08/01/2025 10:22 GMT+7

Cho xe dừng chờ đèn đỏ trên cầu có an toàn?

Nhiều người lo ngại cho xe dừng chờ đèn đỏ trên cầu Quán Trường, TP Nha Trang làm tăng tải trọng, tiềm ẩn nguy cơ gãy cầu.

Dừng xe chờ đèn đỏ có làm tăng tải trọng, mất an toàn cầu Quán Trường, TP Nha Trang? - Ảnh 1.

Trụ đèn giao thông và xe đang dừng trên cầu Quán Trường, TP Nha Trang (Khánh Hòa) chờ hết tín hiệu đèn đỏ - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

Tối 7-1, ông Chu Văn An - phó giám đốc phụ trách Sở Giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa - tiếp tục có trao đổi, giải thích về các thắc mắc của người dân và bạn đọc, liên quan đến việc "Bật đèn đỏ, cho phép xe dừng chờ trên cầu Quán Trường, TP Nha Trang" mà Tuổi Trẻ Online đã thông tin.

Về ý kiến bạn đọc thắc mắc việc dồn xe trên cầu dừng chờ đèn đỏ có làm tăng tải trọng đột ngột, tạo áp lực làm giảm tuổi thọ của cầu, thậm chí có thể gãy cầu… như nhiều người lo ngại, ông An giải thích cầu Quán Trường được xây dựng theo tiêu chuẩn HL93.

Đó là tiêu chuẩn tải trọng (Highway Load accepted in 1993, viết tắt HL93) đã được Hiệp hội Đường cao tốc và giao thông Hoa Kỳ (AASHTO) chấp nhận, công bố áp dụng, đảm bảo các tiêu chí an toàn trong mức độ cho phép với các cấp tải trọng lớn và thường xuyên.

Hiện nay, cũng theo ông An, tiêu chuẩn HL93 được áp dụng hiệu quả trong thiết kế, xây dựng cầu đường, đường cao tốc trên thế giới và tại Việt Nam.

Khi xây dựng cầu Quán Trường, người ta đã có tính toán phân bổ lượng xe trên cầu theo "yếu tố bất lợi" cao nhất.

Tức cơ quan chức năng đã tính toán để cầu chịu được tải trọng bởi lượng xe có thể tạo ra áp lực lớn nhất có thể trên cầu.

Vì vậy, với lượng xe được lưu thông hay dừng lại trên cầu sẽ không vượt qua mức tải trọng tối đa nên không thể ảnh hưởng tới mức có thể tạo ra nguy hiểm cho cầu.

Đối với cầu Quán Trường và các cầu xây dựng theo tiêu chuẩn HL93, người ta không còn gắn các bảng quy định về tải trọng xe qua cầu như những cầu xây theo tiêu chuẩn cũ trước kia.

Mặt khác, hiện nay đối với các cầu xây dựng nằm trong đô thị thì cũng được tổ chức giao thông như đường đô thị, tức được phép lắp đặt đèn tín hiệu để điều tiết giao thông như đường bình thường.

Thực tế ở nhiều tỉnh, thành phố khác cũng đã bố trí đèn tín hiệu giao thông và cho dừng xe trên cầu chứ không phải chỉ riêng ở cầu Quán Trường, TP Nha Trang.

Sao không đặt đèn tín hiệu bên kia cầu?

Một số bạn đọc cũng thắc mắc tại sao không dời trụ đèn đỏ đang đặt trên cầu Quán Trường ở đầu bắc để chuyển qua luôn bên kia cầu (ở đầu phía nam) trên đường Võ Nguyên Giáp để điều tiết xe từ hướng huyện Diên Khánh xuống mà không phải dừng xe trên cầu Quán Trường?

Theo ông Chu Văn An, không thể lắp đặt được đèn tín hiệu như thế. Vì đặt như vậy thì khoảng cách, quãng đường giữa hai trụ đèn quá xa.

Do đó khi xe chưa qua hết quãng đường vượt cầu Quán Trường giữa hai trụ đèn giao thông đó thì có thể pha tín hiệu đèn xanh sẽ hết, bật sang đèn đỏ. Như vậy sẽ có xe kẹt ở giữa làn đường đèn đỏ (trên cầu Quán Trường).

Nếu xe tiếp tục chạy tới thì sẽ xung đột với dòng xe được lưu thông theo tín hiệu đèn xanh trên đường vành đai 2 cắt ngang phía trước và tạo ra nguy hiểm giao thông ngay đầu bắc cầu Quán Trường.

Cho xe dừng chờ đèn đỏ trên cầu có an toàn? - Ảnh 3.Đèn đỏ nhảy từ 5 về 1 rồi 'đứng hình', xe cộ 'đứng bánh'

Sau khi tiếp nhận phản ánh từ Tuổi Trẻ Online, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM) đã cho kiểm tra xử lý đèn đỏ nhảy 'lạ' ở Hóc Môn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên