Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham quan phòng truyền thống Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - Ảnh: H.T
Sáng 18-11, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm thành lập trường (11-10-1951 - 11-10-2021) và đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất lần thứ 2.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến dự buổi lễ và gửi lời chúc mừng đến các thế hệ cán bộ, thầy giáo, cô giáo, công nhân viên, học viên, sinh viên, học sinh Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 và ngày truyền thống 70 năm xây dựng và phát triển.
"Tuổi thơ ai cũng từng có ước mơ và có lẽ ước mơ được nhiều người mơ ước nhất là sau này được làm thầy giáo, cô giáo. Không phải ngẫu nhiên mà như vậy vì nghề giáo là một nghề được xã hội trọng vọng; hình ảnh người thầy, người cô hòa vào tâm hồn trẻ thơ ngay từ những ngày đầu tiên đến trường. Thật bình dị mà cao quý, giản đơn mà thanh cao, không chói chang mà lấp lánh" - Chủ tịch nước mở đầu bài phát biểu tại buổi lễ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ - Ảnh: H.T
Chủ tịch nước đánh giá suốt 70 năm qua, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là một trong những điểm sáng đào tạo ra lớp lớp thầy cô giáo mang tri thức truyền dạy cho các thế hệ học trò ở khắp mọi miền đất nước, đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo; rất nhiều cán bộ, giảng viên của trường đã trở thành đội ngũ nòng cốt xây dựng nhiều trường sư phạm trên toàn quốc, là lực lượng nghiên cứu và giảng dạy khoa học cơ bản ở các trường giáo dục phổ thông, đại học, cao đẳng và viện nghiên cứu.
"Trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, trường là cơ sở đầu tiên đề xuất và triển khai thành công một phương châm lớn, có giá trị lý luận và thực tiễn trong giáo dục đại học, đó là: "Biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo" theo tư tưởng của Bác Hồ "Lấy tự học làm cốt"" - Chủ tịch nước nói.
Nhờ chủ trương này, nhiều cán bộ của trường đã tự đào tạo, nghiên cứu khoa học và bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ đầu tiên trong nước, tiên phong trong đào tạo đại học theo học phần, đào tạo giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học có trình độ đại học, đào tạo trẻ khuyết tật có trình độ đại học.
Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh, nơi đây là "địa chỉ đỏ" trên bản đồ giáo dục và đào tạo tài năng trẻ cho đất nước.
Trước bối cảnh mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt đại dịch COVID-19 lại buộc phải định hình lại toàn diện phương thức làm việc, học tập để phù hợp với một nền kinh tế và xã hội đang chuyển đổi số nhanh chóng. Chủ tịch nước đề nghị nhà trường tập trung triển khai một số nhiệm vụ.
Trước hết, ưu tiên phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Con người, cán bộ, giảng viên là tài sản quý giá nhất của nhà trường chứ không phải trường to, lớp rộng, giảng đường đẹp.
Chủ tịch nước bày tỏ phấn khởi khi xem kết quả nghiên cứu khoa học của trường 3 năm từ 2018 - 2020, các bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín liên tục tăng.
"Tôi được biết nhà trường có chính sách khen thưởng tốt nhưng liệu có thể tốt hơn nữa không? Thầy Minh (GS.TS Nguyễn Văn Minh - PV) và tập thể lãnh đạo nhà trường giúp tôi trả lời câu hỏi này để khuyến khích công tác nghiên cứu khoa học kết nối với thực tiễn phong phú cuộc sống hiện nay" - Chủ tịch nước giao đề bài cho lãnh đạo nhà trường và đặc biệt nhấn mạnh đây là nhiệm vụ then chốt, lâu dài và chiến lược.
Chỉ là khó khăn ngắn hạn
"Các cháu sinh viên, học sinh thân mến, việc học trực tuyến chắc chắn có những ảnh hưởng không mong muốn đến các cháu. Nhưng bác tin chắc đây chỉ là những khó khăn trong ngắn hạn.
Các cháu hãy học tập, tu dưỡng tốt để lập thân, lập nghiệp, xứng đáng với nghề dạy học - "nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý". Hãy là niềm tự hào của gia đình, nhà trường và đất nước. Bác mong chờ tin vui từ các cháu" - Chủ tịch nước nhắn nhủ riêng với học sinh, sinh viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận