến. Anh cho biết vẫn muốn ở lại nhưng quê nhà đang có dịch nên phải trở về. Hiện anh là phó giám đốc phụ trách chuyên môn BV COVID-19 số 1 tỉnh Thanh Hóa.
Vừa cứu người, vừa dạy học
Ngoài điều trị F0, bác sĩ Trần Thừa Nguyên còn giảng dạy trực tuyến cho các sinh viên Đại học Y dược Huế. Mượn phòng trực làm giảng đường, anh đưa vào bài giảng câu chuyện các bệnh nhân nguy kịch đang nằm trên giường cách anh chưa tới 5m.
"Tôi nghĩ khi truyền những hình ảnh đó cho sinh viên sẽ tạo ra động lực để các bạn, những thành phần cốt cán sau này, có thể không phải là COVID-19 mà nhiều dịch bệnh khác nữa sẽ đứng ra lo cho xã hội tốt hơn" - anh chia sẻ.
*******
"Tôi xin ở lại vì thấy sức mình vẫn còn đảm bảo để cống hiến tiếp. Và tôi đã chứng kiến người bệnh chết quá nhiều".
>> Kỳ tới: Cuộc gặp gỡ kỳ lạ ở căn phòng sinh - tử
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận