13/07/2023 08:18 GMT+7

Chật vật vượt khó thời thất nghiệp

Giảm giờ làm, không tăng ca, làm cách ngày và đỉnh điểm là chấm dứt hợp đồng vì không còn đơn hàng, nhiều gia đình trẻ lao đao trong cơn bão thất nghiệp quét qua, chưng hửng mà chưa biết phải làm sao.

Thất nghiệp, chị Trần Thị Lâm dạy cậu út Lành học chữ tại phòng trọ thay vì cho con đi học thêm - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Thất nghiệp, chị Trần Thị Lâm dạy cậu út Lành học chữ tại phòng trọ thay vì cho con đi học thêm - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Những khuôn mặt bần thần sau nhiều đêm dài thức trắng. Tiếng thở dài như nặng hơn. Nhiều công nhân, người lao động thất nghiệp nói chưa bao giờ họ lại đến mức cùng cực như thế.

Vợ chồng cùng thất nghiệp

Trời trưa Sài Gòn những ngày cuối tháng 6 nóng như nung, mái tôn mục dãy trọ nghèo trên đường Cống Lở (quận Tân Bình, TP.HCM) nổ lốp đốp. Thấy người lạ vào, anh Văn Bảo (33 tuổi, quê Sóc Trăng) đẩy cửa khép hờ. Nhưng chỉ chốc lát, anh lại nhổm dậy, kéo cánh cửa như muốn đẩy hơi nóng thoát ra khỏi không gian chật chội.

Anh Bảo từng là công nhân công ty sản xuất linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Tân Bình hơn 11 năm qua. Từ đầu năm 2023, công ty liên tục thiếu đơn hàng. Như bao công nhân khác, anh cũng bị giảm giờ làm. Nếu trước đây ngày nào cũng tăng ca đến 19h thì nay 16h đã về. Sau đó không phải ngày nào cũng được đi làm mà anh Bảo chỉ còn đến công ty ba ngày trong tuần. Mức lương cũng theo đó giảm dần, từ gần 14 triệu đồng khi có tăng ca còn được hơn 6 triệu đồng/tháng, mất hơn phân nửa.

Nhưng rồi ngày 10-3, anh Bảo nhớ như in đó là thứ sáu cuối tuần, công ty gọi lên và thông tin việc chấm dứt hợp đồng. Dù có bất ngờ song anh hiểu, cảm thông cho quyết định ấy. Anh thất nghiệp từ đó tới nay. 6 ngày sau, chị Thủy - vợ anh Bảo - cũng nhận quyết định tạm dừng hợp đồng lao động. Công ty xuất khẩu thủy hải sản mà chị gắn bó hơn 5 năm cũng chung cảnh thiếu đơn hàng. Vậy là từ giữa tháng 3 tới nay, hai vợ chồng cùng ở không.

Không còn việc nhưng vẫn còn đó bao khoản phải lo, rồi tiền hiếu nghĩa gửi cho bố mẹ già ở quê. Nhận tin mẹ ở quê bệnh, nhà lại neo người nên anh Bảo cứ thấp thỏm, ở chẳng đặng mà về cũng không yên. May sao bà sớm khỏe lại, anh cũng thở phào. Hơn 15 năm đời công nhân xa quê bao gian khó nhưng đây là lần đầu tiên anh đối diện với chuỗi ngày thất nghiệp dài đến thế.

Bữa cơm nặng trĩu

Với công nhân, ngày 8 tiếng, thậm chí 12 tiếng cắm mặt trong nhà xưởng vậy mà vui. Có việc để tăng ca sẽ kiếm thêm được vài triệu để cuối tháng khỏi bôn ba vay mượn là hạnh phúc. Trong muôn vàn nỗi lo đời công nhân, sợ nhất lúc thất nghiệp mà còn đổ bệnh thì càng khó.

Giữa trưa, dãy trọ nằm trên trục đường D11 (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM) khá chộn rộn. Nhưng đấy là tín hiệu đáng buồn, bởi số công nhân trọ nơi này đang thất nghiệp khá đông. Càng đi sâu vào cuối dãy trọ, càng nghe vọng rõ tiếng đọc sách, học bài. Trong phòng trọ chừng 8m2, chị Trần Thị Lâm (39 tuổi, quê Thanh Hóa) đang chỉ đứa con trai út Gia Lành (5 tuổi) tập viết.

Giữa năm 2022, công ty dệt may chị Lâm làm hơn 5 năm ít dần đơn hàng. Từ chỗ liên tục tăng ca, chị và mọi người chỉ còn làm giờ hành chính rồi chuyển sang chế độ ngày làm 4 tiếng. Tới cuối năm, nhận thông báo và chị thất nghiệp từ đó tới nay. Chồng chị Lâm làm thợ hồ, trời mưa gió, công trình cũng không có nên chẳng khác gì thất nghiệp.

Hết hè này, cô con gái lớn Lan Anh lên lớp 11 nhưng phải tự học ở nhà chứ làm gì có tiền theo lớp học thêm. Bữa cơm gia đình cũng ít hẳn tiếng cười. Út Lành trước đây được mẹ cho ăn theo chế độ riêng nhưng nay không có, đến sữa cũng không còn được uống cả tháng nay rồi vì ba mẹ thất nghiệp. Chị Lâm thật thà bảo lâu rồi không biết ăn sáng là gì.

Bữa trưa hôm đó, cả nhà chia nhau năm quả trứng chiên. Thấy mẹ bật bếp chiên trứng, Lành hí hửng chạy đến xem rồi cười toe toét. Trứng chiên với cậu bé ấy là món ngon nhất đã nhiều tuần qua. Mỗi người một tô, chia nhau mỗi góc phòng. Chị Lâm im lặng trước câu hỏi tính gì cho sắp tới, ngước nhìn lên trần nhà như cố ngăn nước mắt. Một hồi sau, chị chép miệng: "Một hai tháng nữa mà không ổn chắc sẽ về quê".

Cảnh giác tội phạm lừa đảo

Trung tâm truyền thông Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam liên tục phát đi thông báo cảnh giác tới người lao động về vấn nạn lừa đảo qua mạng. Cụ thể, anh N.T.T. (quận 12, TP.HCM) cho người thân mượn hồ sơ của mình để đóng BHXH. Tháng 6-2023, do có nhu cầu gộp sổ, cắt giảm quá trình đóng trùng BHXH, anh T. Lên mạng và kết nối với tài khoản có tên Phạm Ngọc Anh, tự giới thiệu mình là nhân viên BHXH hỗ trợ tạo nộp và giải quyết các loại hồ sơ bảo hiểm.

Tài khoản này yêu cầu T. nộp 900.000 đồng phí dịch vụ, cung cấp thông tin cá nhân. Một hình ảnh thể hiện thông tin BHXH đã tiếp nhận hồ sơ của anh T. được tài khoản này gửi cho T.. Sau đó, tài khoản này tiếp tục yêu cầu T. nộp thêm 2 triệu đồng nữa làm "phí thanh tra hồ sơ" để hoàn tất thủ tục, tiền chuyển về số tài khoản 3912556559 (Ngân hàng MBbank). Một ngày sau, T. nhắn hỏi kết quả thì tài khoản này đã khóa, không liên lạc được.

Đại diện BHXH Việt Nam cho biết tất cả các dịch vụ mà BHXH Việt Nam đang triển khai đều không tốn phí. Do vậy, người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính cần cảnh giác để không bị đối tượng xấu lợi dụng, lừa đảo. Khi có vướng mắc liên hệ trực tiếp với cơ quan BHXH nơi gần nhất hoặc liên hệ Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng qua hotline 1900.9068 hoặc số 0243.7899999 (giờ hành chính) để được hỗ trợ. Hiện BHXH Việt Nam cũng chỉ có trang fanpage https://www.facebook.com/baohiemxahoi.gov.vn được Facebook cấp tích xanh nên đề nghị người dùng lưu ý để tránh các trang giả mạo.

Người học tiếp, kẻ "ngồi không" vì thất nghiệpNgười học tiếp, kẻ 'ngồi không' vì thất nghiệp

Thanh niên Trung Quốc, Thái Lan miệt mài đi học vì không xin được việc làm, trong khi thanh niên Hàn Quốc lại chọn 'ngồi không' vì thất nghiệp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên