13/01/2025 11:55 GMT+7

Cho rẽ phải khi đèn đỏ cần lưu ý điều gì?

Trước mức phạt cao và bực bội trễ giờ, ùn tắc, nhiều người lại nghĩ về quy định cho rẽ phải hay cấm khi đèn đỏ. Cần lưu ý điều gì khi cho rẽ phải khi đèn đỏ?

Cho rẽ phải khi đèn đỏ cần lưu ý điều gì? - Ảnh 1.

Mũi tên rẽ phải khi đèn đỏ vừa đi vào hoạt động ở giao lộ Hai Bà Trưng - Điện Biên Phủ, quận 1, TP.HCM - Ảnh: SONG KHUÊ

Nghị định 168 nâng mức xử phạt các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ cao gấp khá nhiều lần, đã thay đổi thói quen tâm lý người dân trong các thành phố. 

Đa số mọi người đều đồng tình và tích cực góp ý sao cho việc thực hiện hoàn chỉnh bền vững có kết quả tốt nhất. Một số hiện tượng vi phạm như vượt đèn đỏ, leo lề hầu như giảm hẳn.

Nhưng việc di chuyển chậm chạp, chờ đợi và ùn ứ tại các giao lộ có phần gia tăng so với trước, xảy ra trên khắp các trục đường chính của thành phố. Dư luận, truyền thông và cả cơ quan chức năng đang xoáy vào vấn đề cấm rẽ phải khi đèn đỏ đã làm giảm năng lực thông qua của nút giao.

Thật ra, câu chuyện rẽ phải khi đèn đỏ không mới ở Việt Nam và cả thế giới, từ khi xuất hiện đèn tín hiệu giao thông. Và cho đến nay, các cuộc tranh luận và nghiên cứu về vấn đề này vẫn còn tiếp tục.

Minh chứng rõ nhất là các quy định pháp luật về rẽ phải khi đèn đỏ của các nước, các khu vực, các thành phố lớn đều không giống nhau, thậm chí thay đổi theo thời gian.

Thật ra, việc cấm/cho rẽ phải khi đèn đỏ đều dựa vào hai yếu tố cơ bản. 

Đó là an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, và hiệu suất hiệu quả tổ chức giao thông tại nút. Hai yếu tố này từng lúc từng nơi nặng nhẹ khác nhau, nhưng tuyệt đối không bao giờ bị bỏ quên. 

Lịch sử ra đời của đèn tín hiệu giao thông, mục đích điều hướng thông suốt an toàn tiện lợi, nhưng an toàn là trên hết, nên luật đều thiên về an toàn, đỏ là cấm tuốt.

Theo thời gian, xăng dầu tăng giá, chờ đợi cũng có giá, cho rẽ phải để tăng hiệu suất nút giao, giảm chi phí, nghe ra cũng có nhiều cái hay.

Luật cho rẽ phải khi đèn đỏ nhưng có các điều kiện đi kèm như biển báo phụ, đèn tín hiệu đặc biệt, người điều khiển, quan sát chú ý, dừng hẳn trước vạch… 

Về sau này, khi người đi xe đạp và đi bộ nhiều tại các giao lộ, vấn đề an toàn cho các đối tượng này lại được đặt lên ưu tiên hàng đầu. 

Tại các thành phố lớn ở Việt Nam, lượng xe máy tham gia giao thông khá lớn, chứ xe đạp, đi bộ chưa nhiều. Đây chính là đặc điểm cần nhấn mạnh trong tổ chức giao thông và ra quyết định.

Thật ra chúng ta vẫn chưa có nhiều nghiên cứu định lượng về rẽ phải khi đèn đỏ trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội, và văn hóa giao thông Việt Nam. Mọi giải pháp thường thiên về định tính và quy định pháp luật hiện hành.

Trước mức phạt cao và bực bội trễ giờ, ùn tắc, nhiều người trong chúng ta lại nghĩ về quy định cho rẽ phải hay cấm khi đèn đỏ. 

Thật ra từ lâu, Việt Nam như hầu hết các nước trên thế giới, đã đèn đỏ là dừng, chỉ cho rẽ phải khi đèn đỏ nếu có người điều khiển, bảng báo phụ hay đèn tín hiệu cho phép. 

Việc này hoàn toàn phụ thuộc vào nghiên cứu tổ chức giao thông sao cho tốt nhất về an toàn lẫn hiệu suất của ngành giao thông thành phố. 

Mong đây là việc nóng của ngành, đáp ứng kịp thời các ý kiến quý giá của dư luận người dân và giới truyền thông.

Cho rẽ phải khi đèn đỏ cần lưu ý điều gì? - Ảnh 2.Vượt đèn đỏ nhường đường xe cấp cứu sợ mất 20 triệu, không nhường có thể mất 8 triệu, xử lý thế nào?

Luật không quy định xe cộ phải 'vượt đèn đỏ' để nhường đường cho xe ưu tiên. Vậy xử lý thế nào trong tình huống thực tế này?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên