Người dân Pháp theo dõi bài phát biểu của Tổng thống Macron ngày 28-10 - Ảnh: REUTERS
"Con virus đó đang lây lan với tốc độ ngay cả những dự báo bi quan nhất cũng không lường trước được", tổng thống Pháp Macron đặt vấn đề trong bài phát biểu trực tiếp ngày 28-10 (giờ Pháp).
Ông xác nhận nước Pháp sẽ trải qua đợt phong tỏa toàn quốc thứ hai trong nỗ lực kiềm chế dịch COVID-19, vốn đang "nhấn chìm Pháp và các nước xung quanh Pháp". “Tất cả chúng ta đều ở cùng một tình thế: bị càn quét bởi làn sóng lây nhiễm thứ hai mà chúng ta biết là sẽ khó hơn, nguy hiểm hơn đợt thứ nhất. Tôi đã quyết định chúng ta cần quay lại áp đặt các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn nó".
Lệnh phong tỏa toàn quốc lần hai của Pháp sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 30-10 và kéo dài đến hết ngày 1-12 tới. Tất cả người dân được yêu cầu ở nhà, trừ trường hợp ra ngoài mua nhu yếu phẩm. Người dân cũng được phép ra ngoài tập thể dục nhưng tối đa 1 tiếng mỗi ngày và phải giữ khoảng cách với người khác.
Các trường học vẫn sẽ mở, nhân viên vẫn đến chỗ làm nếu chủ doanh nghiệp tuyên bố các công việc này không thể làm từ xa. Cảnh sát sẽ chặn hỏi ngẫu nhiên bất kỳ ai đi trên đường và kiểm tra giấy được phép ra ngoài. "Đây quả thực là những ngày đen tối", Hãng tin Reuters cảm thán.
Tại Đức, nền kinh tế số 1 châu Âu, Thủ tướng Angela Merkel ngày 28-10 cũng ra lệnh đóng cửa các nhà hàng, quán bar và nhà hát từ ngày 2 đến hết ngày 30-11. Trường học và các cửa hàng buôn bán vẫn được mở cửa nhưng phải hạn chế số người ra vào cùng lúc.
"Chúng ta phải hành động nhanh. Hệ thống y tế Đức có thể đối phó với đại dịch ngay bây giờ nhưng với tốc độ lây nhiễm như hiện nay, nếu không làm gì, hệ thống y tế sẽ tới giới hạn cực đại trong vài tuần", bà Merkel cảnh báo.
Số ca mắc COVID-19 mới đã vượt trung bình 36.000 trường hợp mỗi ngày trong khi tại Đức là tăng theo cấp số nhân, theo Reuters.
Số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy châu Âu ghi nhận 1,3 triệu trường hợp nhiễm mới trong 7 ngày qua, chiếm gần một nửa số ca mắc COVID-19 mới của thế giới. Ý, quốc gia bùng phát dịch đầu tiên của châu Âu, đang cân nhắc tái phong tỏa thành phố Milan và Napoli.
Các chính phủ châu Âu đã bị chỉ trích vì thiếu phối hợp và lơ là trong giai đoạn dịch tạm lắng vừa qua khiến các bệnh viện có nguy cơ bị quá tải một lần nữa. Chốt phiên giao dịch ngày 28-10, các chỉ số chính của thị trường chứng khoán châu Âu đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5-2020.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận