Thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương tăng điểm vào ngày 15-3, sau khi cổ phiếu ngân hàng ở Phố Wall (Mỹ) tăng trở lại nhờ việc các nhà đầu tư lạc quan rằng những rủi ro lan rộng sau vụ Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) sụp đổ đang được ngăn chặn, theo kênh CNBC.
Báo cáo mà Mỹ vừa công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở nước này tăng 0,4% trong tháng 2-2023, thấp so với mức tăng 0,5% ghi nhận trong tháng 1-2023. Tính theo năm, CPI tháng 2 tăng 6%, thấp so với mức tăng hằng năm 6,4% tháng trước (kỳ một năm tính tới tháng 1-2023).
Số liệu lạm phát của Mỹ được công bố ở mức phù hợp với dự báo, củng cố khả năng Cục Dự trữ liên bang (Fed) tăng lãi suất trong cuộc họp vào tuần tới.
Tại châu Á ngày 15-3, chỉ số Kospi và chỉ số Kosdaq của Hàn Quốc lần lượt tăng 1,94% và 2,76% trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp của nước này giảm nhẹ trong tháng 2 so với tháng 1.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,2%, trong khi chỉ số Topix tăng 0,8%. Tại Úc, S&P/ASX 200 tăng 0,3%.
Tại Mỹ ngày 14-3, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 336,26 điểm, tương đương tăng 1,06%, chấm dứt chuỗi 5 ngày giảm điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,65%, đóng cửa với 3.919,29 điểm. Nasdaq Composite tăng 2,14% lên 11.428,15 điểm.
Thị trường chứng khoán châu Âu cũng tăng điểm ngày 14-3 khi các nhà giao dịch đã quen với các dư chấn từ vụ sụp đổ của Ngân hàng SVB và phản ứng với dữ liệu lạm phát của Mỹ.
Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu đóng cửa ngày 14-3 với mức tăng 1,45%, với tất cả lĩnh vực đều có sắc xanh. Chỉ số chứng khoán DAX của Đức và CAC 40 của Pháp đều tăng trở lại khoảng 1,7%, sau khi giảm khoảng 3% hôm 13-3.
Các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ các dữ liệu kinh tế được công bố từ Trung Quốc hôm nay 15-3. Đất nước tỉ dân này dự kiến sẽ công bố doanh số bán lẻ và số liệu sản lượng công nghiệp trong tháng 2, cũng như lãi suất cho vay trung hạn một năm cho tháng 3.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận