19/10/2012 13:27 GMT+7

Hội đồng Bảo an LHQ thêm 5 thành viên mới

TRUNG NGHĨA (Theo Reuters, ABC, Herald Sun)
TRUNG NGHĨA (Theo Reuters, ABC, Herald Sun)

TTO - Argentina, Hàn Quốc, Rwanda, Úc và Luxembourg đã được bầu trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2013-2014.

2WrrlvtS.jpgPhóng to
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thêm 5 thành viên mới là Argentina, Úc, Luxembourg, Hàn Quốc và Rwanda -. Ảnh: AFP

Thêm 5 thành viên

193 thành viên Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu bầu chọn các thành viên không thường trực mới cho HĐBA. Kết quả Argentina được bầu vào hội đồng với 182 phiếu, Hàn Quốc nhận được 149 phiếu, Rwanda có 148 phiếu, Úc có 140 phiếu và Luxembourg với 131 phiếu.

Như vậy Campuchia, Bhutan và Phần Lan đã thất bại trong việc có chỗ ngồi hai năm tới trong HĐBA.

Nam Phi, Colombia, Đức, Ấn Độ và Bồ Đào Nha sẽ kết thúc nhiệm kỳ của các nước này tại HĐBA trong tháng 12 còn Azerbaijan, Guatemala, Pakistan, Togo và Morocco sẽ duy trì ghế của họ cho đến cuối năm 2013.

Rwanda gây tranh cãi

Tuy vậy, việc Rwanda đại diện châu Phi giành một ghế trong HĐBA Liên Hiệp Quốc bất chấp những cáo buộc bộ trưởng quốc phòng Rwanda ủng hộ một cuộc nổi loạn ở Cộng hòa Dân chủ Congo đã gây tranh cãi.

Lần cuối cùng Rwanda vào HĐBA vào nhiệm kỳ 1994-1995. Khi đó nước này xảy ra nạn diệt chủng khiến 800.000 người thiệt mạng trong cuộc xung đột sắc tộc.

Theo Reuters, Chính phủ Rwanda cho biết họ sẽ làm việc với tất cả các thành viên của HĐBA để đảm bảo hội đồng phản ánh các quan điểm và nguyện vọng của các nước đang phát triển.

"Quá khứ rắc rối và bi kịch Rwanda cho phép mang lại cho HĐBA một cái nhìn độc đáo về các vấn đề chiến tranh và hòa bình" là nội dung được đăng trên một tài khoản mà Rwanda tạo ra cho nhiệm kỳ HĐBA trên Twitter.

- HĐBA Liên Hiệp Quốc được thành lập từ năm 1946 với mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. HĐBA có các quyền hạn để thiết lập các hoạt động gìn giữ hòa bình, thực hiện các biện pháp trừng phạt và ủy quyền hành động quân sự.

- Năm thành viên thường trực HĐBA có quyền phủ quyết là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng 10 thành viên không thường trực không có quyền phủ quyết.

- Nhiệm kỳ mới của 5 nước vừa được bầu tham gia HĐBA sẽ từ ngày 1-1-2013 đến 31-12-2014.

Một báo cáo chưa được công bố chính thức của Liên Hiệp Quốc mà Reuters có được cho thấy HĐBA Liên Hiệp Quốc đang theo dõi sát sao tình trạng Rwanda và Uganda cung cấp vũ khí, quân đội và viện trợ quân sự cho phiến quân chống lại quân đội Chính phủ Congo. Chuyên gia Liên Hiệp Quốc thậm chí đề nghị khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt và cho phép can thiệp quân sự.

Rwanda chống lại cáo buộc cũng như bất bình việc các nước như Mỹ, Thụy Điển và Hà Lan cắt viện trợ cho quốc gia này. Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, Ngoại trưởng Rwanda Louise Mushikiwabo cảnh báo các quốc gia cắt viện trợ cho Rwanda “là sai lầm lớn nhất". Ông nói "Rwanda xứng đáng được viện trợ" và nói báo cáo của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc không đúng sự thật.

Ngoại trưởng Louise Mushikiwabo cũng đảm bảo rằng Rwanda sẽ là một thành viên HĐBA có trách nhiệm và góp thêm giá trị cho hội đồng.

Mặc dù Liên minh châu Âu cũng ngừng viện trợ cho Rwanda nhưng Anh đã mở lại viện trợ từ tháng 9 với lý do ủng hộ hòa bình ở nước này.

Có cái nhìn tích cực về Rwanda, phó đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc Philip Parham nói: "Chúng tôi hướng về phía trước để làm việc với Rwanda trong các vấn đề hòa bình quốc tế và an ninh, bao gồm cả những nỗ lực cố gắng chấm dứt bạo lực ở phía đông Congo".

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Susan Rice ra thông cáo chúc mừng ngắn gọn đến các thành viên mới của HĐBA, nhưng không đề cập đến tình hình Congo. Bộ Ngoại giao Mỹ đã từ chối bình luận về báo cáo của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc về quan hệ Rwanda - Congo.

Tjjp2NfE.jpgPhóng to
Ngoại trưởng Úc Bob Carr bỏ phiếu bầu các thành viên không thường trực HĐBA tại New York ngày 18-10 - Ảnh: AFP.

Úc nỗ lực đóng góp

Ngoại trưởng Úc Bob Carr đã mô tả việc Úc trở thành thành viên HĐBA như là một "chiến thắng lớn ngọt ngào”, “một khoảnh khắc đáng yêu” cho thấy Úc là “một quốc gia tốt, một công dân toàn cầu tốt”.

Phe đối lập ở Úc có lời chỉ trích nước này đã chi 24 triệu AUD cho quá trình năm năm tham gia tranh cử vào ghế HĐBA. Tuy nhiên Chính phủ Úc cho biết với chiếc ghế HĐBA vừa có được, uy tín Úc được nâng cao trên trường thế giới. Thủ tướng Julia Gillard nói: "Tôi nghĩ rằng mọi người Úc muốn nhìn thấy Úc có tiếng nói riêng của mình trong các quyết định chính của thế giới”.

Thủ tướng Julia Gillard cho biết trong nhiệm kỳ hai năm tại HĐBA sắp tới, Úc sẽ tiếp tục thực thi nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Afghanistan, tham gia giải quyết và chấm dứt tình trạng bạo lực tại Syria, đề xuất Liên Hiệp Quốc quan tâm đến tình hình Đông Timor, ngăn ngừa phổ biến vũ khí hạt nhân và cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.

TRUNG NGHĨA (Theo Reuters, ABC, Herald Sun)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên