Dù mở lại từ vài ngày qua, lượng khách đến chợ An Đông hiện khá ít ỏi, nhiều khu vực tiểu thương chỉ biết "đuổi ruồi" cho hết ngày
Theo ghi nhận, dù đã mở cửa từ ngày 10-10 nhưng đến nay số lượng tiểu thương bán lại tại chợ An Đông (quận 5) chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phần lớn tiểu thương mở lại chỉ để sắp xếp quầy kệ, hàng hóa sau nhiều tháng đóng cửa.
Bà Vũ Thị Ngọc Phượng - chủ sạp B27 - cho biết vài ngày qua bà chỉ mới bán được hai đơn hàng online. Theo bà Phượng, đặc thù là chợ sỉ nên bình thường khoảng 60-70% khách hàng tại chợ là khách sỉ ở các tỉnh. Tuy vậy, do hầu hết khách hàng ở tỉnh chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin nên không thể lên thành phố, vào chợ lấy hàng.
Nhiều người cho rằng ngoài do sức mua kém, có tiểu thương vẫn chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19, nhiều người bán sợ thu thuế nên chưa dám hoạt động lại.
Dù chính quyền cho mở lại với tất cả ngành hàng, nhiều quầy sạp tại chợ An Đông hiện vẫn còn đóng cửa im lìm
Theo thông tin từ ban quản lý chợ An Đông, lượng sạp mở bán trong ngày đầu (10-10) đạt khoảng 10% trong tổng gần 2.300 sạp tại chợ. Chợ vắng do nhiều người bán chưa sẵn sàng hoạt động lại, trong khi đó nguồn khách chủ đạo là từ các tỉnh thì hiện nay gặp khó khăn trong đi lại.
Trong khi đó, dù mở cửa cho ngành hàng thiết yếu từ 3-10, nhiều tiểu thương tại chợ Bến Thành (quận 1) cho biết đến nay chợ vẫn vắng khách.
Theo bà Chi, tiểu thương tại đây, chỉ 15kg hải sản nhưng bà bán đến 2 ngày mới hết. Do đó, dù nguồn cung đa dạng, hầu hết tiểu thương chỉ nhập về bán cầm chừng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online mới đây, ông Ngô Văn Hà, trưởng ban quản lý chợ Bến Thành, cho biết hiện số hộ mở bán lại tại chợ đạt 95 hộ, tăng 20 hộ so với ngày đầu mở cửa, và khả năng số lượng đăng ký còn tăng.
Về phía chợ, ông Hà cho biết dù còn vắng khách nhưng chợ vẫn tạo điều kiện cho tiểu thương có nhu cầu mở bán lại, đặc biệt khu vực thông thoáng, trục đường chính để đảm bảo giãn cách. Khu vực hẻm nhỏ thì yêu cầu tiểu thương thực hiện giao hàng phía ngoài.
"Nếu thuận lợi và được chính quyền cho phép, khả năng từ ngày 15-10 sẽ cho mở bán thêm một số ngành hàng khác như hóa mỹ phẩm, giày dép...", ông Hà thông tin.
Tương tự, số lượng tiểu thương mua bán trong vài ngày qua ở chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10) ở mức khiêm tốn, và hầu hết chỉ bán trong buổi sáng do lượng khách ở mức thấp.
Chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) dù được mở bán lại nhiều ngày qua với ngành hàng trái cây, ăn uống..., theo ghi nhận sáng 12-10, lượng khách đến chợ vẫn ít nên nhiều quầy sạp còn đóng cửa, một số người ra bán cũng ế. Nhiều tiểu thương nhận định phải sang đến tháng 11, hoạt động mua bán tại chợ mới dần ổn định.
Theo Sở Công thương TP.HCM, tính đến 10h ngày 11-10, TP có 42 chợ truyền thống đang hoạt động trong tổng số 234 chợ, tăng 8 chợ so với ngày 8-10. Trong đó, nhiều chợ vừa được mở lại như chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10); chợ Thạnh Mỹ Lợi, chợ Thảo Điền (TP Thủ Đức)...
Dự kiến trong vài ngày tới, các địa phương như quận Phú Nhuận, quận 10, TP Thủ Đức… sẽ mở cửa thêm nhiều chợ.
Chợ trong nhà lồng rủi ro hơn
Theo đại diện ban quản lý chợ Tân Định (quận 1), trong nhà lồng chợ thường có không gian chật, môi trường kín nên nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19 sẽ ở mức cao hơn so với môi trường thông thoáng bên ngoài. Do đó, nếu cho hoạt động lại ở nhà lồng, việc kiểm soát dịch bệnh phải được tính toán kỹ hơn, chặt chẽ hơn, người bán và người mua chủ động trang bị thêm các giải pháp phòng chống dịch.
Chợ Bến Thành dự kiến tăng số lượng quầy sạp mở bán lại tại những khu vực đường chính, thông thoáng
Sáng 12-10, chợ Bà Chiểu mở bán với số ít sạp hàng trái cây, thực phẩm...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận