Có lẽ ông Nguyễn Văn Thể là người cảm nhận rõ nhất áp lực ở vị trí đứng mũi chịu sào, bởi ông từng là thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải trước khi đến Sóc Trăng làm bí thư Tỉnh ủy. "Sẽ chủ động giải quyết vấn đề BOT" - ông trả lời phóng viên Tuổi Trẻ Online ngay sau khi nhậm chức.
Nói như vậy bởi chính ông Thể là người có nhiều chữ ký trong các dự án BOT đã thực hiện, trong đó có các dự án "nổi cộm" như BOT Cai Lậy, BOT quốc lộ 1 Cần Thơ - Phụng Hiệp...
Mới đây, sau cuộc giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với các dự án BOT giao thông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết, trong đó vừa khẳng định những mặt được của BOT đối với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đồng thời cũng chỉ ra những bất cập, tồn tại của loại dự án này, như nhiều dự án chỉ cải tạo đường cũ nên dân không có lựa chọn khác, khoảng cách giữa các trạm dày, thu phí (giá) chưa hợp lý... gây bức xúc cho nhân dân.
Bài toán cơ bản mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra là vừa giải quyết bức xúc vừa khắc phục các tồn tại, bất cập, lại vừa thu hút được nguồn vốn (khổng lồ) trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư vào hạ tầng giao thông.
Hàng loạt siêu dự án như đường cao tốc Bắc - Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, hiện đại hóa đường sắt... đang chờ vào tài "tính toán" của ông Nguyễn Văn Thể.Cũng trả lời phóng viên Tuổi Trẻ Online ngay sau khi nhậm chức, tân Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh một trong những việc ông ưu tiên làm là chú trọng thanh tra các lĩnh vực, đơn vị dễ phát sinh tham nhũng; các vụ việc nổi cộm được Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng yêu cầu, Thủ tướng chỉ đạo.
Đặc biệt, ông Khái cho biết sẽ cố gắng khắc phục tình trạng chậm, hoãn các kết luận thanh tra.
Đó sẽ là những áp lực hết sức nặng nề đặt lên vai người đứng đầu Thanh tra Chính phủ trong thời gian tới.
Hẳn nhiều người sẽ nhận ra rằng trong thời gian qua, khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đẩy mạnh công tác chống tham nhũng, tiêu cực, sai phạm thì Thanh tra Chính phủ là một trong những cơ quan chức năng rất quan trọng, nhưng có một số vụ lại để "nguội".
Cuộc thanh tra tài sản của giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Yên Bái Phạm Sỹ Quý bị trễ hẹn mấy lần. Tại phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng (ngày 31-7-2017), Tổng bí thư cũng phải nhắc lại tiến độ cuộc thanh tra dự án Tổng công ty viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu - AVG (quyết định thanh tra vụ này đã được Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu ký từ ngày 26-8-2016, nêu rõ thời hạn thanh tra là 50 ngày).
Tân tổng thanh tra cũng được dự báo là phải đối mặt với những vấn đề nan giải trong quản trị nội bộ ngành, mà vụ họp báo cá nhân đình đám của ông Nguyễn Minh Mẫn - quyền vụ trưởng Vụ 3 - là một ví dụ.
Dư luận đang rất chờ đợi những hành động cụ thể của hai vị "tư lệnh" mới này, và đặc biệt là kết quả của những hành động đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận