Bà Trần Thị Bé Bảy - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang - cho biết ASC là chứng nhận nuôi thủy sản bền vững, có trách nhiệm, đã và đang được đông đảo thị trường quốc tế tín nhiệm.
"Vùng nuôi nghêu huyện Gò Công Đông được chứng nhận đạt tiêu chuẩn ASC là điều kiện tốt để quảng bá thương hiệu, sản phẩm nghêu đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, qua đó sẽ tạo thuận lợi hơn cho việc xuất khẩu sản phẩm đặc sản của địa phương", bà Bảy nói.
Trên cơ sở các tiêu chí về môi trường, hệ sinh thái, an sinh xã hội, an toàn thực phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) - Hội Thủy sản Việt Nam, cùng các tổ chức quốc tế, các đơn vị tài trợ đã tích cực hỗ trợ chứng nhận ASC cho vùng nuôi nghêu tại huyện Gò Công Đông.
Chứng nhận ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản) là tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản, là bộ tiêu chuẩn dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm.
Hiện nay địa phương này có 530 hộ nuôi nghêu với tổng diện tích trên 2.200ha, sản lượng đạt khoảng 18.000-20.000 tấn nghêu thương phẩm mỗi năm. Trong đó, có 350ha bãi nuôi nghêu ở vùng biển xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông vừa được Tổ chức Control Union chứng nhận đạt tiêu chuẩn ASC.
Như vậy, vùng nuôi nghêu Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang trở thành vùng nuôi nghêu thứ 4 của cả nước và thứ 2 vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt tiêu chuẩn ASC, mở ra triển vọng đối với nghề nuôi nghêu thương phẩm theo hướng bền vững, chất lượng, phục vụ xuất khẩu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận