23/04/2025 08:14 GMT+7

Chuẩn bị tốt cho đàm phán thuế đối ứng với Mỹ

Ngày 22-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về chuẩn bị đàm phán, thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng, ổn định, bền vững với Mỹ.

Chuẩn bị tốt cho đàm phán thuế đối ứng với Mỹ - Ảnh 1.

Doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến thuế đối ứng và chủ động tìm biện pháp ứng phó - Ảnh: K.GIANG

Theo Thủ tướng, từ khi thương mại toàn cầu có diễn biến mới, Mỹ đưa ra chính sách thuế đối ứng, Việt Nam đã có đối sách thích ứng kịp thời, linh hoạt, phù hợp và thể hiện sự bình tĩnh, chủ động, bản lĩnh trước diễn biến tình hình, được phía Mỹ đánh giá là tích cực.

Không để ảnh hưởng các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia

Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục đàm phán thúc đẩy quan hệ thương mại cân bằng, ổn định, bền vững, hiệu quả với Mỹ đồng thời tăng cường đối thoại, tránh căng thẳng; tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng; hài hòa lợi ích, vì lợi ích của mỗi nước, có lợi cho các doanh nghiệp và cho người tiêu dùng hai bên.

Cũng theo ông, hàng hóa của Việt Nam không cạnh tranh với Mỹ, quan hệ thương mại hai bên từ trước đến nay cuối cùng là có lợi cho người tiêu dùng Mỹ và thúc đẩy động lực xuất khẩu của Việt Nam. Do đó Việt Nam sẵn sàng đàm phán theo các đề nghị của Mỹ.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt là đoàn đàm phán, chuẩn bị tốt các nội dung để đàm phán với phía Mỹ. Đặc biệt việc đàm phán cần không làm phức tạp vấn đề; không ảnh hưởng đến các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; không vì việc này mà ảnh hưởng đến việc khác; không vì thị trường này mà ảnh hưởng tới thị trường khác; có giải pháp hợp lý để hai bên cùng có lợi, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

Theo Thủ tướng, đây cũng là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc lại động lực xuất khẩu, tái cấu trúc doanh nghiệp, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng. 

Vì vậy cần tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, đi vào các sản phẩm công nghệ cao, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ... dựa vào khoa học, công nghệ, chuyển đổi số theo xu thế của thế giới.

Các bộ, ngành, địa phương phối hợp và giải quyết các vấn đề mà phía Mỹ quan tâm, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành phải xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện để vừa thúc đẩy phát triển vừa quản lý và bảo vệ sản xuất, nhất là về xuất xứ hàng hóa, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả hàng nhái...

Cơ hội mở rộng đối tác, giảm rủi ro

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Mạnh Cầm, phó chánh văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), chia sẻ việc Mỹ hoãn 90 ngày áp thuế đối ứng với các đối tác thương mại (ngoại trừ Trung Quốc) và chỉ áp dụng mức cơ sở 10% đã giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và dệt may nói riêng "dễ thở" hơn nhưng việc xuất khẩu sang thị trường này vẫn bị tác động.

"Việc Mỹ hoãn áp thuế sẽ giúp chúng ta có thêm thời gian để đàm phán với khách hàng, tính toán dữ liệu để có các phương án về thị trường, quản trị sản xuất, công tác khách hàng hiệu quả hơn" - ông Cầm nói nhưng cho rằng với việc bị áp thuế 10%, hoạt động xuất khẩu dệt may Việt Nam sang thị trường Mỹ cũng vẫn bị tác động tiêu cực.

Là đơn vị kết nối đơn hàng giữa các nhà mua hàng với doanh nghiệp xuất khẩu, ông Nguyễn Tuấn Việt, giám đốc Công ty TNHH xúc tiến xuất khẩu VIETGO, cho rằng với lệnh hoãn áp thuế, kim ngạch xuất khẩu sẽ không bị ảnh hưởng nhiều trong ba tháng tới. Việc các doanh nghiệp FDI rời đi như lo ngại trước đó cũng sẽ không diễn ra, ít nhất là trong quý 2, thậm chí là quý 3.

Khoảng thời gian này sẽ được các nước, các đối tác tận dụng để tăng cường liên kết dựa trên những lợi thế so sánh nhằm hạn chế rủi ro khi Mỹ áp thuế trở lại và đạt được các thỏa thuận đàm phán với Mỹ. "Việt Nam có nhiều lợi thế để có thể tăng cường hợp tác với các nước, vừa tận dụng tốt những lợi thế sẵn có vừa giảm rủi ro từ thị trường Mỹ", ông Việt khẳng định.

Trong khi đó, ông Mạc Quốc Anh, phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, cho rằng việc tạm hoãn áp thuế đối ứng không đồng nghĩa với bãi bỏ hoàn toàn và các rủi ro vẫn còn tiềm ẩn. Trước mắt doanh nghiệp chưa bị tăng gánh nặng chi phí, chưa bị xáo trộn kết quả kinh doanh.

Sớm điều chỉnh chiến lược, hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Mạc Quốc Anh cũng cho biết đang liên tục phổ biến thông tin kiến thức, khuyến cáo doanh nghiệp rà soát lại quy trình sản xuất và chuỗi cung ứng, đặc biệt là kiểm soát xuất xứ sản phẩm. Đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu, lưu trữ đầy đủ hồ sơ, chứng từ, sổ sách thông tin để có dữ liệu khi cần thiết trong ứng phó.

"Tập trung vào các sản phẩm giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu trên cơ sở dịch chuyển dần từ xuất khẩu thô sang xuất khẩu chế biến sâu, tạo điểm khác biệt để dù có rào cản thuế thì sản phẩm vẫn giữ được vị thế, cũng như tận dụng FTA và chi phí logistics hợp lý để phân bổ nguồn hàng sang nhiều thị trường", ông Anh khuyến cáo.

Trong khi đó, ông Hoàng Mạnh Cầm mong muốn Chính phủ có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng hàng dệt may nội địa thông qua điều chỉnh thuế giá trị gia tăng xuống dưới 8% và giảm thuế thu nhập cá nhân nhằm tăng sức mua trong nước, góp phần tiêu thụ một phần năng lực sản xuất của ngành và hỗ trợ tăng trưởng tiêu dùng trong GDP quốc gia.

Mỹ đánh thuế mạnh pin mặt trời Đông Nam Á, áp thuế Campuchia 3.521%

Chuẩn bị tốt cho đàm phán thuế đối ứng với Mỹ - Ảnh 2.

Một trang trại pin năng lượng mặt trời ở tỉnh Ubon Ratchathani, Thái Lan - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Bloomberg, ngày 21-4 Bộ Thương mại Mỹ công bố kết luận cuối cùng về việc có áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với pin quang điện tinh thể (pin năng lượng mặt trời) có xuất xứ Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Phạm vi điều tra bao gồm cả sản phẩm được sản xuất, lắp ráp và không được sản xuất, lắp ráp tại những quốc gia này.

Kết luận khẳng định các công ty bị điều tra đã "hưởng lợi một cách không công bằng từ các khoản trợ cấp chính phủ" để xuất khẩu pin mặt trời sang Mỹ với giá thấp hơn chi phí sản xuất. Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ nêu: "Những gì chúng tôi nhận thấy từ lâu đã được xác nhận. Các công ty năng lượng mặt trời có trụ sở tại Trung Quốc đã đánh lừa hệ thống, bán phá giá để hạ gục các công ty Mỹ và khiến người lao động Mỹ mất kế sinh nhai".

Campuchia là nước chịu mức thuế nặng nhất. Bốn công ty đến từ nước này gồm Jintek Photovoltaic Technology, Hounen Solar, ISC Cambodia và Solar Long PV-Tech phải chịu mức thuế tổng lên đến 3.521% vì không hợp tác điều tra. Các công ty còn lại chịu thuế gần 652%.

Hầu hết công ty Thái Lan chịu thuế lên đến 375,2%, trong khi mức thuế chung các công ty Việt Nam phải chịu là 395,9%. Có bốn công ty Việt Nam chịu tổng thuế lên đến 813,8% (542,6% thuế chống trợ cấp và 271,2% thuế bán phá giá).

Malaysia là nước chịu thuế thấp nhất. Ngoài một số công ty bị "chỉ mặt điểm tên", sản phẩm pin mặt trời của Malaysia xuất sang Mỹ chỉ chịu thuế đến 34,4%.

Trong năm 2024, Mỹ nhập khẩu 12,9 tỉ USD thiết bị năng lượng mặt trời từ bốn quốc gia Đông Nam Á này, chiếm 77% tổng lượng pin mặt trời nhập khẩu.

Những mức thuế mới sẽ được áp dụng song song với loạt thuế quan đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố trước đó. Hiện những mức thuế trên vẫn cần được Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ xem xét và đưa ra quyết định cuối cùng vào đầu tháng 6.

Chuẩn bị tốt cho đàm phán thuế đối ứng với Mỹ - Ảnh 3.Thủ tướng: Có chính sách ứng phó thuế đối ứng, nghiên cứu mô hình cảng miễn thuế

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện số 47 ngày 22-4 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên