07/06/2019 11:02 GMT+7

Chờ giây phút... Việt Nam trúng cử Hội đồng Bảo an

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Dự kiến tối 7-6 (giờ Việt Nam), Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ tổ chức bầu 5 ủy viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an tại trụ sở ở thành phố New York (Mỹ).

Chờ giây phút... Việt Nam trúng cử Hội đồng Bảo an - Ảnh 1.

Các nữ sĩ quan quân y của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Nam Sudan - Ảnh: Bệnh viện 175

Với tư cách đại diện duy nhất cho nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam gần như chắc chắn trở thành thành viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an.

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, khả năng này là rất lớn, chỉ còn đợi số phiếu cao hay thấp. Dự kiến ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ chủ trì cuộc họp báo thông tin về thành tựu đối ngoại đáng tự hào này của Việt Nam.

Nhiều kỳ vọng

Nếu trúng cử ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Việt Nam được kỳ vọng sẽ thúc đẩy vai trò và có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế.

Liên Hiệp Quốc là tổ chức quốc tế gồm 193 thành viên, ra đời với mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh thế giới, đồng thời phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các thành viên.

Tổ chức này gồm 6 cơ quan chính là Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng kinh tế và xã hội, Ban thư ký, Tòa án công lý quốc tế, Hội đồng quản thác. Về lý thuyết, không có sự phân biệt về tầm quan trọng trong vai trò giữa các cơ quan này.

Tuy nhiên Hội đồng Bảo an được xem có thực quyền nhất của Liên Hiệp Quốc, vì đây là cơ quan có thể đưa ra các quyết định mang tính ràng buộc, đơn cử là các nghị quyết trừng phạt. Ngược lại, các nhánh khác cũng đưa ra quyết định nhưng mang tính chất khuyến nghị.

Nói vậy để thấy rằng việc góp mặt trong 10 ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an hứa hẹn sẽ mang lại uy tín và khả năng đóng góp lớn hơn cho các nước thành viên. 10 ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an được chia thành hai nhóm với nhiệm kỳ hai năm xen kẽ nhau, tức mỗi năm có 5 thành viên ra đi để nhường chỗ cho 5 gương mặt mới được bầu.

Thậm chí so với 5 nước thành viên thường trực đã cố định (Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc), các vị trí ủy viên không thường trực còn được đánh giá cao hơn về uy tín vì phải trải qua quá trình bỏ phiếu.

Chính vì vậy, trong nỗ lực hội nhập và chú trọng đa phương, Việt Nam đã tích cực vận động từ lâu cho vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, như chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới New York dự kỳ họp của Đại hội đồng năm ngoái.

Nếu trúng cử nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam được cho sẽ gặt hái nhiều thành công hơn về mặt ngoại giao trong quá trình tham gia sâu hơn vào việc định hình các thể chế đa phương. Các lợi ích ngoại giao này cũng có ý nghĩa đặc biệt khi nhiệm kỳ tới sẽ trùng với năm Việt Nam nắm giữ vai trò chủ tịch luân phiên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Chờ hái quả ngọt

Nếu thành công, có thể nói đây sẽ là thành quả xứng đáng cho các nỗ lực ngoại giao của Việt Nam trong nhiều năm qua.

Hà Nội vừa tổ chức thành công Thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi tháng 2, nối tiếp hàng loạt những sự kiện quốc tế lớn nhỏ, trong đó cũng kể tới kỳ APEC năm 2017 ở Đà Nẵng.

Những thành quả nổi bật của Việt Nam trong giai đoạn này cũng phản ánh nỗ lực đối ngoại đa phương từ tất cả các cấp, ban ngành và lĩnh vực. Ưu tiên của Việt Nam trong thời kỳ mới là hội nhập, vì vậy việc tổ chức các sự kiện quốc tế, tham gia công tác tham vấn, định hình chính sách... sẽ là nguồn động lực lớn giúp Việt Nam gặt hái thành quả ngoại giao trong giai đoạn thế giới nhiều biến động.

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ trong cuộc họp báo Bộ Ngoại giao ngày 6-6, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam đang mong muốn đảm nhiệm vai trò tại Liên Hiệp Quốc và đang chuẩn bị các phương án ưu tiên về chính sách đối ngoại trong thời gian tới.

Bà cho biết bên cạnh hi vọng trúng cử ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, "Việt Nam cũng sẽ đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN 2020 và đang tích cực chuẩn bị mọi mặt cho việc đảm nhiệm hai vị trí rất quan trọng này".

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Việt Nam đang chuẩn bị nguồn lực, nhân sự cũng như các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hữu trách. Nhưng bên cạnh đó sự thành công trong hoạt động chính trị, đối ngoại của Việt Nam sẽ có đóng góp lớn từ người dân về mặt an ninh và tinh thần.

"Sự tuyên truyền (về vai trò, trách nhiệm của Việt Nam ở các nhiệm vụ sắp tới) trong nhân dân cũng rất quan trọng" - bà Thu Hằng nói.

129

Để được bầu chọn vào vị trí ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, các ứng viên phải giành 2/3 số phiếu ủng hộ tại Đại hội đồng, nghĩa là cần ít nhất 129/193 phiếu để trúng cử.


Chile ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an LHQ Chile ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an LHQ

TTO - Hai lãnh đạo đã ký Tuyên bố chung Việt Nam - Chile và chứng kiến Lễ ký kết 3 văn kiện hợp tác song phương.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên