Mới nhất, TP.HCM đề xuất hỗ trợ 3 triệu đồng cho gia đình sinh đủ 2 con trước 35 tuổi.
Nhưng có lẽ cần thêm nhiều giải pháp cho không chỉ TP.HCM và không chỉ là chuyện trước mắt.
GS.TS NGUYỄN ĐÌNH CỬ (nguyên viện trưởng Viện dân số và các vấn đề xã hội, Trường đại học Kinh tế quốc dân):
Sửa chính sách giảm sinh cho phù hợp
Giải pháp trọng tâm số 1 hiện nay là truyền thông thay đổi tư duy chính sách dân số bởi chính sách dân số từ 1956 đến nay đều truyền thông giảm sinh, mỗi cặp vợ chồng 2 con.
Đồng thời đề nghị bãi bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh từ con thứ 3.
Ngoài ra việc phát triển hệ thống dịch vụ đa dạng hỗ trợ gia đình trẻ, giảm gánh nặng nội trợ là hoàn toàn cần thiết để phụ nữ có thể yên tâm sinh đủ 2 con.
Nhà nước cũng nên có chính sách hỗ trợ tài chính cho các gia đình trẻ như miễn giảm học phí, thuế thu nhập cá nhân, các khoản đóng góp cho cộng đồng và hỗ trợ bằng tiền một lần hoặc hằng tháng, ưu tiên mua nhà ở xã hội...
Ngoài chế độ nghỉ việc có lương khi mang thai, sinh đẻ, con ốm, cặp vợ chồng đang nuôi con nhỏ cần được hưởng chế độ làm việc linh hoạt như đi muộn về sớm, nghỉ không lương, làm việc tại nhà... để thuận lợi cho việc chăm sóc con cái.
Đại biểu NGUYỄN THỊ VIỆT NGA (ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội):
Mức thưởng chỉ mang ý nghĩa tinh thần
Tỉ lệ sinh thấp ở Việt Nam lại theo khu vực, vùng miền và càng ở khu vực có mức sống cao, áp lực cuộc sống nhiều như Hà Nội, TP.HCM, mức sinh lại thấp và ngược lại.
Nói điều này để thấy việc TP.HCM và một số địa phương đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến sinh cần được nghiên cứu kỹ và đảm bảo thực sự hiệu quả.
Trong đó việc đưa ra mức khuyến sinh bằng tiền khi sinh đủ 2 con trước 35 tuổi là một giải pháp mang tính tinh thần.
Những người quyết định không sinh đủ 2 con không phải vì không được động viên về mặt tinh thần.
Thêm một đứa con là thêm quá nhiều lo toan từ chăm sóc sức khỏe, gửi con ở đâu để đi làm, học hành cho con...
Với hai vợ chồng công chức bình thường, không làm thêm thì thu nhập hiện tại chỉ đủ sống nhưng thêm một đứa trẻ vào thì chi phí vật chất, thời gian rất lớn. Nhất là trường học công hiện thiếu, còn trường học tư thì học phí rất cao.
Vì vậy chính sách khuyến sinh cần tập trung giải các bài toán này hay các nỗi lo mà nhiều gia đình trẻ đang phải đối mặt, nhất là các đô thị lớn.
TS NGUYỄN THỊ HOÀI HƯƠNG (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM):
Phát triển hệ thống nhà ở xã hội cho các cặp vợ chồng trẻ
Cần triển khai đồng bộ các chính sách nâng cao nhận thức và tầm soát sức khỏe trước khi sinh con.
Đẩy mạnh các chương trình truyền thông về lợi ích của việc kết hôn và sinh con sớm, đặc biệt là tác động tích cực đến sức khỏe mẹ và bé khi sinh ở độ tuổi phù hợp.
Ngoài việc hỗ trợ tài chính cho các cặp vợ chồng trẻ, cần có các khoản trợ cấp tiền mặt, giảm thuế hoặc hỗ trợ chi phí sinh hoạt, đặc biệt là trong những năm đầu sau khi sinh con; thiết lập các gói vay ưu đãi cho các gia đình trẻ, giúp họ giảm bớt gánh nặng tài chính khi lập gia đình và sinh con.
Phát triển dịch vụ xã hội hỗ trợ gia đình như đầu tư hệ thống nhà ở xã hội cho các cặp vợ chồng trẻ, nhằm giảm bớt áp lực về chỗ ở.
Mở rộng hệ thống dịch vụ chăm sóc trẻ em công lập và giảm chi phí cho các dịch vụ này, giúp các gia đình có thể cân bằng giữa công việc và chăm sóc con cái.
Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ người lao động có gia đình như thiết lập chính sách thân thiện với gia đình (giờ làm việc linh hoạt, chế độ nghỉ phép cho cha mẹ hoặc khu vực trông giữ trẻ ngay tại nơi làm việc)...
Ông PHẠM CHÁNH TRUNG (chi cục trưởng Chi cục Dân số, kế hoạch hóa gia đình TP.HCM):
Giảm bớt gánh nặng của phụ nữ
Việc hỗ trợ 3 triệu đồng cho phụ nữ tại TP.HCM sinh đủ 2 con trước 35 tuổi không phải là giải pháp duy nhất trong việc khuyến sinh và đây cũng không phải là giải pháp tài chính.
Đây chỉ là một phần hỗ trợ thể hiện sự quan tâm của TP đối với các cặp vợ chồng đã chung tay thực hiện việc sinh đủ 2 con để góp phần tăng mức sinh.
Muốn tăng mức sinh, không chỉ dừng ở việc hỗ trợ tiền mà cần phải tạo ra môi trường cho thế hệ trẻ có thể phát triển tốt.
Bên cạnh đó các chính sách giảm áp lực về gánh nặng kinh tế không dừng ở thời gian ngắn mà phải hướng đến hỗ trợ các cặp vợ chồng nuôi con cho đến 18 tuổi thông qua hỗ trợ học phí, thời gian chăm sóc trẻ, đặc biệt hưởng lương cho các cặp vợ chồng có con nhỏ chưa thể gửi trẻ.
Điều quan trọng nhất là làm thế nào để giảm bớt gánh nặng của phụ nữ đối với công việc nhà cũng như đảm bảo quyền lợi của lao động nữ trong công việc và cơ hội thăng tiến.
Bác sĩ HỒ MẠNH TƯỜNG (tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM):
Đầu tư hệ thống y tế khuyến sinh
Ngoài các nguyên nhân về kinh tế và xã hội, việc tỉ suất sinh giảm còn do các yếu tố sức khỏe sinh sản và sinh học của các cặp vợ chồng.
Do đó việc đầu tư hệ thống y tế khuyến sinh cần tập trung ở các khu vực dân cư có mức sinh đang giảm nhanh, giúp tối ưu cơ hội cho người dân tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ ngay tại địa phương sinh sống.
Đồng thời bổ sung các chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản cho học sinh trung học, sinh viên đại học.
Nội dung bao gồm các kiến thức về tự chăm sóc sức khỏe sinh sản, hiểu biết về lập gia đình và có con trước tuổi 35 để chăm sóc bà mẹ và thế hệ tương lai.
Do tuổi mang thai của các cặp vợ chồng ngày càng tăng, việc theo dõi thai kỳ, tầm soát bất thường, chẩn đoán tiền sản đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe bà mẹ, thai nhi và lực lượng lao động sau này. Bảo hiểm y tế cần xem xét thay đổi để hỗ trợ các cặp vợ chồng khi cần sử dụng các dịch vụ y tế này.
Chị NGUYỄN THỊ HIỀN (29 tuổi, ở Hà Nội):
Lương vợ chồng 20 triệu, nuôi con hết 10 triệu đồng
Chúng tôi đang có một bé trai 5 tuổi, mỗi tháng chi phí dành cho con ít nhất khoảng 10 triệu đồng, gồm học phí, ăn uống... trong khi thu nhập cả hai vợ chồng khoảng 20 triệu đồng/tháng.
May mắn là vợ chồng tôi đã có sẵn nhà ở Hà Nội nên không mất thêm tiền thuê trọ.
Tôi thấy việc thưởng 1 - 3 triệu đồng với cặp vợ chồng sinh 2 con thực sự chỉ mang tính "hình thức", bởi vẫn nặng về "khen thưởng".
Thay vào đó nên có những chính sách thiết thực hơn về giáo dục, y tế, an sinh... để các cặp vợ chồng không lo lắng khi sinh con ra con sẽ học ở đâu, đi đến bệnh viện phải xếp hàng dài... thì mới có thể khuyến sinh được.
Chị HẢI YẾN (33 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM):
Muốn có 2 con nhưng khó trang trải cuộc sống
Vợ chồng tôi nhất trí dành sự quan tâm tập trung cho con trai duy nhất hiện tại.
Tính trung bình thu nhập của hai vợ chồng tôi khoảng 40 triệu đồng, nhưng phải trả đủ thứ chi phí như trả góp tiền mua nhà, tiền con cái ăn học, tiền sinh hoạt phí, chăm sóc cha mẹ...
Trừ đi tất cả mỗi tháng chỉ dư được khoảng 5 triệu đồng, số tiền này tiết kiệm dùng trong trường hợp ốm đau bệnh tật.
Như vậy khi có 2 con rất khó để trang trải cuộc sống, chưa kể trẻ càng lớn chi phí nuôi dạy và đầu tư cho các con càng nhiều nhưng thu nhập lại không tăng.
Rất nhiều đồng nghiệp của tôi hiện nay chỉ quyết định sinh một con, hoặc khi có kinh tế ổn định muốn sinh con nhưng đã lớn tuổi.
Để khuyến sinh, cần hỗ trợ giảm kinh phí nuôi dạy trẻ ở trường học, hỗ trợ phí sinh hoạt thêm cho các cặp vợ chồng ở những năm đầu sinh con... Đặc biệt có được một chỗ ở để họ an cư lập nghiệp như nhà ở xã hội giá rẻ, hỗ trợ vay tiền mua nhà cho các cặp vợ chồng với mức ưu đãi.
Anh LÊ VĂN HƯNG (36 tuổi, kỹ sư xây dựng ở Hà Nội):
Sinh 1 con vì muốn nuôi con được tốt nhất
Vợ chồng tôi quyết định chỉ sinh một con, lý do không vì kinh tế. Thực tế khi sinh con hiện tại vợ tôi đã chịu rất nhiều áp lực về công việc, chăm sóc con cái.
Khi vợ tôi hết thời gian nghỉ sau sinh, đi làm, việc gửi con rất vất vả khi hai bên gia đình ông bà đều sức khỏe không tốt, lại ở xa nên không thể hỗ trợ trông, chăm sóc cháu.
Gia đình phải thuê người giúp việc để hỗ trợ nhưng cũng không thực sự yên tâm dù chi phí khá cao.
Rồi rất nhiều vấn đề liên quan chăm sức khỏe, đưa đón con đi học, chi phí học hành...
Do vậy hai vợ chồng bàn bạc đã thống nhất chỉ sinh một con để có thể nuôi dạy con được tốt nhất trong khả năng của mình.
Thế giới làm gì để khuyến khích dân "đua nhau" sinh con?
Các nước đã tung ra hàng loạt chương trình khuyến sinh, bao gồm cung cấp các khoản trợ cấp hàng ngàn đô la và nhiều biện pháp dài hạn.
Trung Quốc: Từng là quốc gia có dân số đứng đầu thế giới nhưng hiện Trung Quốc cũng phải cải thiện chế độ nghỉ thai sản, cung cấp các trợ cấp thai sản, tăng cường các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, như dịch vụ giảm đau khi chuyển dạ và hỗ trợ sinh sản sẽ được bảo hiểm chi trả, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế nhi khoa và bổ sung các loại thuốc dành cho trẻ vào danh mục bảo hiểm y tế.
Chính phủ còn hỗ trợ các trường tiểu học và trung học phát triển các dịch vụ sau giờ học, kêu gọi các địa phương có điều kiện hỗ trợ những gia đình có nhiều con mua nhà, khuyến khích các công ty áp dụng thời gian làm việc linh hoạt và làm việc từ xa.
Năm 2023, Trung Quốc đã tăng khoản giảm trừ thuế cho giáo dục trẻ em từ 1.000 nhân dân tệ (gần 3,5 triệu đồng) lên 2.000 nhân dân tệ/trẻ. Tất cả các vùng ở Trung Quốc đã kéo dài thời gian nghỉ thai sản lên ít nhất 158 ngày và nghỉ chăm con từ 5 - 20 ngày cho cả cha lẫn mẹ.
Một số địa phương ở Trung Quốc cũng công bố chính sách trợ cấp nuôi dạy con cái, trong đó làng Bangjiangdong ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông đưa ra khoản trợ cấp một lần lên tới 10.000 nhân dân tệ (34,9 triệu đồng) cho con thứ hai và 30.000 nhân dân tệ (khoảng 104,7 triệu đồng) cho con thứ ba.
Nhật Bản: Chính phủ Nhật Bản đang xem xét chi trả toàn bộ chi phí sinh con từ năm 2026. Nước này cũng cung cấp các khoản trợ cấp để trang trải chi phí khám thai lần đầu cho phụ nữ có thu nhập thấp.
Từ năm 2024, sinh viên trong gia đình có từ 3 con trở lên được giảm học phí đại học và nhận học bổng. Chính phủ cũng hỗ trợ về nhà ở cho các gia đình có con nhỏ.
Nhà nước sẽ tận dụng nhà ở công cộng và nhà trống để chuẩn bị khoảng 300.000 căn nhà cho các hộ gia đình có con nhỏ. Đồng thời cân nhắc tăng mức trợ cấp từ 80% lên 100% tiền lương khi cả cha và mẹ nghỉ chăm con sau khi sinh từ năm 2025.
Mới đây chính quyền Tokyo sắp cho phép người lao động làm việc bốn ngày một tuần để khuyến sinh. Ngoài ra Thống đốc Tokyo Yuriko Koike cũng vừa công bố kế hoạch miễn phí dịch vụ trông trẻ cho tất cả trẻ mẫu giáo bắt đầu từ tháng 9-2025.
Ý: Luật ngân sách 2024 phân bổ 1 tỉ euro (khoảng 26.600 tỉ đồng) để hỗ trợ các gia đình. Các bà mẹ có 3 con trở lên được miễn đóng góp an sinh xã hội (lên tới 3.000 euro mỗi năm) trong giai đoạn 2024 - 2026 và được hưởng 80% lương từ tháng thai sản thứ 2 cho tới khi con được 6 tuổi cùng các khoản trợ cấp khác, thậm chí quy định mức theo thu nhập của các hộ gia đình.
Hàn Quốc: Từ lâu đã áp dụng các khoản tiền thưởng hậu hĩnh cùng nhiều ưu đãi trong việc mua nhà, vay tiền để khuyến khích các gia đình sinh con trong bối cảnh tỉ lệ sinh suy giảm. Đáng mừng: tỉ lệ sinh trong năm "rồng xanh" 2024 tại Hàn Quốc đã có những bước tiến.
Hungary: đã tiến hành một số biện pháp hỗ trợ như tung các gói trợ cấp mua nhà, cho vay tiền với lãi suất thấp và xóa một phần nợ cho người dân.
Theo các nhà chức trách nước này, các gói trợ cấp trên đã giúp khoảng 250.000 gia đình mua được nhà ở.
Năm 2023, bất kỳ phụ nữ Hungary nào sinh con trước tuổi 30 và các gia đình có ít nhất 4 con đều được miễn thuế thu nhập suốt đời. Tổng cộng Hungary đã chi khoảng 3% tổng sản phẩm quốc nội để hỗ trợ các gia đình và con số này dự kiến tăng lên 5% trong những năm tới.
Ba Lan: đã bắt đầu triển khai chương trình Rodzina 500+ từ năm 2016. Các gia đình được tạo điều kiện để mua nhà giá rẻ hơn, cũng như tăng các khoản phúc lợi cho trẻ em và gia đình.
Thụy Điển, Na Uy và Đan Mạch: Chính sách khuyến sinh chủ yếu tập trung vào việc đảm bảo việc làm cho các bà mẹ sau khi sinh con. Ngoài ra học phí ở trường mầm non và các nhà trẻ tại các nước Bắc Âu cũng được "trợ giá" khá nhiều. Nam giới được nghỉ thai sản như nữ giới.
Chủ đề tỉ lệ sinh cũng được khai thác khá tích cực trong chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ vừa rồi. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã lên tiếng ủng hộ việc kích thích tài chính để tăng tỉ lệ sinh.
Trong khi đó trong chương trình khuyến sinh của Phó tổng thống Kamala Harris bao gồm một điều khoản quy định khoản khấu trừ thuế lên đến 6.000 USD cho người dân khi họ sinh con.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận