19/12/2018 20:52 GMT+7

Chỉ 11% trẻ em được học cách tự bảo vệ trên mạng xã hội

T.HÀ
T.HÀ

TTO - Cứ 5 trẻ em thì có 3 em có kỷ niệm đau buồn trên mạng xã hội. Tuy nhiên, chỉ có 11% trẻ em được học cách tự vệ trên mạng xã hội.

Chỉ 11% trẻ em được học cách tự bảo vệ trên mạng xã hội - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thanh Lâm - cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - phát biểu tại hội thảo - Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG

Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế tại nhiều quốc gia, kể cả ở cấp nhà nước hay ở phạm vi nội bộ trong một tổ chức, có thể nhận thấy việc ban hành một Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội là rất cần thiết với tình hình hiện nay

Ông DƯƠNG KHÁNH DƯƠNG, Viện Chiến lược thông tin và truyền thông, Bộ Thông tin - truyền thông

Đó là những thông tin được bà Nguyễn Phương Linh - viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) - chia sẻ ở hội thảo "Hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam" và "Lễ ra mắt Trung tâm An toàn và Hội đồng Đối tác an toàn TikTok Việt Nam" tổ chức sáng 19-12 ở Hà Nội.

Theo bà Linh, trong một nghiên cứu của MSD về tác động của mạng xã hội (MXH) đến trẻ em và thanh niên, kết quả khảo sát cho thấy cứ 5 trẻ em thì có 3 em có kỷ niệm đau buồn trên MXH, nhiều trẻ em bị xâm hại.

Tuy nhiên, hầu hết các em không được đào tạo để tự bảo vệ bản thân trên MXH, chỉ 11% trẻ em được học về điều này từ nhà trường.

Phát biểu tại hội thảo, các chuyên gia đến từ nhiều tổ chức, viện nghiên cứu cũng cho rằng với những phát triển vượt bậc của công nghệ, Internet nói chung, MXH nói riêng đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của chúng ta với nhiều thành quả tích cực không thể phủ nhận.

Nhưng bên cạnh các tác động tích cực, môi trường mạng cũng tồn tại những thông tin và hành động xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến các cá nhân và tổ chức tham gia sử dụng mạng. Đặc biệt là tình trạng phát ngôn gây thù ghét, xúc phạm, thông tin giả…

Vì thế, bên cạnh những quy định của pháp luật, cần phải có một khuôn khổ thể chế "mềm" để bổ sung các khung pháp lý chính thức của Nhà nước.

Đó có thể là những chuẩn mực về đạo đức, về ứng xử để khuyến khích, thúc đẩy những giá trị tốt đẹp của con người nói chung và trong cộng đồng mạng nói riêng; là những hướng dẫn để mọi cá nhân, tổ chức tham gia MXH ứng xử tôn trọng nhau hơn.

Chỉ 11% trẻ em được học cách tự bảo vệ trên mạng xã hội - Ảnh 3.

Các thành viên của Hội đồng Đối tác an toàn Việt Nam - Ảnh: HOÀNG PHƯƠNG

Cũng tại hội thảo, Hội đồng Đối tác an toàn Việt Nam và Trung tâm An toàn của TikTok chính thức ra mắt nhằm mang đến một nền tảng an toàn và thân thiện dành cho tất cả người dùng tại Việt Nam.

Đây là tổ chức do TikTok hợp tác với các tổ chức phi chính phủ như Hội Truyền thông số Việt Nam, Hiệp hội Internet Việt Nam, Hội Tin học Việt Nam, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên cùng thành lập ra mắt nhằm mục tiêu hỗ trợ và đảm bảo sự an toàn cho người dùng khi trải nghiệm trên ứng dụng.

Đây là lần đầu tiên có một ứng dụng trên mạng tại Việt Nam thực hiện việc phối hợp các tổ chức phi chính phủ nhằm gia tăng nhận thức của người dùng về an toàn trực tuyến và các biện pháp đảm bảo an toàn trực tuyến.

T.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên