
Các doanh nghiệp tham gia tọa đàm Gỡ vướng để phát triển thương hiệu ngành yến sào - Ảnh: T.T.
Ngày 12-4, tại tọa đàm với chủ đề Gỡ vướng để phát triển thương hiệu ngành yến sào do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức, nhiều doanh nghiệp bày tỏ bức xúc với những "ma trận" hàng giả của ngành yến. Qua đó đặt ra nhiều giải pháp với ngành hàng này.
Kênh trực tuyến là "điểm nóng" phân phối yến sào giả?
Theo ông Hải, thị trường đang chứng kiến sự bùng phát của nhiều sản phẩm mang danh "yến sào" nhưng thực chất là hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
"Tâm lý chuộng hàng rẻ và lợi dụng thói quen sính giá rẻ, một số sản phẩm yến lọ được bán với giá chỉ từ 9.000 - 15.000 đồng/lọ. Đây là mức giá hoàn toàn không tương xứng với giá trị thật của tổ yến", ông Hải nhấn mạnh.
Yến sào giả từ các nguyên liệu rẻ tiền như bột rau câu, lòng trắng trứng… Hay nước yến đóng lon, đóng lọ làm giả mẫu mã và tên gọi của những thương hiệu uy tín đã gây nhầm lầm nghiêm trọng cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, theo ông Hải các kênh phân phối trực tuyến như sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, livestream… đã đưa sản phẩm lên bán mà gần như không có sự kiểm soát; thông tin trên bao bì thường thiếu minh bạch, hàm lượng yến được công bố tùy tiện, không có kiểm định hay chứng nhận từ cơ quan chức năng.
Đầu năm 2025 đến nay, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã phát hiện hơn 30 đơn vị giả thương hiệu của công ty.
Trong khi đó, ông Lương Tấn Lợi - giám đốc Công ty CP Sâm Việt Nam - Trà My Quảng Nam (chuyên kinh doanh các sản phẩm từ sâm, bao gồm yến sâm Ngọc Linh) - chia sẻ khi tham gia một hội chợ gần đây, ông nhận thấy tỉnh nào cũng có sản phẩm yến sào.
"Khi cùng một đối tác người Indonesia tham quan gian hàng trưng bày ghi 'yến thật', điều này khiến đối tác băn khoăn về sự tồn tại của yến giả trên thị trường Việt Nam", ông Lợi nói.
Cần nhiều giải pháp cho ngành yến
Tiến sĩ Trần Quang Thắng - viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM - đánh giá tổng sản lượng yến sào Việt Nam hiện ước đạt giá trị 500 triệu USD, nhưng vẫn đối mặt nhiều thách thức.
Cụ thể, cơ sở nuôi yến hoạt động tự phát, không tuân thủ quy hoạch; sản phẩm tổ yến chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng thô, giá trị kinh tế thu về chưa cao; chưa chú trọng xây dựng thương hiệu; thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu… làm giảm hiệu quả kinh tế chung.
Từ những thách thức này, ông Thắng đề xuất một số giải pháp như quy hoạch các vùng nuôi chim, thống nhất ban hành quy trình cấp phép và công nhận cơ sở chăn nuôi chim yến là công trình xây dựng khác trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; truy xuất nguồn gốc sản phẩm yến sào…
Theo ông Hải, giải pháp với nạn giả yến sào, cần hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến công bố chất lượng, truy xuất nguồn gốc, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giữ uy tín của ngành yến Việt Nam.
Ông Tạ Đình Vũ Đàm, phó tổng giám đốc Công ty CP Yến Sào Nha Trang, cho biết doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xin xác nhận vị trí nhà yến từ chính quyền địa phương khi xuất hàng qua Trung Quốc.
Ông Đàm nói thêm: "Quy định về kiểm dịch thực vật đối với nhà yến, kiểm nghiệm giám sát yến thô hay chỉ tiêu sản phẩm… làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Nhiều đối tác Trung Quốc muốn hợp tác nhưng họ thường đặt câu hỏi vì sao nên chọn yến Việt Nam khi giá yến Indonesia cạnh tranh hơn".
Giải pháp doanh nghiệp này đặt ra là cần chiến lược định hướng ngành yến sào thành đặc sản quốc gia; thống nhất tiêu chuẩn chất lượng; cần đăng ký bảo hộ thương hiệu tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Mỹ, EU để tránh nguy cơ bị mạo danh…
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - thông tin TP.HCM phê duyệt đề án số 90 về phát triển ngành nuôi yến và đề xuất đưa yến sào trở thành sản phẩm chủ lực của thành phố trong thời gian tới.
Xuất khẩu yến sào khoảng 5 tỉ USD/năm
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết đến nay, cả nước đã có 42/63 tỉnh thành nuôi chim yến, số lượng nhà yến hiện có là 23.665 nhà yến. Yến sào là mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao, doanh thu hằng năm ước tính trên 5 tỉ USD với tổng sản lượng khoảng 2.800 tấn, trong đó Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất.
Theo bộ này, sản phẩm của tổ yến được đưa vào định hướng trong phát triển chăn nuôi 2021-2030, tầm nhìn 2045 của ngành nông nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận