31/10/2023 13:00 GMT+7

Chiến tranh hiện đại và lưới lửa phòng không - Kỳ 6: Hệ thống Aegis sát thủ trên biển

Ngày 19-10-2023, tàu khu trục USS Carney (DDG 64) lớp Arleigh Burke hải quân Mỹ đã đánh chặn và tiêu diệt bốn tên lửa hành trình và một số máy bay không người lái (UAV) trên Biển Đỏ.

Tàu khu trục USS Carney đánh chặn tên lửa Houthi ngày 19-10-2023 - Ảnh: Aaron Lau

Tàu khu trục USS Carney đánh chặn tên lửa Houthi ngày 19-10-2023 - Ảnh: Aaron Lau

Tên lửa được phiến quân Houthi ở Yemen phóng đi dường như hướng về Israel.

Cải tiến radar, tìm nguồn kinh phí

Tạp chí Sea Power (Mỹ) nhận định sự kiện nêu trên đã thể hiện công nghệ hiệu quả của hải quân Mỹ. Tàu USS Carney hoạt động năm 1996, trang bị hệ thống tác chiến phòng không Aegis, một hệ thống chỉ huy và điều khiển kỹ thuật số phức tạp kết nối các cảm biến và các hệ thống vũ khí trên tàu chiến với nhau (tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm...).

Bộ phận chính của Aegis là radar SPY-1 có khả năng thăm dò, nhận diện, theo dõi và tấn công các mục tiêu trên không cũng như truyền dữ liệu theo dõi cho nhiều đơn vị khác.

Hệ thống Aegis được đưa vào sử dụng từ những năm 1980. Người khai sinh hệ thống Aegis là chuẩn đô đốc Wayne Eugene Meyer, người mong muốn tạo một cuộc cách mạng về vũ khí phòng không hải quân và quyết tâm biến tầm nhìn về chiến tranh của mình thành hiện thực.

Bài viết "Các chính sách đổi mới hải quân" đăng trên trang Trung tâm An ninh hàng hải quốc tế (CIMSEC) ở Mỹ nhận định quá trình ra đời của hệ thống Aegis bắt nguồn từ sự kiện năm 1975, máy bay ném bom TU-22M Backfire trang bị tên lửa được Liên Xô đưa vào sử dụng trong lực lượng hàng không hải quân.

Thập niên 1960, Trung tâm Phân tích hải quân (tổ chức phi lợi nhuận ở Arlington) cũng đánh giá mối đe dọa không quân Liên Xô đối với hải quân Mỹ đang gia tăng nhanh chóng.

Hải quân Mỹ nhận thấy cần phải có giải pháp đối phó. Cục Quân khí hải quân bắt đầu thiết kế một hệ thống radar và điều khiển tên lửa vào năm 1959 với tên gọi là Typhon có thể theo dõi cùng lúc 20 mục tiêu. Song radar Typhon rất nặng, cồng kềnh, không đáng tin cậy và quá hao điện. Bộ trưởng Quốc phòng đã hủy dự án Typhon vào năm 1963.

Sau đó, Cục Vũ khí hải quân mới ra đời đã lập Dự án Hệ thống tên lửa mặt nước tiên tiến (ASMS) với nhiệm vụ tìm kiếm giải pháp công nghệ giải quyết các khuyết điểm của radar Typhon. Giải pháp kỹ thuật cơ bản là phát triển radar định hướng điện tử (radar mảng pha) mà sau này hệ thống Aegis sử dụng.

Năm 1970, đại úy hải quân Wayne Meyer, nguyên trưởng phòng kỹ thuật của Trạm Kỹ thuật hệ thống vũ khí tàu hải quân ở California, được thuyên chuyển về Bộ tư lệnh Hệ thống vũ khí hải quân (NAVORD) và được phân công phụ trách quản lý dự án Aegis.

Lúc bấy giờ một số ý kiến không muốn tiếp tục phát triển radar Aegis vì chi phí quá cao. Đô đốc Elmo Zumwalt, Jr., tham mưu trưởng hải quân, đề nghị thu hẹp dự án Aegis để giảm kinh phí song văn phòng dự án Aegis không đồng tình. Zumwalt dọa sẽ hủy bỏ toàn bộ dự án.

Ông tức giận vì không có kế hoạch phát triển hệ thống tác chiến phòng không nào để tích hợp nhiều dự án khác nhau đang tiến hành và ông tiên đoán Quốc hội cũng sẽ phản đối nếu chi tiêu quá nhiều cho tàu trang bị Aegis chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Aegis được thiết kế là hệ thống tầm trung duy nhất có khả năng bắn hạ tên lửa hành trình, vì vậy nếu dự án Aegis bị hủy, hải quân sẽ không còn lực lượng phòng không tầm trung nào khác và chương trình hộ tống mặt nước năng lực cao đang trong giai đoạn xây dựng và thiết kế có nguy cơ phá sản. Bởi vậy vào tháng 11-1972, cuối cùng đô đốc Zumwalt đã thông qua dự án Aegis.

Tháng 7-2023, Tập đoàn Lockheed Martin thông báo lần đầu thử nghiệm thành công tích hợp tên lửa Patriot PAC-3 MSE với radar của hệ thống Aegis. Trong ảnh là tàu USS Farragut phóng tên lửa Patriot PAC-3 MSE - Ảnh: LOCKHEED MARTIN

Tháng 7-2023, Tập đoàn Lockheed Martin thông báo lần đầu thử nghiệm thành công tích hợp tên lửa Patriot PAC-3 MSE với radar của hệ thống Aegis. Trong ảnh là tàu USS Farragut phóng tên lửa Patriot PAC-3 MSE - Ảnh: LOCKHEED MARTIN

Tàu nào phù hợp trang bị Aegis?

Bốn năm tiếp theo là giai đoạn tranh cãi xem tàu nào là nền tảng phù hợp nhất để trang bị hệ thống Aegis, tàu nhỏ hay tàu lớn, tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân hay năng lượng thông thường, tàu khu trục hay tàu tuần dương.

Năm 1974, văn phòng dự án Aegis được chuyển thành Văn phòng Hệ thống vũ khí Aegis. Meyer được thăng cấp chuẩn đô đốc phụ trách văn phòng này đồng thời giữ chức giám đốc Bộ phận hệ thống chiến đấu mặt nước của Bộ tư lệnh Hệ thống biển hải quân (NAVSEA).

Vào thời điểm ấy dự án Aegis đang chuyển sang một hệ thống mới có chức năng điều khiển tất cả các loại vũ khí và cảm biến tác chiến trong toàn bộ nhóm tác chiến tàu sân bay. Meyer tin rằng tàu Aegis sẽ trở thành trung tâm chỉ huy trong đội hình.

Suốt năm 1974, ông trình bày quan điểm này với cấp trên và nhiều phòng ban khác, cuối cùng đã thành công xác định lại dự án Aegis. Dự án Aegis chuyển sang giai đoạn phát triển mới.

Trong hơn ba tháng năm 1974, tàu USS Norton Sound được chuyển đổi thành tàu trang bị Aegis. Tháng 1-1975, kết quả thử nghiệm bắn đạn thật thành công. Dù vậy, Meyer không thể giải quyết được mâu thuẫn giữa hải quân và văn phòng bộ trưởng Quốc phòng về thiết kế tàu Aegis.

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện phải viết thư cho Tổng thống Gerald Ford khẳng định tàu chiến mặt nước chủ yếu phải chạy bằng năng lượng hạt nhân và tố cáo "ảnh hưởng của một số nhà phân tích hệ thống trong văn phòng bộ trưởng Quốc phòng. Cuối cùng hệ thống Aegis "sống sót" sau cuộc họp của ủy ban hội nghị Hạ viện - Thượng viện vào tháng 9-1975.

Được đào tạo là kỹ sư (Đại học Kansas, Học viện Công nghệ Massachusetts và Trường sau đại học Hải quân Mỹ), Meyer đưa ra lập luận rằng dự án Aegis không nên trở thành nạn nhân của bất đồng quan điểm về nền tảng trang bị Aegis và lập luận này đã thuyết phục nhiều thành viên Quốc hội. Dự án đóng tàu Aegis (PMS-400) ra đời vào tháng 10-1976 với Meyer làm giám đốc dự án.

Chuẩn đô đốc Wayne Meyer là nhà quản lý và doanh nhân tài ba. Một trong những cấp phó cũ của ông nhận xét: "... Sẽ không có tàu Aegis trong hạm đội nếu không có Meyer". Một nhà phân tích từng làm việc trong PMS-400 lưu ý Meyer đã mang đến cho hải quân ví dụ điển hình nhất về quản lý dự án hệ thống tích hợp.

Một cựu trợ lý kể lại Meyer thường vận dụng các quy tắc của Hội đồng Giám định mua sắm hệ thống phòng thủ (DSARC) để kỷ luật các nhà thầu lớn RCA và Litton Industries. Meyer cho rằng PMS-400 phải liên tục theo dõi để ngăn chặn chậm trễ kéo dài hoặc kê chi phí. Ông nhận xét: "Lúc cao điểm dự án này (PMS-400) chưa bao giờ vượt quá 120 người. Trong hầu hết các năm, dự án chỉ có 70 người...".

Ông không ngừng giải thích với các nhân viên về vấn đề khuếch đại: "Bạn đừng bao giờ quên rằng bạn chỉ có một năm công sức, vì vậy nếu bạn định hoàn thành điều gì, bạn phải tìm cách khuếch đại và cách duy nhất bạn có thể khuếch đại là thông qua mọi người. Nỗ lực của Aegis cuối cùng đã được khuếch đại thành hàng ngàn năm công".

Tháng 1-1983, tàu USS Ticonderoga (CG-47) đi vào hoạt động. Đây là tàu đầu tiên trang bị hệ thống Aegis trong thế hệ tuần dương hạm tên lửa mới đắt tiền. Hệ thống Aegis gồm radar mảng pha (SPY-1), hệ thống vũ khí chiến thuật (giám sát radar và chỉ đạo tên lửa phòng không) và dàn tên lửa đất đối không. Hệ thống Aegis được thiết kế để theo dõi, nhắm mục tiêu và tấn công số lượng lớn máy bay và tên lửa hành trình đang bay tới. Mục đích nhằm bảo vệ nhóm tác chiến tàu sân bay khỏi bị tấn công bão hòa bằng mưa tên lửa phóng từ máy bay và tàu ngầm.

---------------------

Pháp đang nghiên cứu sử dụng vũ khí vi sóng tiêu diệt máy bay không người lái. Mỹ tiếp tục thử nghiệm hệ thống radar mới tìm kiếm và theo dõi nhiều mục tiêu trên không.

Kỳ tới: Hợp tác tạo lưới lửa phòng không

Chiến tranh hiện đại và lưới lửa phòng không - Kỳ 5: Từ tên lửa đánh chặn đến tia laser của IsraelChiến tranh hiện đại và lưới lửa phòng không - Kỳ 5: Từ tên lửa đánh chặn đến tia laser của Israel

Cho tới nay hệ thống đánh chặn tên lửa tầm ngắn Iron Dome (Vòm sắt) của Israel đã trở thành một trong những hệ thống chống tên lửa hiệu quả nhất thế giới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên