25/03/2020 11:24 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội: Chống dịch COVID-19, bộ máy thay đổi phương thức làm việc

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - 'Ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh làm việc, họp trực tuyến, hạn chế tụ tập đông người' - bà Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý các cơ quan Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội: Chống dịch COVID-19, bộ máy thay đổi phương thức làm việc - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - Ảnh: LÊ KIÊN

Sáng 25-3, phát biểu bế mạc phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu phải tăng cường kỷ luật kỷ cương trong bộ máy nhà nước, đảm bảo cho công việc trôi chảy, không vì dịch bệnh mà trì trệ.

"Tất cả công việc phải tiến hành trôi chảy theo kế hoạch, có điều chỉnh nhưng thay đổi phương thức làm việc. Do đó Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quán triệt tinh thần này để tổ chức công viêc. Đừng nghĩ tới tháng 5 có họp được hay không mà phải nghĩ tháng 5 họp được. Những công việc từ đây tới tháng 5 vẫn thực hiện theo kế hoạch đề ra" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Bà Ngân cũng lưu ý bên cạnh công tác phòng chống dịch thì cần có giải pháp ổn định kinh tế - xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân đầu tư công, giải quyết vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo đời sống cho dân.

Bà nói rằng trong khó khăn, chính lúc này chúng ta cần sự đồng lòng, đoàn kết toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

"Tôi đề nghị các cơ quan Quốc hội theo dõi nắm tình hình, phối hợp cơ quan Chính phủ. Việc điều chỉnh chương trình giám sát, kiểm toán chúng ta đã thực hiện rất kịp thời. Các ủy ban họp trực tuyến chứ không cần mời tất cả vài chục người về" - Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo.

Riêng bộ phận tiếp xúc giải quyết đơn thư của dân, bà yêu cầu tiếp tục làm việc, không vì bất cứ lý do gì mà để đình trệ, để bức xúc của dân không được giải quyết kịp thời. Thông tin, đơn thư gửi tới phải kịp thời xử lý theo đúng quy định chuyển đơn, thông báo trả lời, giải quyết theo thẩm quyền, không để ách tắc.

Cần chính sách đặc thù để thực sự 'đồn là nhà, biên giới là quê hương'

phan van giang

Thượng tướng Phan Văn Giang - Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 25-3, thượng tướng Phan Văn Giang - tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, thứ trưởng Bộ Quốc phòng - thừa uỷ quyền của bộ trưởng trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Việt Nam trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ông Giang cho biết Việt Nam có đường biên giới đất liền dài hơn 5.036km, bờ biển dài 3.260km với 44 tỉnh, thành phố có biên giới quốc gia. Hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển là xu thế chung, tuy nhiên tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang diễn biến khá phức tạp, khó lường, nhất là vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, ly khai...

Sự điều chỉnh chiến lược, can dự, chi phối, cạnh tranh, phân chia lợi ích, củng cố quyền lực của các nước lớn đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương làm cho môi trường an ninh, chính trị ngày càng phức tạp.

Bên cạnh đó, vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường... ngày càng gia tăng; các thế lực thù địch tăng cường chống phá cách mạng Việt Nam; vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm ma túy và các loại tội phạm có tính chất xuyên biên giới, di cư tự do diễn biến phức tạp, các vấn đề an ninh phi truyền thống là khó khăn liên quan trực tiếp đến thực hiện nhiệm vụ của bộ đội biên phòng.

Do đó, mục đích của dự án luật là nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, cá nhân, xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, bộ đội biên phòng là lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại…

Góp ý vào dự luật, khẳng định biên phòng là lực lượng rất quan trọng của quân đội nhân dân, không chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới mà còn nhiều nhiệm vụ khác như chăm lo sức khoẻ cho đồng bào, giúp đồng bào lao động sản xuất, tăng cường cho cán bộ cơ sở…

"Cần thể hiện rõ quan điểm của nhà nước với cán bộ, chiến sĩ biên phòng là những người sống xa nhà, gắn bó nơi biên cương Tổ quốc. Chúng ta thấy thời gian vừa qua chống dịch COVID-19, lực lượng này rất vất vả, phải ngủ lán trại nơi đường mòn lối mở, có được ở trong đồn đâu", Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

Quốc hội yêu cầu tiếp tục đánh giá về Quốc hội yêu cầu tiếp tục đánh giá về 'cấm, không cấm' dịch vụ đòi nợ thuê

TTO - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết có nhiều ý kiến đề nghị không nên cấm "kinh doanh dịch vụ đòi nợ"; một số ý kiến tán thành với tờ trình của Chính phủ, cấm "kinh doanh dịch vụ đòi nợ".

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên