15/11/2023 18:19 GMT+7

Cháo bột cá lóc Quảng Trị, bánh tráng Củ Chi... 'đổi đời' nhờ xuất khẩu đi Mỹ

Ở Mỹ có khoảng 3 triệu kiều bào Việt sinh sống và đông đảo cộng đồng người châu Á, lực lượng này đang có nhu cầu cao về nguồn thực phẩm của châu Á, nhất là đặc sản. Đây là cơ hội để startup Việt mở rộng xuất khẩu.

Nhiều chuyên gia cho rằng dư địa để xuất khẩu hàng đặc sản Việt Nam vào Mỹ còn lớn - Ảnh: N.TRÍ

Nhiều chuyên gia cho rằng dư địa để xuất khẩu hàng đặc sản Việt Nam vào Mỹ còn lớn - Ảnh: N.TRÍ

Thông tin được bà Jolie Nguyễn - chủ tịch LNS International Corporation - đưa ra tại talkshow "Cơ hội vàng cho startup xuất khẩu", tổ chức ngày 15-11.

Nhiều dư địa cho hàng đặc sản

Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu ở thị trường Mỹ, bà Jolie Nguyễn cho biết nhu cầu món ăn Việt của kiều bào tại thị trường này ngày càng tăng cao, đặc biệt là nông sản và đặc sản vùng miền. 

Theo thống kê, hiện có khoảng 7 triệu người Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài, trong đó Mỹ có hơn 3 triệu.

"Tại Mỹ hiện có rất nhiều kênh phân phối hàng Việt như chợ, siêu thị, các sàn thương mại điện tử. Điều lưu ý là kiều bào tại Mỹ rất mong muốn sử dụng sản phẩm quê hương, bởi với họ có rất nhiều sản phẩm khi nhắc tới sẽ gợi nhớ tuổi thơ", bà Jolie Nguyễn nhận định và cho biết cộng đồng người châu Á, Nam Mỹ... cũng có khẩu vị tương đồng người Việt và đang chuộng sản phẩm thực phẩm nông đặc sản của nước ta. 

Do đó, đây đang là một thị trường tiềm năng đối với các sản phẩm Việt Nam.

Nhận định tiềm năng của thị trường Mỹ, ông Nguyễn Đức Nhật Thuận - Founder Cà Mèn - cho biết tháng 6-2023 Cà Mèn đã ký kết với LNS International Corporation để đưa các sản phẩm cháo bột cá lóc xuất khẩu chính ngạch qua Mỹ.

Tới nay doanh nghiệp đã xuất được 3 container cháo bột cá lóc (số lượng gần 150.000 gói), đạt doanh thu gần 5 tỉ đồng. Tuy nhiên, doanh số này hiện khá khiêm tốn so với nhu cầu tại thị trường Mỹ.

"Nhờ xuất chính ngạch đi Mỹ, Cà Mèn cũng có cơ hội được kết nối với các đối tác là các nhà xuất, nhập khẩu hàng tiêu dùng đi các thị trường như Canada, Singapore, Úc, New Zealand...", ông Thuận nói.

Trải qua hơn 4 năm kể từ lúc ấp ủ "giấc mơ Mỹ" xuất khẩu hàng vào thị trường này, nhưng ông Lê Duy Toàn - giám đốc Công ty thực phẩm Duy Anh - cho biết đang xuất khẩu đều đặn các sản phẩm bánh tráng - đặc sản của Củ Chi (TP.HCM) qua thị trường Mỹ với lượng tăng dần đều.

Tuy nhiên, điều lớn nhất mà thị trường Mỹ mang lại là giúp đơn vị có được "tấm phiếu thông hành" để khai thác các thị trường khác dễ dàng hơn.

Phải cải thiện nhiều khâu

Bà Jolie Nguyễn cho rằng đang có những khó khăn về khoảng cách, chi phí. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải tuân thủ nghiêm các quy định của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), và quy định riêng của từng bang.

"Có nhiều doanh nghiệp startup Việt khi sản xuất sản phẩm có bao bì không được bắt mắt, không phù hợp với thị trường nước ngoài.

Chính vì vậy, doanh nghiệp khi muốn xuất khẩu vào Mỹ cần làm hồ sơ xây dựng nhà máy, bộ quy tắc quản lý sản xuất, quản lý rủi ro, hồ sơ quản lý chất lượng tùy thuộc theo từng mặt hàng… bởi đây là "tấm hộ chiếu" rất quan trọng, giúp sản phẩm thông quan dễ dàng", bà Jolie Nguyễn nói.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Huỳnh Phước Nghĩa cho rằng cần có chính sách đặc thù để thúc đẩy khởi nghiệp xuất khẩu nông sản.

"Việt Nam có lợi về nguồn nguyên liệu nông sản, đặc sản. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần có nhiều chính sách đặc thù hơn để thúc đẩy đầu tư khởi nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản", ông Nghĩa nhận định.

Theo ông Nghĩa, năng lực xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp khởi nghiệp là yếu tố rất quan trọng để xuất khẩu thành công. Các doanh nghiệp chuẩn hóa quy trình từ đầu, có chiều sâu về chất lượng, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ có giá thành cạnh tranh hơn trong thời điểm kinh tế thế giới gặp khó.

Tại sự kiện, nhiều chuyên gia cho rằng nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chỉ nghĩ đến thị trường nội địa, nên khi bàn việc xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn như bao bì không đảm bảo, không có đầy đủ thông tin về thành phần dinh dưỡng, thông tin hiển thị thiếu phiên âm theo từng thị trường…

Còn dư địa rất lớn

Bà Jolie Nguyễn cho biết đang kết nối để xuất khẩu hàng nghìn sản phẩm thực phẩm từ các nước vào Mỹ, trong đó có hơn 300 sản phẩm đặc sản Việt Nam. Dư địa khai thác còn rất lớn.

"Đơn vị đang đẩy mạnh việc nghiên cứu, xúc tiến để đưa đặc sản Việt Nam đi Mỹ. Với rất nhiều địa phương có đặc sản ngon như miến lươn xứ Nghệ, dừa Bến Tre, cá kho làng Vũ Đại, bánh tráng Củ Chi, Tây Ninh..., nếu khai thác tốt, số lượng đặc sản được xuất đi Mỹ có thể tăng gấp đôi, gấp ba trong thời gian tới".

"Cha đẻ" gạo ST25: Giá gạo Việt đang cao nhất thế giới thì nên tranh thủ xuất khẩu nhiều'Cha đẻ' gạo ST25: Giá gạo Việt đang cao nhất thế giới thì nên tranh thủ xuất khẩu nhiều

Anh hùng lao động Hồ Quang Cua - cha đẻ giống gạo ngon nhất thế giới ST25 - nói như vậy với Tuổi Trẻ khi bình luận về việc giá gạo Việt Nam lên mức cao nhất thế giới thời gian qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên