10/07/2016 09:39 GMT+7

Cha con tiến sĩ đi... chăn bò

THÁI BÁ DŨNG (dungtb@tuoitre.com.vn)
THÁI BÁ DŨNG (dungtb@tuoitre.com.vn)

TTO - Từ một người chăn bò thuê, người nông dân gốc Huế mới học hết lớp 2 quyết đi nuôi bò và trở thành tỉ phú trên cao nguyên. Đứa con trai của ông - tiến sĩ trẻ thành đạt ở TP.HCM - cũng rời bỏ thành phố để về quê... nuôi bò cùng cha.

Một trong những đàn bò của ông Phúc được chăn thả tại huyện Chư Sê, Gia Lai - Ảnh: B.D.
Một trong những đàn bò của ông Phúc được chăn thả tại huyện Chư Sê, Gia Lai - Ảnh: B.D.

Hai cha con ấy là ân nhân của hàng trăm người dân nghèo ở các huyện Chư Sê, Phú Thiện (tỉnh Gia Lai): ông Nguyễn Đình Phúc và tiến sĩ quản trị kinh doanh Nguyễn Đình Đức.

Tôi là tiến sĩ quản trị kinh doanh, có việc làm ổn định ở thành phố nhưng khi về quê nuôi bò thì nhiều người bảo là tôi bị khùng. Thật ra mình là tiến sĩ nhưng cũng là người kinh doanh. Nơi đâu có cơ hội làm ăn thì mình tận dụng. Tại sao lại khùng?

TS NGUYỄN ĐÌNH ĐỨC

Cần cù thành tỉ phú

Ông Phúc nói mình mới chỉ học hết lớp 2. Những năm 1978, đói khổ, người Huế, người Nghệ An... kéo nhau đi các tỉnh để kiếm sống. Ông dẫn vợ và đứa con đầu ngược theo quốc lộ 19 về vùng đất đỏ bazan ở Chư Sê (Gia Lai) lập nghiệp. Tây nguyên những ngày đó còn u ám, tối mịt trong cảnh bốn bề là rừng, vợ chồng phải kiếm đủ nghề để sống, khi đi làm thuê, lúc đi buôn bán nhưng cuộc sống cứ chật vật mãi.

Không để vợ con chịu cực, ông Phúc đi mua gạo của người địa phương về nấu rượu. Một ngày đầu năm 1982, ông Phúc theo một chiếc xe khách nát bươm đưa hai can rượu về vùng Phú Bổn (nay là Ayun Pa, Krông Pa). Chiếc xe chở những người nghèo khổ đi về các làng quê xơ xác để kiếm ăn bỗng dưng chết máy giữa chừng - tại nơi mà hiện vợ chồng ông đang xây dựng cơ ngơi ở trung tâm huyện Phú Thiện.

“Lúc đó tôi mới đi ra ngoài huyện chuyến đầu tiên. Tôi đi một vòng và thấy đất trời ở nơi ấy như tách ra làm đôi, một cảnh tượng mênh mông, bát ngát ruộng đồng và phẳng lì như cảnh của vùng quê miền Trung, hoàn toàn khác xa với cảnh u ám núi rừng của Tây nguyên mà tôi biết. Đây chính là cơ hội của tôi” - ông Phúc nói.

Mấy ngày sau đó, ông về Chư Sê đưa vợ con khăn gói xuống huyện Phú Thiện rồi xin làm trong một hợp tác xã. Bản năng của một người dân miền Trung khó nhọc, lam lũ đã khiến ông nhận ra cơ hội làm giàu từ những cánh đồng cỏ bát ngát, những vựa rơm được người dân phơi đầy ruộng nương trong mùa gặt lúa. Rồi ông đi vào các làng hỏi dò tìm các chủ bò để xin chăn bò thuê, mục đích là nuôi quyết tâm lập trang trại bò.

Một năm từ ngày về Phú Thiện, vợ chồng ông mua được một cặp bò. Ông không tự nuôi mà gửi cho người làng. Một năm sau, cặp bò ấy đẻ được một con, từ tích lũy ông quyết mua thêm một cặp khác. Đến năm 1988, ông đã có trong tay 30 con bò.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Đức bỏ giảng đường đại học về Gia Lai lái máy cày làm trang trại bò - Ảnh: B.D.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Đức bỏ giảng đường đại học về Gia Lai lái máy cày làm trang trại bò - Ảnh: B.D.

10 năm sau đó - năm 1998 - khi nghe tin một nông dân ở Phú Thiện có tới 1.000 con bò, vị chủ tịch huyện ở Chư Sê đã bất ngờ xuống tận nơi kiểm tra. Khi biết đó là sự thật, ông mời người nông dân ấy - Nguyễn Đình Phúc - về nhà mình để mời cơm, hỏi chuyện, bày tỏ lòng kính nể. Rồi huyện cấp đất, mở thêm trang trại, đề nghị ông hướng dẫn người dân nuôi bò.

Đến năm 2003, số bò của ông lên tới hơn 3.000 con. Ông cho biết một con bò đực giống bán ra có khi mua được hơn một lượng vàng. Trại bò của ông đã xuất hiện dọc quốc lộ 25 từ đèo Chư Sê về đến Phú Thiện.

Nhưng ông Phúc cũng nói rằng có lúc mình suy sụp. Những năm 1997 trong đợt dịch tụ huyết trùng và lở mồm long móng, ông mất tới 1/3 số bò. Bò nhiễm bệnh bị tư thương đến ép giá, bán với giá rẻ mạt. “Tôi không nản chí, tìm đủ mọi cách để nhân đàn bò lên. Đầu tư mạnh vào chuồng trại, đó cũng là cái nghiệp và cơ ngơi để nuôi năm đứa con học hành đầy đủ” - ông kể.

Đàn bò của ông Phúc tăng lên kéo theo hàng trăm hộ gia đình, các cặp vợ chồng nghèo ở các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, các vùng đồng bào nghèo ở Gia Lai đến xin ông cho chăn bò. Họ được dựng lều sinh sống, lập nghiệp, trả công...

Ông nông dân - tỉ phú chăn bò đã nuôi được năm đứa con - tất cả vào các trường ĐH, xây biệt thự cho mình ở trung tâm thị trấn, mua cả biệt thự ở TP.HCM, Đà Nẵng. Ông bảo: “Chỉ tính riêng tiền bán phân bò, tôi thu về khoảng 1 tỉ đồng mỗi năm. Giờ tôi chỉ nghĩ đến việc đầu tư cho con cái, rồi giúp được người dân khó khăn nào làm ăn thì tôi giúp”...

Ông Nguyễn Đình Phúc chăm sóc bò trong trang trại ở huyện Chư Sê - Ảnh: B.D.
Ông Nguyễn Đình Phúc chăm sóc bò trong trang trại ở huyện Chư Sê - Ảnh: B.D.

Tiến sĩ... chăn bò

Mưa xuống. Những cánh đồng đất pha lẫn cát trắng vốn bỏng rộp chân người ở các bìa rừng xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện) bỗng hồi sinh. Giữa cánh đồng rộng mênh mông, một ông nông dân từ sáng đến tối hết lái máy cày rồi lại lụi hụi cuốc đất, rào thửa, quyết tâm cho ngày mở cổng đón bò vào trang trại của mình. Người nông dân đó, tiến sĩ Nguyễn Đình Đức, 34 tuổi, đã bỏ thành phố để về quê theo bố đi... chăn bò.

Đức cho biết mình từng theo học ĐH tại TP.HCM, rồi giảng dạy ở ĐH Văn Lang. Năm 29 tuổi, anh hoàn thành luận án tiến sĩ ngành quản trị kinh doanh trong chương trình liên kết của một ĐH ở Mỹ. Đức nói mình đã đi dạy, đã kinh doanh chứng khoán, rồi tính chuyện hùn vốn cùng các cổ đông mở trường ĐH tại tỉnh Tây Ninh...

Năm 2013 khi thấy môi trường ở TP.HCM không thích hợp, Đức quyết định cùng vợ khăn gói về quê... nuôi bò. “Thấy mình về quê, bạn bè cùng khóa bảo là mình điên, sống ở thành phố sung sướng không chịu lại đi về quê. Cha mình cũng khuyên ngăn rất nhiều nhưng mình nhận thấy cơ hội ở vùng quê nghèo này, hơn nữa cơ ngơi mà gia đình đang có cũng đi lên từ những con bò nên mình quay về” - Đức nói.

Về cao nguyên Gia Lai, trại bò đầu tiên mà tiến sĩ này mở ở đội 3, xã Chư A Thai - một vùng sát bìa rừng heo hút. Đức tuyển người, hì hục cả ngày lẫn đêm chăm đàn bò. Khi số bò lên tới hơn 200 con, anh quyết định dốc vốn mở trang trại lớn. Đầu năm 2016, Đức bỏ gần 1 tỉ đồng mua 15ha đất ở đội 3, xã Chư A Thai để lập trang trại nuôi bò. Anh dự định lập một trang trại có thể đủ sức nuôi cả ngàn con bò mỗi năm, đầu tư bài bản, áp dụng công nghệ mới nhất, tuyển chọn bò chất lượng cao để gây đàn.

Giữa trưa nắng chang chang, ông tiến sĩ đội chiếc nón cời mướt mồ hôi lái máy xúc ủi đường vào trang trại, người bê bết bùn đất, bên trong khu đất là túp lều được thưng tạm, nồi cơm với cá khô đang sôi dở trên bếp chuẩn bị cho bữa trưa qua loa giữa đồng của vị tiến sĩ nông dân.

Hỏi tiến sĩ sao lại về quê chăn bò, Đức cười hiền lành: “Một năm mình làm ở Sài Gòn kiếm được khoảng 200 triệu đồng. Nhưng ở đây chỉ cần làm một tháng là có chừng đó. Chỉ cần nuôi bò 10 năm thôi rồi trở lại Sài Gòn cũng chưa muộn. Cha mình dựng cơ ngơi ở đây từ hai bàn tay trắng, không lẽ mình học đến tiến sĩ mà làm ăn thất bại?”.

Giúp nông dân nghèo

Những năm 1990, ông Phúc bung số bò của mình về cho dân khắp các xã ở Phú Thiện mượn để cày ruộng, làm ăn kết hợp giúp ông chăm sóc bò. Hàng trăm hộ dân nghèo khó lúc ấy dù có nhiều ruộng được chia nhưng không có bò để cày kéo. Vì vậy họ đề nghị ông đưa thêm bò để họ nuôi trả ơn, kết hợp lấy phân chăm bón ruộng. Ông đồng ý nhưng vẫn lập một danh sách các hộ dân nhận nuôi bò rồi trả lương tháng cho họ.

THÁI BÁ DŨNG (dungtb@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên