18/03/2021 09:24 GMT+7

Chàng sĩ quan trẻ làm việc nhiều, không ngại khó

MINH PHƯỢNG
MINH PHƯỢNG

TTO - Chàng sĩ quan trẻ - thượng úy Nguyễn Quang Trung (27 tuổi), trợ lý công tác quần chúng Phòng chính trị Bộ đội Biên phòng TP.HCM, chia sẻ với Tuổi Trẻ như vậy.

Chàng sĩ quan trẻ làm việc nhiều, không ngại khó - Ảnh 1.

Thượng úy Nguyễn Quang Trung - “thủ lĩnh” thanh niên Bộ đội Biên phòng TP.HCM vừa được bình chọn là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu của toàn lực lượng - Ảnh: MINH PHƯỢNG

Anh là thủ lĩnh đầy nhiệt huyết, dám nghĩ dám làm của đoàn viên thanh niên Bộ đội Biên phòng TP.HCM. Mới đây, anh được bình chọn là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn lực lượng Bộ đội biên phòng năm 2020.

Thượng úy Trung đã duy trì và phát huy rất tốt các phong trào, cùng đó chăm lo cho các tổ chức Đoàn, các tổ, đội công tác của đơn vị và cả Đoàn thanh niên ở các địa bàn khác.

Đại tá Lâm Văn Huy (chủ nhiệm chính trị Bộ đội Biên phòng TP.HCM)

Cơ duyên gắn bó với Đoàn

Thượng úy Nguyễn Quang Trung kể bản thân gắn với mảng phong trào và công tác Đoàn của đơn vị như một cơ duyên. Trước đó, năm 2016 sau khi ra trường, anh là sĩ quan trạm kiểm soát biên phòng - đồn biên phòng Thạnh An (huyện Cần Giờ), sau đó trở thành trạm trưởng trạm kiểm soát.

Hai năm sau ngày ra trường, anh về phòng chính trị của Bộ Chỉ huy để làm trợ lý quần chúng, phụ trách các hoạt động liên quan đến công tác Đoàn ở đơn vị. 

Khiêm tốn cho rằng đó là may mắn nhưng thực tế chàng sĩ quan trẻ này được chỉ huy và đồng đội nhận xét là người có tố chất và bản thân không ngừng nỗ lực, học hỏi vì khi công tác ở đồn Thạnh An, anh cũng làm phó bí thư chi đoàn. 

Khi bí thư chi đoàn đi công tác một năm, anh điều hành trơn tru toàn bộ hoạt động của chi đoàn. Cũng trong năm đó, anh đại diện cho đơn vị tham gia liên hoan tuyên truyền viên giỏi của Bộ đội Biên phòng TP và đoạt giải nhì.

Ngoài công việc ở đơn vị, người cán bộ Đoàn dành thời gian tiếp xúc với nhiều người nên thường không có ngày nghỉ, nhất là cuối tuần. 

Hơn nữa, đặc thù đơn vị số lượng đoàn viên không nhiều, mỗi đoàn viên đều có công việc chuyên môn riêng nên khi tổ chức các hoạt động khá vất vả vì không có nhiều người để làm. Lúc này, thượng úy Nguyễn Văn Trung phải "xắn tay" làm hết, có khi tự xây dựng kế hoạch, tự đi gửi công văn...

Việc càng khó càng phải làm

Sinh ra trong gia đình có cha mẹ đều làm trong quân đội nên từ nhỏ thượng úy Nguyễn Quang Trung đã yêu hình ảnh người lính áo xanh. Cha mẹ đã rèn cho anh tính tự giác, kỷ luật, không ngại khó ngại khổ. Sau khi thi vào Học viện biên phòng nối nghiệp cha mẹ, ngay từ trên ghế nhà trường chàng trai trẻ đã nỗ lực học tập, rèn luyện.

Anh luôn trăn trở phải sống thế nào để có một tuổi trẻ sôi nổi, nhiệt huyết và cống hiến hết mình. "Mình xác định tuổi trẻ phải làm việc nhiều, dấn thân nhiều, kể cả những việc khó khăn. Vì khi trẻ mình không làm thì sau này lớn tuổi rồi không làm được, sẽ hối hận", chàng thượng úy trẻ nói. 

Với suy nghĩ đó, anh không ngại thử thách bản thân ở những vai trò, nhiệm vụ mới. Dù nhiều khó khăn nhưng anh đã duy trì và phát triển tốt các phong trào, hoạt động trước đó và có thêm nhiều hoạt động, phong trào ý nghĩa.

Với chương trình "Nâng bước em đến trường", ngoài tiền "cứng" mà cán bộ, chiến sĩ đóng góp để hỗ trợ 52 em có hoàn cảnh khó khăn (500.000 đồng/tháng), anh đã vận động nhiều đơn vị để có các hoạt động chăm lo các em như tặng quà, học bổng, xe đạp. 

Người sĩ quan này cũng thường xuyên xuống tận nhà các em nắm tình hình, kịp thời động viên chuyện học hành của các em.

Cùng đó, chiến dịch "Hãy làm sạch biển" ngày càng lan tỏa và có ý nghĩa. "Mỗi tháng đoàn viên ra quân làm sạch biển 2 lần. 

Mình gắn hoạt động làm sạch biển với các hoạt động khác như trao quà cho ngư dân, tặng thùng rác, tặng trang thiết bị vệ sinh môi trường, găng tay... Ngoài ra, mình phát các tờ rơi để người dân chung tay cùng làm, từ đó thay đổi ý thức của người dân" - Trung cho biết.

Có rất nhiều hoạt động, chương trình khác được thượng úy Nguyễn Quang Trung tham mưu như tặng quà để ngư dân vươn khơi bám biển, chăm lo cuộc sống của người dân trên biên giới... Bản thân chàng thượng úy đã vận động được nhiều nguồn lực hỗ trợ các đơn vị ở tỉnh khác cũng như cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị để thuận lợi thực hiện nhiệm vụ.

Năm 2020, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thượng úy Nguyễn Quang Trung đã tham mưu cho Bộ Chỉ huy thực hiện hiệu quả các biện pháp tuyên truyền, triển khai phòng chống dịch COVID-19.

Anh vận động 16 máy đo thân nhiệt, 645 chai gel rửa tay diệt khuẩn khô, 200 chai cồn xịt khuẩn, 20.000 khẩu trang các loại, 500 lít dung dịch sát khuẩn, 200 chai gel rửa tay, 300 thùng mì cùng nhiều trang bị y tế, nhu yếu phẩm hỗ trợ cho các địa phương như Bình Phước, Tây Ninh và cán bộ chiến sĩ toàn đơn vị với tổng trị giá 262 triệu đồng.

Cùng đó, anh đã nghiên cứu và tham mưu cho Bộ Chỉ huy phối hợp cùng các đơn vị xây dựng công trình thanh niên "Điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng" tại xã Thạnh An trị giá hơn 300 triệu đồng để gắn kết tình quân dân.

Ông chủ 9X và mục tiêu 90.000 việc làm trong dịch COVID-19 Ông chủ 9X và mục tiêu 90.000 việc làm trong dịch COVID-19

TTO - Trải qua đủ môi trường, chàng trai 9X đã tìm thấy con đường đi riêng, trở thành 'ông chủ' kết nối việc làm cho hàng triệu bạn trẻ. Hiện nay, công ty anh đang triển khai chiến dịch 90.000 việc làm trong mùa dịch COVID-19.

MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên