Người dân Paris, Pháp tranh thủ ngắm cảnh trước giờ giới nghiêm ban đêm - Ảnh: REUTERS
Tờ Daily Telegraph ngày 27-10 đưa tin Chính phủ Anh đang chuẩn bị cho khả năng đợt bùng phát dịch thứ 2 sẽ chết người hơn lần trước và số lượng tử vong sẽ ở mức cao trong suốt mùa đông năm nay.
Tờ báo dẫn phân tích nội bộ của chính quyền Thủ tướng Boris Johnson dự đoán số ca tử vong trong giai đoạn đỉnh điểm của đợt sóng thứ 2 sẽ thấp hơn so với hồi đầu năm, tuy nhiên sẽ giữ ở mức cao trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng.
"Tình hình lần này sẽ tệ hơn, nhiều người tử vong hơn. Đó là một dự đoán đã được đặt lên bàn thủ tướng và ông ấy đang chịu áp lực rất lớn phải phong tỏa một lần nữa", một nguồn tin tiết lộ.
Ngày 27-10, Anh ghi nhận số ca tử vong trong ngày do COVID-19 cao nhất kể từ tháng 5-2020 với thêm 367 người chết và hơn 22.800 ca bệnh mới. Trong khi đó, số ca tử vong trong ngày tăng lên 85 và thêm 14.964 ca bệnh mới.
Pháp - nước đang trở thành tâm dịch của đợt sóng thứ 2 ở châu Âu - có hơn 523 ca tử vong ngày 27-10, cao nhất kể từ tháng 4-2020 và hơn 33.140 ca bệnh.
Người phát ngôn Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bác sĩ Margaret Harris, cho biết số ca tử vong hằng ngày ở châu Âu tăng gần 40% trong tuần này so với tuần trước. Trong đó các nước Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Hà Lan và Nga có số tử vong cao nhất.
Tái phong tỏa
Đức và Pháp cũng đang chịu sức ép phải nhanh chóng hành động để chống dịch. Hãng tin Reuters ngày 28-10 đưa tin Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ bàn về việc "phong tỏa dạng nhẹ" trong cuộc gặp với lãnh đạo các bang ngày 28-10. Trong cuộc họp trực tuyến trước đó, 16 bang đã đồng ý kế hoạch này.
Theo đó, bà Merkel đề xuất đóng cửa tất cả nhà hàng, quán bar kể từ ngày 4-11. Ngoài ra, người dân cũng sẽ chỉ được ra đường cùng với người thân trong gia đình mình và một gia đình khác. Tuy nhiên, các trường học và cửa hàng sẽ tiếp tục được hoạt động.
Bà Merkel ngày 27-10 đã cảnh báo hệ thống y tế của Đức sẽ đổ vỡ nếu số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng mạnh. Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier dự đoán Đức sẽ đạt đến 20.000 ca bệnh mới mỗi ngày vào cuối tuần này.
"Chúng ta đang ở trong tình huống rất khó khăn trong đại dịch, số ca nhiễm đang bùng nổ và đe dọa hệ thống y tế và các chính trị gia phải hành động vì mạng người", ông Altmaier nói trên Đài ARD của Đức.
Trong khi đó, tại Pháp, có nhiều đồn đoán Tổng thống Emmanuel Macron sẽ tuyên bố phong tỏa trong 1 hoặc 2 tháng trong bài phát biểu cuối ngày 28-10 giờ địa phương. Trước đó, ông đã có hàng loạt cuộc họp trong tình hình số ca tử vong và mắc COVID-19 tăng mạnh.
Theo truyền thông địa phương, các trường học có thể vẫn được phép mở cửa, dù việc đi lại của người dân sẽ bị hạn chế nghiêm ngặt trong lệnh phong tỏa. Trước đó, Pháp đã áp dụng giới nghiêm ban đêm tại nhiều thành phố nhưng tình hình dịch vẫn ngày càng tệ đi.
Thiếu vắc xin
Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo chỉ một bộ phận người dân các quốc gia thành viên có thể được tiêm phòng COVID-19 vào trước năm 2022 trong trường hợp có vắc xin.
Tại một cuộc họp kín diễn ra ngày 26-10, một quan chức Ủy ban châu Âu (EC) nói với các bộ trưởng ngoại giao EU rằng có thể sẽ không đủ vắc xin phòng COVID-19 cho tất cả người dân trước cuối năm 2021.
Lời cảnh báo trên được đưa ra bất chấp thực tế là EU, với dân số khoảng 450 triệu người, đã đảm bảo có hơn 1 tỉ liều vắc xin ngừa COVID-19 tiềm năng của 3 hãng dược phẩm. Bên cạnh đó, EU cũng đang đàm phán để đặt mua thêm 1 tỉ liều của các hãng khác.
Trong khi đó, các chuyên gia lưu ý rằng không phải mọi loại vắc xin tiềm năng đều có thể hiệu quả. Hồi đầu tháng này, EC cũng cho rằng hiện vẫn chưa có loại vắc xin ngừa COVID-19 nào được chứng minh là hiệu quả, nhưng việc tiêm phòng vẫn có thể được triển khai vào đầu năm sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận