25/08/2022 08:54 GMT+7

Châu Âu và 'bài kiểm tra' đoàn kết

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Phương Tây chúc mừng Ukraine nhân ngày độc lập 24-8 bằng các cam kết viện trợ hàng tỉ USD. Nguồn lực từ các đồng minh là yếu tố quan trọng giúp Kiev kháng cự hơn nửa năm qua, nhưng sự ủng hộ này có thể kéo dài?

Châu Âu và bài kiểm tra đoàn kết - Ảnh 1.

Các vệ binh danh dự Ukraine dự lễ thượng cờ mừng quốc khánh ở Kiev vào ngày 23-8 - Ảnh: REUTERS

Tại các nước phương Tây, tin tức về chiến sự ở Ukraine không còn nóng trên truyền thông, nhưng sự ủng hộ dành cho Ukraine thì vẫn còn. Tuy nhiên, khi mùa đông sắp tới, lạm phát gia tăng ở mức hai con số và giá năng lượng tăng cao được nhận định sẽ là phép thử thực tiễn nhất cho tinh thần đoàn kết của phương Tây về việc ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

Viện trợ khủng trong ngày quốc khánh

Sau 6 tháng, chiến tranh Nga - Ukraine đang ở thế giằng co bế tắc trong những ngày qua. Trong khi Kiev phản công khó khăn với hy vọng giành lại lãnh thổ bị Nga kiểm soát ở miền đông và nam, Matxcơva vẫn duy trì tấn công hằng ngày nhưng khả năng tạo ra đột phá dường như không lớn.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong bài phát biểu nhân ngày quốc khánh, khẳng định Kiev sẽ không lùi bước. "Điều gì là kết thúc của cuộc chiến? Chúng tôi từng cho là hòa bình, còn bây giờ là một chiến thắng", ông nhấn mạnh. Nhà lãnh đạo Ukraine kêu gọi phương Tây tiếp tục viện trợ: "Nếu thế giới tỏ ra mệt mỏi với cuộc chiến ở Ukraine, đó sẽ là mối đe dọa lớn cho thế giới".

Sự hỗ trợ của phương Tây có dấu hiệu hụt hơi những tuần qua khi Viện Kiel về kinh tế thế giới có trụ sở tại Đức mới đây cho biết 6 quốc gia hàng đầu châu Âu không đưa ra cam kết viện trợ quân sự nào cho Ukraine trong tháng 7-2022. Trong tháng này, Kiev chỉ nhận tổng cộng 1,5 tỉ USD cam kết hỗ trợ, theo trang Ukraine Support Tracker.

Nhưng phương Tây đã xóa bớt những nghi ngờ bằng các công bố viện trợ khủng cho Ukraine trong ngày 24-8. Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin một quan chức Mỹ tiết lộ Washington sắp công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 3 tỉ USD cho Kiev. Đây sẽ là gói viện trợ quân sự lớn nhất của Mỹ cho Ukraine nếu tính theo từng đợt từ ngày 24-2 đến nay. Đức, một đồng minh của Mỹ trong NATO, cũng công bố gói hỗ trợ quân sự trị giá 500 triệu euro trong cùng ngày, trong đó số vũ khí sẽ được chuyển vào năm 2023.

Châu Âu và bài kiểm tra đoàn kết - Ảnh 2.

Nguồn: Devex Funding Platform, Newsweek - Đồ họa: TUẤN ANH

Những thách thức

Các quan chức châu Âu và NATO thừa nhận việc tiếp tục sát cánh cùng Ukraine không dễ dàng, nhưng phương Tây sẵn sàng chấp nhận điều đó. "Chúng ta sẽ phải trả giá cho sự ủng hộ đối với Ukraine do hậu quả của các lệnh trừng phạt và tất nhiên là việc Nga sử dụng năng lượng làm vũ khí. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng không có gì khác thay thế cho sự hỗ trợ của chúng ta", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói trên kênh truyền hình ZDF của Đức. Ông kêu gọi các nước hỗ trợ quân sự, tài chính, kinh tế và nhân đạo cho Ukraine dù có chịu thiệt hại về quân sự, kinh tế.

Tương tự, thừa nhận sự ủng hộ của châu Âu có thể bị rạn nứt trong những tháng tới, nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell ngày 23-8 cho biết việc duy trì sự đoàn kết của khối là một cuộc đấu tranh "hằng ngày". Còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng hứa Paris sẽ hỗ trợ Ukraine về "lâu dài", cho rằng lạm phát và giá lương thực tăng là "cái giá phải trả của tự do".

Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của EU lo ngại những thách thức trong mùa thu hoặc đầu mùa đông năm nay sẽ gây cản trở việc viện trợ thêm cho Ukraine. Ý sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 9 năm nay, trong đó có khả năng liên minh cánh hữu, bao gồm các đảng có thiện cảm với Nga, lên nắm quyền.

Ngoài ra, cũng có nhiều lời kêu gọi nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Nga để giảm bớt áp lực lên nền kinh tế khu vực đồng euro trước cuộc họp giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng châu Âu ở Praha, CH Czech, vào tuần tới.

"Điện Kremlin tất nhiên đang tính đến khả năng chúng tôi sẽ không còn quan tâm (về vấn đề Ukraine) vì cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, Anh tìm thủ tướng mới, Đức lo lắng về khí đốt và sông Rhine cạn mất 6 inch (15,24cm)" - tướng Mỹ đã về hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ ở châu Âu, nhận định trên Reuters. "Cuộc chiến là một phép thử cả về hậu cần và ý chí. Phép thử sẽ là chúng ta ở phương Tây có ý chí mạnh hơn Điện Kremlin không? Tôi nghĩ đây sẽ là một thách thức", ông Ben Hodges nói.

Nga chờ đợi

Sự chia rẽ của châu Âu dường như chính là điều Nga đang chờ đợi: giá năng lượng tăng cao và thiếu hụt nguồn cung trong mùa đông sẽ buộc châu Âu thuyết phục Kiev đình chiến theo điều kiện của Matxcơva.

"Chúng ta có thời gian, chúng ta có thể chờ. Sắp tới sẽ là một mùa đông khó khăn cho châu Âu. Chúng ta có thể sẽ thấy biểu tình, bạo động. Một số lãnh đạo châu Âu sẽ suy nghĩ lại về việc tiếp tục ủng hộ Ukraine và cho rằng đã đến lúc thỏa thuận", một nguồn tin thân cận với Điện Kremlin nói với Reuters.

Châu Âu chia rẽ về đề xuất không cấp thị thực cho người Nga Châu Âu chia rẽ về đề xuất không cấp thị thực cho người Nga

TTO - Trong khi Phần Lan, Cộng hòa Czech ủng hộ đề xuất không cấp thị thực cho người Nga thì Đức cho rằng chỉ nên trừng phạt ông Putin và những người thân cận chứ không phải mọi người dân Nga.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên