24/12/2022 08:33 GMT+7

Người lao động mất việc: Đừng để 'đau đẻ còn chờ sáng trăng'

TS NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG (nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động - xã hội) - THÀNH CHUNG ghi
TS NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG (nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động - xã hội) - THÀNH CHUNG ghi

Người lao động mất việc, thu nhập không có, đời sống khó khăn... Để giải quyết câu chuyện này cần các giải pháp tổng thể từ chính sách ngắn hạn đến dài hạn.

Người lao động mất việc: Đừng để đau đẻ còn chờ sáng trăng - Ảnh 1.

Các công nhân mất việc chia tay trên vỉa hè ngày 30-11 - Ảnh: VŨ THỦY

Các tháng cuối năm 2022 do cầu "đứt quãng" khiến không ít doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng. Tình trạng khó khăn của doanh nghiệp đã dẫn đến việc rất nhiều công nhân bị giãn, hoãn, mất việc làm.

Người lao động bị mất việc, thu nhập không có, đời sống khó khăn, thậm chí "đến đường cùng" trong khi các giải pháp hỗ trợ còn hạn chế, nên cảnh đoàn người xếp hàng dài chờ rút bảo hiểm xã hội một lần hoàn toàn dễ hiểu.

Tất nhiên, không thể trách người lao động về chuyện này mà cần đặt mình vào hoàn cảnh của họ khi bị mất việc, nỗi lo cơm áo gạo tiền thường trực trước mắt và chỉ còn nơi "bấu víu" duy nhất là bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.

Để giải quyết câu chuyện này cần các giải pháp tổng thể từ chính sách ngắn hạn đến dài hạn. Trong đó ngắn hạn cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để người lao động hiểu rõ về những thiệt thòi nếu rút BHXH một lần. Không giống như rút tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, rút BHXH một lần sẽ mất toàn bộ số năm đã tham gia bảo hiểm trước đó. 

Người lao động sẽ trở về vạch xuất phát, không còn được hưởng lương hưu khi đến tuổi và vô hình trung sẽ gây áp lực sau này về an sinh xã hội cho người thân, xã hội.

Đồng thời, phải xác định rõ đừng để xảy ra cảnh "đau đẻ còn chờ sáng trăng" trong việc ngăn rút BHXH một lần. Người lao động đang trong cảnh rất khó khăn nên phải "từ sớm, từ xa" chuẩn bị để có ngay các chính sách kịp thời hỗ trợ họ vượt qua. 

Với những người lao động rút BHXH một lần đều đã tham gia một thời gian, có khoản tiền trong quỹ nên chúng ta có thể sử dụng khoản đó như một tín chấp để cho họ vay với lãi suất ưu đãi nhằm đảm bảo cuộc sống. Khi cuộc sống trước mắt được đảm bảo họ sẽ không phải lo lắng quá nhiều, yên tâm tìm kiếm việc mới và không phải rút BHXH một lần.

Ngoài ra, hiện nay mức đóng BHXH bắt buộc là 32%. Trong đó, người lao động đang đóng 8% vào quỹ hưu trí và tử tuất từ phần lương hằng tháng. Doanh nghiệp đóng 14% vào quỹ này, như vậy tổng số là 22%. 

Do vậy nên sớm điều chỉnh các quy định pháp luật để nếu vẫn tiếp tục cho người lao động rút BHXH một lần chỉ được rút khoản 8% từ phần họ đóng. Số 14% sẽ không được rút mà để lại nhằm giữ chân họ cũng như bảo lưu số năm đóng trong hệ thống. Sau này khi họ có việc mới, thu nhập sẽ trả lại khoản tiền đã rút đó, cộng thêm phí tương ứng.

Chúng ta cũng đang thiếu đi một "nhạc trưởng" để khởi xướng hỗ trợ người lao động trong lúc khó khăn này. Thời kỳ còn ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 chúng ta đã có những ATM gạo, các túi an sinh... rất hiệu quả. Nhưng đến nay khi người lao động gặp nhiều khó khăn lại chưa có nhiều hoạt động tương tự. 

Thời gian tới cần phát động việc hỗ trợ, giúp đỡ người lao động, nhất là dịp Tết Nguyên đán cận kề. Chắc chắn sẽ có rất nhiều doanh nghiệp, người dân cùng chung tay và khi có được sự giúp đỡ thì người lao động sẽ bớt khó khăn, đỡ phải nghĩ đến việc rút BHXH một lần để lo trước mắt.

Về lâu dài nên sửa đổi các quy định pháp luật hiện nay, trong đó hạn chế các trường hợp được rút BHXH một lần, chỉ cho người lao động rút khi đã đến tuổi nghỉ hưu hay gặp biến cố, qua đời. Đồng thời cũng cần xem xét sửa Luật BHXH, trong đó tăng quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, thời gian đóng...

Khi có được các giải pháp tổng thể, phù hợp, trên cơ sở đảm bảo quyền lợi người lao động thì chắc chắn sẽ hạn chế được câu chuyện này.

Cử tri đặc biệt lo lắng khi nhiều người lao động bị cắt việc, mất việc Cử tri đặc biệt lo lắng khi nhiều người lao động bị cắt việc, mất việc

TTO - Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho rằng cử tri, nhân dân đặc biệt lo lắng về tình trạng nhiều người lao động bị cắt việc, mất việc khi Tết Nguyên đán đã gần kề, cũng như việc rút bảo hiểm xã hội một lần.

TS NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG (nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động - xã hội) - THÀNH CHUNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên