Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 13-2, sau khi hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq trải qua tuần giảm mạnh nhất gần 2 tháng.
Kết phiên, chỉ số Dow Jones tăng 376,66 điểm, tương đương 1,11%, chốt ở 34.245,93 điểm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng. S&P 500 tăng 1,2%, đạt 4.137,29 điểm. Nasdaq tăng 1,5%, dừng ở 11.891,79 điểm.
Theo một cuộc thăm dò của Hãng tin Reuters, các nhà phân tích dự đoán CPI sẽ tăng 0,5% trong tháng 1. Trong đó, CPI lõi tăng 0,4% từ mức 0,3% của tháng 12 năm ngoái.
Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones kỳ vọng CPI tháng 1 tăng 0,4% so với tháng 12 năm ngoái. CPI lõi, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, dự kiến sẽ tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
CPI đã giảm 0,1% trong tháng 12 vừa qua, mức giảm lớn nhất kể từ năm 2020. Theo Đài CNBC, đây là mức giảm đáng hoan nghênh đối với các nhà đầu tư đang tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy lạm phát bắt đầu hạ nhiệt. Các nhà đầu tư cũng hy vọng điều này có thể thuyết phục Fed xem xét tạm dừng tăng lãi suất.
"Mọi con mắt đều tập trung vào báo cáo CPI ngày 14-2 để đánh giá hướng đi của thị trường cho quý 1 và hơn thế nữa", ông Greg Bassuk, giám đốc điều hành Công ty AXS Investments, cho biết.
Báo cáo CPI dự kiến công bố lúc 20h30 ngày 14-2 (giờ Việt Nam).
Ở thị trường châu Á, các nhà đầu tư tin tưởng rằng báo cáo của CPI sẽ cho thấy lạm phát đã giảm bớt.
Chỉ số chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương MSCI bên ngoài Nhật Bản tăng 0,3%, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 0,5%.
Cổ phiếu Trung Quốc đảo ngược mức tăng trước đó và giảm vào cuối phiên. Chỉ số CSI 300 giảm 0,1% và chỉ số Hang Seng HSI của Hong Kong giảm 0,3%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận