25/09/2019 10:51 GMT+7

Cháy rừng: Indonesia mất bò 2 lần mới lo làm chuồng?

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Từ tháng 6 năm nay, Cơ quan Khí tượng, khí hậu và địa vật lý Indonesia cảnh báo nước này sẽ trải qua nhiều đám cháy rừng, nhưng có vẻ như nhà chức trách chưa phản ứng đủ nghiêm túc trước cảnh báo về 'kẻ sát nhân gián tiếp' này.

Cháy rừng: Indonesia mất bò 2 lần mới lo làm chuồng? - Ảnh 1.

Lính cứu hỏa nỗ lực dập tắt những đám cháy rừng ở tỉnh Riau ngày 23-9 - Ảnh: AFP

Kể từ tháng 8, nhiều điểm nóng cháy rừng đã xuất hiện khắp các tỉnh Riau, Jambi, Nam Sumatra, Tây Kalimantan, Trung Kalimantan, Nam Kalimantan. Khói mù cứ thế bay tá lả, ảnh hưởng tới hàng triệu người ở những địa phương này.

Tổng thống Joko Widodo và các bộ trưởng Indonesia phải tước ngay giấy phép của những công ty có cháy rừng xuất hiện trên đất của họ.

Kiki Taufik, người đứng đầu chiến dịch toàn cầu về rừng tại Indonesia của Tổ chức Greenpeace, kêu gọi.

"Kẻ sát nhân gián tiếp"

Theo dữ liệu của Văn phòng y tế tỉnh Riau, số bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở tỉnh này đã tăng từ khoảng 29.000 người trong tháng 8 lên tới 34.083 người trong giai đoạn từ ngày 1 đến 22-9.

Ông Syamsuar, tỉnh trưởng tỉnh Riau, mới đây ban bố tình trạng khẩn cấp tại tỉnh này vì tình trạng ô nhiễm không khí do khói mù. Tình trạng khẩn cấp được duy trì từ ngày 23 đến 30-9-2019.

"Trẻ em ngày càng ốm yếu. Chúng không chịu ăn, còn nhiệt độ cơ thể cứ cao, có thể dẫn tới co giật. Chúng tôi buộc phải đưa bọn trẻ tới bệnh viện. Cuối cùng, các bác sĩ đã phát hiện vi khuẩn trong cơ thể bọn trẻ vì khói mù" - ông Ferdian, một cư dân ở thành phố Pekanbaru, kể lại.

Hãng tin Antara ngày 24-9 cho biết không chỉ con người, động vật cũng trở thành nạn nhân vì những khu rừng ở Sumatra và Kalimantan vốn là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật, bao gồm những loài có nguy cơ tuyệt chủng như hổ Sumatra, voi Sumatra hay đười ươi.

Nhiều con vật phải rời bỏ môi trường sống quen thuộc của chúng để tránh lửa. Ở tỉnh Trung Kalimantan, hàng chục con đười ươi Borneo được ghi nhận bị bệnh đường hô hấp.

Khói mù dày đặc đã buộc đóng cửa tạm thời nhiều trường học ở Sumatra và Kalimantan cũng như ở Malaysia. Nhiều chuyến bay cũng bị ảnh hưởng. Đơn cử hôm 23-9, 33 chuyến bay đến và đi từ sân bay Sultan Syarif Kasim II ở thành phố Pekanbaru, tỉnh Riau đã bị hủy vì tầm nhìn kém.

Chỉ trong sáng 23-9, có 1.591 điểm nóng cháy rừng được phát hiện trên khắp đảo Sumatra. Khói mù cũng ảnh hưởng chất lượng không khí ở những nước láng giềng như Malaysia, Singapore hay xa là Thái Lan và Philippines.

Trung tướng Doni Monardo - người đứng đầu Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Indonesia - cho biết khói mù do các đám cháy rừng gây ra là một "kẻ sát nhân gián tiếp" và do đó cần được tất cả những bên liên quan giải quyết. Ông cảnh báo cứ để tác nhân gây ô nhiễm không khí này lan rộng sẽ làm tổn hại thế hệ tiếp theo.

Phạt nặng tội đốt rừng

Theo Hãng tin Kyodo, Indonesia đang tăng cường nhiều biện pháp dập lửa như sử dụng bom nước và làm mưa nhân tạo, huy động gần 30.000 người và hơn 50 trực thăng. Cơ quan quản lý thảm họa Indonesia cho biết hơn 320.000ha rừng tại Indonesia bị thiêu rụi trong 8 tháng đầu năm nay.

Trung tướng Doni Monardo cho biết dựa trên những theo dõi của ông ở tỉnh Riau, hầu hết các vụ cháy rừng ở Indonesia do con người gây ra. Tình trạng đốt rừng lấy đất trồng trọt vẫn tái diễn và khiến câu chuyện cháy rừng thêm phần kịch tính mỗi năm. Công tác quản lý các công ty gỗ và dầu cọ - thường liên quan tới các vụ đốt rừng - vẫn chưa cho thấy hiệu quả.

Giữa bối cảnh đó, Chính phủ Indonesia đang nghiên cứu kế hoạch đưa ra những mức phạt nặng hơn với những công ty và cá nhân bị phát hiện đốt rừng, theo Hãng tin AFP. Phản ứng này như thể Indonesia "mất bò" ít nhất 2 lần mới lo "làm chuồng", bởi đây không phải là lần đầu tiên Indonesia hứng chịu các vụ cháy rừng và ô nhiễm không khí nghiêm trọng như vậy. 

Ông Rasio Ridho Sani - tổng giám đốc cơ quan thực thi pháp luật tại Bộ Môi trường Indonesia - cho biết trong số này có việc xem xét sử dụng luật chống rửa tiền để xử phạt những bên vi phạm. Luật này sẽ cho phép tịch thu số lợi nhuận mà các công ty hay cá nhân hưởng lợi từ việc đốt rừng.

Theo ông Sani, Bộ Môi trường Indonesia cũng đang khuyến khích các chính quyền địa phương tước giấy phép của những công ty gây ra các vụ cháy rừng.

"Việc xử phạt vi phạm hành chính vốn nhanh hơn nhiều, trong khi thực thi luật dân sự và hình sự đòi hỏi một quá trình dài. Chúng ta có thể dùng hình thức xử phạt như vậy để tạo ra ảnh hưởng mang tính ngăn chặn và kỳ vọng nhận được sự hỗ trợ từ người đứng đầu các huyện, thị trưởng, tỉnh trưởng" - ông Sani cho biết.

Trước đó năm 2015, cuộc khủng hoảng khói mù do cháy rừng đã gây thiệt hại cho Indonesia khoảng 16 tỉ USD, khiến hơn 500.000 người bị các bệnh về đường hô hấp và tình trạng khẩn cấp cũng được ban bố, theo Đài BBC.

885.026

Dữ liệu của Bộ Y tế Indonesia cho thấy số người Indonesia bị nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do khói mù từ các đám cháy rừng ở Kalimantan và Sumatra trong vài tháng qua đã lên tới 885.026 người.

TP.HCM mấy ngày nay ô nhiễm do cháy rừng từ Indonesia? TP.HCM mấy ngày nay ô nhiễm do cháy rừng từ Indonesia?

TTO - Chuyên gia nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng nguyên nhân chính gây ô nhiễm tại TP.HCM mấy ngày qua là do khói bụi cháy rừng từ Indonesia, trong khi nhiều đơn vị liên quan chưa xác nhận điều này.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên