Công nhân Công ty SSLV Đà Nẵng tập trung tại nhà máy khi được thông báo công ty giải thể - Ảnh: Đ.H.
Ngày 4-12, hơn 500 công nhân Công ty SSLV Đà Nẵng tại Khu công nghiệp (KCN) Liên Chiểu chính thức thất nghiệp sau khi nhận khoản hỗ trợ do công ty giải thể.
Bần thần mất việc, không lương
Chị Huỳnh Thị Xuân Phương (46 tuổi) bần thần trở về nhà ở quận Liên Chiểu. Sau 3 năm làm việc, nay chị được nhận khoản hỗ trợ 1,5 triệu đồng, lương tháng 11 cùng mấy ngày đầu tháng 12.
"Ba đứa đang đi học. Nghĩ tới Tết là tối tăm mặt mũi. Đồng lương tăng ca tròm trèm 6 triệu đồng/tháng nhưng cộng với tiền làm thợ đụng của chồng cũng tạm đủ trang trải. Từ nay cuộc sống lâm cảnh vô cùng khó khăn, ở tuổi này không dễ xin việc mới, buôn bán thì không có vốn" - chị Sương nói.
Theo chị, trong số hàng trăm lao động thất nghiệp lần này không ít người đã vào tuổi 45 - 50, cơ hội tìm việc trở lại rất khó. Trong khi đó, những lao động trẻ tứ xứ đều có con nhỏ, có người đang mang thai, nên ai cũng lo lắng.
Vợ chồng chị Trần Thị Nga (33 tuổi, trú phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) làm chung Công ty SSLV và thất nghiệp cùng lúc. Công ty thông báo giải thể, cả hai rất sốc vì mọi nguồn sống bị cắt đứt. Mấy hôm nay hai vợ chồng chạy khắp nơi tìm việc. Một số công ty mà hai vợ chồng tìm đến đều từ chối vì chỉ nhận lao động dưới 30 tuổi.
"Con hai đứa đang đi học, nếu tình trạng thất nghiệp kéo dài thì có lẽ phải bớt các khoản học thêm của các cháu!" - chị Nga nói như mếu. Với những lao động ngoại tỉnh như Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, nhiều người cho biết ráng ở lại thêm ít hôm để giải quyết quyền lợi, lấy sổ bảo hiểm rồi về quê vì không thể tìm việc mới ở Đà Nẵng vào thời điểm này.
Doanh nghiệp cố gắng duy trì việc làm
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh có hơn 100 doanh nghiệp (với khoảng 200.000 lao động) đang bị giảm đơn hàng, thiếu nguyên liệu. Trong đó, các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ xuất khẩu, may mặc, da giày, điện tử chịu ảnh hưởng nặng nhất.
Đến quý 3 và quý 4, một số doanh nghiệp lớn đã phải có phương án sắp xếp lại lao động. Từ tháng 6 đến tháng 10-2022, khoảng 20.000 lao động bị doanh nghiệp cắt giảm. Một số doanh nghiệp đông lao động đã có kế hoạch thỏa thuận giảm thời gian làm việc (không hưởng lương).
"Mặc dù đang gặp khó khăn nhưng cơ bản các doanh nghiệp vẫn cố gắng đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo quy định, nỗ lực duy trì lao động chờ khôi phục sản xuất", đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai nói.
Ông Đinh Sỹ Phúc, chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần Taekwang Vina - doanh nghiệp có 34.000 lao động tại KCN Biên Hòa 2 (TP Biên Hòa) - cho biết hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn, giảm sút đơn hàng. Công ty đưa ra chính sách giảm bớt ngày làm việc của người lao động từ 2-3 ngày/tháng nhưng vẫn trả lương theo mức tối thiểu vùng. Công ty cũng duy trì các chế độ phúc lợi như lương thưởng Tết, tặng quà cho công nhân khó khăn, tổ chức xe đưa đón công nhân ở miền Bắc và miền Trung về quê sum họp cùng gia đình...
"Sau 2 năm chịu ảnh hưởng dịch COVID-19, năm nay đơn hàng giảm sút, không có tăng ca, vật giá leo thang khiến cuộc sống càng thêm khốn khó. Người lao động rất chật vật, càng cần sự quan tâm giúp đỡ" - ông Phúc bộc bạch. Đây cũng là cách chia sẻ để người lao động vượt qua khó khăn trước mắt, yên tâm gắn bó lâu dài với công ty.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho hay dịp Tết Nguyên đán 2023, công đoàn các cấp sẽ tặng quà công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn và mất việc làm, người lao động không có điều kiện về quê đón Tết. Đồng Nai sẽ tổ chức chương trình "Chợ Tết Công đoàn" cung cấp các mặt hàng thiết yếu với giá ưu đãi... để người lao động đón Tết vui tươi và thiết thực.
Về quê, làm sao hưởng bảo hiểm thất nghiệp?
* Người lao động đang tạm hoãn hợp đồng lao động do công ty không có việc làm, không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Muốn tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) phải làm sao?
Nhiều bạn đọc
Bà Phan Thị Mai - trưởng phòng quản lý thu, Bảo hiểm xã hội TP.HCM - giải đáp: Với những trường hợp này, công ty có thể lập danh sách tham gia BHXH, BHYT (mẫu D02-TS) gửi cơ quan BHXH, tiền BHYT người lao động và công ty thỏa thuận để đóng cho cơ quan BHXH. Hoặc người lao động có thể liên hệ với tổ chức dịch vụ thu để để tham gia BHYT hộ gia đình.
* Công ty tôi ở TP.HCM vừa đóng cửa, công nhân chúng tôi chuẩn bị về quê. Có cách nào để chúng tôi làm thủ tục online hưởng bảo hiểm thất nghiệp không hay phải trực tiếp đến cơ quan bảo hiểm tại TP.HCM khai báo?
Bạn đọc Nguyễn Ngọc
Ông Dương Chánh Nguyên - phó trưởng phòng công nghệ thông tin, Bảo hiểm xã hội TP.HCM - giải đáp: Bạn có thể truy cập vào đăng ký nộp hồ sơ hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp tại Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn). Tuy nhiên, theo quy định, hằng tháng bạn vẫn phải đến Trung tâm Giới thiệu việc làm TP để thông báo tình hình tìm kiếm việc làm.
(trích thông tin hỏi đáp trong chương trình giao lưu trực tuyến về bảo hiểm xã hội do Tuổi Trẻ Online tổ chức vào sáng 6-12-2022)
Yêu cầu trả lương ngừng việc cho người lao động
Tại Bình Dương, các doanh nghiệp đang gắng gượng điều tiết công việc, trả phụ cấp, hỗ trợ... nhằm giữ chân công nhân với hy vọng sẽ có đơn hàng vào đầu năm sau.
Đại diện một doanh nghiệp da giày lớn tại Bình Dương cho biết đó còn là nhu cầu tự thân của doanh nghiệp vì doanh nghiệp cũng lo ngại khi để công nhân không có việc phải về quê, khi có đơn hàng sẽ rất khó thu hút họ trở lại.
UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định pháp luật về lao động, đặc biệt là quy định phải trả lương ngừng việc theo điều 99 Bộ luật lao động. Bình Dương có khoảng 240.000 lao động (chiếm khoảng 30%) tại các doanh nghiệp có cơ sở công đoàn đang giảm ngày làm hoặc làm việc cầm chừng cách nhật, phổ biến ở các doanh nghiệp chế biến gỗ, da giày và may mặc.
Một số doanh nghiệp lớn vẫn trả lương cho công nhân trong những ngày ngừng việc, như Công ty Chí Hùng (thị xã Tân Uyên) trả 180.000 đồng/ngày ngừng việc, Công ty TNHH Shyang Hung Cheng (TP Thuận An) trả 196.000 đồng/ngày ngừng việc... (BÁ SƠN)
Quảng Nam: 8.000 chỗ làm đang chờ người về quê
Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam, ngày 5-12 có rất nhiều người đến đây tìm việc mới ở quê nhà. Tại Quảng Nam, hiện một số công ty ở khu công nghiệp Tam Thăng, Chu Lai vẫn thông báo tuyển dụng lao động, đặc biệt có công ty may thông báo tuyển hàng nghìn lao động ở các bộ phận như may, cắt, ủi, dệt nhuộm, cơ khí, nông nghiệp.
Người lao động xem bảng thông tin việc làm, nhu cầu tuyển dụng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam - Ảnh: LÊ TRUNG
Ông Võ Văn Dũng - giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Nam - cho biết thời gian gần đây tại trung tâm có trường hợp lao động từ thành phố lớn mất việc làm vào đây để làm hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp hoặc tìm việc, nhờ trung tâm giới thiệu việc làm.
Theo ông, tỉnh Quảng Nam có cơ hội việc làm nhiều, nhất là ở các khu công nghiệp lớn như Chu Lai, Tam Thăng, Đông Quế Sơn. Nhiều công ty về may mặc, dệt nhuộm, cơ khí, bao bì, nông nghiệp, da giày vẫn có nhu cầu tuyển dụng rất lớn. Nhất là tại những công ty của Tập đoàn Trường Hải (Thaco), Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng (may mặc, dệt nhuộm), nhu cầu việc làm vẫn lớn đối với lao động phổ thông và lao động có tay nghề. "Hiện nay nhu cầu tuyển dụng, vị trí việc làm trống của các doanh nghiệp ở địa bàn tỉnh còn khoảng 8.000. Đây là con số khá lớn, là cơ hội cho người lao động, nhất là những người mất việc ở thành phố lớn về quê" - ông cho hay.
Ông Dũng chi biết từ đây đến hết năm trung tâm phối hợp với các đơn vị tổ chức 4-5 phiên giao dịch việc làm tại các huyện miền núi như Tây Giang, Bắc Trà My hoặc các huyện ở đồng bằng như Đại Lộc với khoảng 3.500 vị trí việc làm. Đây là cơ hội để người lao động mất việc ở thành phố lớn về quê xin việc. Bên cạnh đó trong năm tới có kế hoạch đưa lao động làm việc ở nước ngoài. "Không nhất thiết bám trụ lại thành phố lớn vì hiện nay ở quê mình nhu cầu tuyển dụng việc làm nhiều, cần lượng lao động lớn, về quê vẫn có việc và sống được" - ông Dũng nói thêm. (LÊ TRUNG)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận