27/07/2019 08:16 GMT+7

Cây bàng bi tráng nuôi sống hàng ngàn người tù Côn Đảo

SƠN LÂM
SƠN LÂM

TTO - Những cây bàng cổ thụ ở Côn Đảo không chỉ được nhắc đến như những cây xanh tô điểm thêm cho cảnh vật nơi đây, mà còn được xem như một biểu tượng thiên nhiên gắn chặt với lịch sử hào hùng của vùng đảo này.

Cây bàng bi tráng nuôi sống hàng ngàn người tù Côn Đảo - Ảnh 1.

Những cây bàng tuyệt đẹp ở Côn Đảo - Ảnh: SƠN LÂM

Hiếm có nơi nào cây bàng hiện diện nhiều như ở Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Loài cây lá to, tán rộng này gần như có ở khắp mọi nơi từ ven vịnh Bến Đầm lên đến đỉnh núi Thánh Giá, từ sân trường ra đến giữa chợ…

Người dân ở đây ví von rằng hai phần ba bóng mát cây xanh che cho người Côn Đảo là của cây bàng.

Chất xanh nuôi người tù

Cây bàng là loài cây chính đã che mát và nuôi sống cho hàng ngàn người anh hùng cách mạng trải qua những ngày sống cảnh "địa ngục trần gian" trong hệ thống nhà tù Côn Đảo.

"Ai ở tù Côn Đảo cũng đều đã ăn lá bàng để sống sót" - ông Phan Hoàng Oanh, chủ tịch Hội cựu tù nhân Côn Đảo, nhắc về những tháng ngày không thể quên. Tham gia cách mạng, năm 25 tuổi ông Oanh bị chuyển đến Côn Đảo sau một phiên tòa "bỏ túi" tại Cần Thơ.

Qua hàng rào đá cao bít bùng, những cây bàng giữa sân trại giam xòe bóng mát có lẽ là thứ duy nhất an ủi phần nào tâm trạng của người tù khi đặt chân vào "địa ngục trần gian". Lúc đó, ông Oanh vẫn chưa biết được chính những lá bàng này sẽ là chất xanh duy nhất nuôi mình qua những ngày khổ ải.

"Được ra sân tù là khoảng thời gian sung sướng nhất trong ngày của người tù. Ngoài việc được hưởng không khí thoáng đãng, mát mẻ dưới những tán bàng cổ thụ để tạm quên cái ngột ngạt trong phòng giam, đó là cơ hội để được… ăn bàng" - ông Oanh kể.

Ông Oanh cho biết thức ăn ở nhà tù Côn Đảo toàn cơm hẩm, cá thiu, còn rau củ trong khẩu phần ăn thì gần như không có. Thế nên những cây bàng cổ thụ trong sân tù cung cấp cho người tù thứ thực phẩm được đánh giá ngon nhất trong chuỗi ngày ở đây: lá bàng.

Ông Oanh chia sẻ: "Thực ra lá bàng chát lắm, trước đó có ăn bao giờ đâu. Nhưng với điều kiện ăn uống hết sức tồi tệ như thế thì lá bàng trở thành thứ thực phẩm cứu rỗi vị giác. Nói chung miễn có lá ăn là được, mà trong sân tù thì nhiều nhất vẫn là các cây bàng cổ thụ".

Mỗi buổi sinh hoạt giữa sân tù trở thành những buổi thưởng thức "đặc sản" lá bàng của người tù. Lá bàng non còn màu hồng là ngon nhất, có thể dễ dàng quấn lại và cho vào miệng nhai. Trái bàng non người tù cũng có thể nhai để lấy vị chát. Hay trái khô rụng xuống cũng có thể đập ra lấy hạt ăn.

Nhưng việc ăn lá bàng là một trong những hành vi bị cấm tại các nhà giam trên Côn Đảo. Cai tù luôn sẵn sàng nhiều biện pháp để xử phạt việc hái lá bàng ăn. Nhanh nhất là… đánh. Không ít người tù vì bị phát hiện ăn một miếng lá bàng mà bị đánh đến gãy xương, vỡ quai hàm.

Đa số người tù chỉ có thể lén nhặt những chiếc lá vàng vừa rụng xuống vội vã nhét vào miệng. Rồi lại tranh thủ giấu trong áo, lận trong cạp quần đem vào phòng giam. Những lá bàng lọt được vào phòng giam được xé nhỏ, trộn vào cơm để vị chát của lá bàng giúp những bữa cơm hẩm, cá thiu trở nên dễ nuốt hơn.

Có chất xanh của lá bàng, vết thương của người tù cũng dễ dàng mau lành hơn. Thân thể nhờ có chất từ lá bàng cũng đỡ nhức hơn sau những đợt tra tấn của cai ngục. Ngoài ra còn giúp những người tù vốn cạn kiệt sức lực vì bị ngược đãi được có thêm sức, chống được những chứng kiết lỵ, táo bón vốn thường xuyên mắc phải trong điều kiện vô cùng hà khắc.

Cây bàng bi tráng nuôi sống hàng ngàn người tù Côn Đảo - Ảnh 2.

Những cây bàng cổ thụ, cây di sản tại Côn Đảo - Ảnh: SƠN LÂM

Cây di sản đặc biệt

"Có lẽ không nhiều cây di sản mang trong mình câu chuyện lịch sử bi tráng, gắn bó với một giai đoạn tàn khốc của đất nước như những cây bàng ở Côn Đảo" - bà Phan Thị Tám, trưởng Ban quản lý di tích Côn Đảo, chia sẻ.

Về hình thể, cây bàng ở Côn Đảo có những đặc điểm khá khác với các cây bàng trong đất liền. Thân cây bàng Côn Đảo thường vươn thẳng đứng, lá dày, xanh biếc hơn so với phần lớn lá bàng trong đất liền. Cả hạt bàng cũng tròn hình elip đều đặn, to hơn so với hạt bàng trong đất liền thường mỏng dẹt.

Đặc biệt, những cây bàng cổ thụ mọc đều trên đường Tôn Đức Thắng, đường Lê Duẩn và trong các trại giam Phú Hải, trại giam Phú Sơn, di tích Nhà Chúa Đảo đều to lớn, có vỏ cây rất dày, nâu thẫm, xù xì. Gốc cây thường xòe rộng hơn hai, ba vòng ôm với những khối u ngấn to lớn đặc trưng mà bàng trong đất liền rất hiếm thấy. Những cây bàng đã trở thành "chứng nhân" với những người bị đày ải nơi "địa ngục trần gian", về sau trở thành thương bệnh binh hay liệt sĩ.

Những cây bàng cổ thụ này vốn đã hùng vĩ như thế trong trí nhớ của những người tù cao tuổi nhất còn đến hôm nay. Trong cả những bức ảnh tư liệu về Côn Đảo chụp từ thời Pháp thuộc, những cây bàng này cũng đã xuất hiện ngạo nghễ.

Bà Phan Thị Tám cho biết khi làm hồ sơ phong cây di sản, nhiều cây bàng này đã được xét nghiệm mẫu vật, vòng vân gỗ… và có 53 "cụ bàng" đã có tuổi trong khoảng 130 - 150 năm. Nhà tù Côn Đảo được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1862. Như vậy, nhiều "cụ bàng" đã được những người tù Côn Đảo đầu tiên trồng, tồn tại song song xuyên suốt và trở thành nguồn sống cho những người đấu tranh chính trị về sau giữa một trong những nhà tù nổi tiếng nhất thế giới này.

"Với những đặc điểm thỏa mãn tiêu chí về độ tuổi, về tiêu chí cảnh quan, lịch sử văn hóa, 53 "cụ bàng" này đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường công nhận là cây di sản Việt Nam vào năm 2012" - bà Tám nói thêm.

Cây bàng tiếp tục thân thiết

Không chỉ mang sứ mệnh qua những tháng năm chiến tranh, những cây bàng này tiếp tục thân thiết với người dân Côn Đảo bằng một thứ đặc sản nổi tiếng trong thời bình: hạt bàng, mứt bàng. "Đến đây mà chưa thưởng thức hạt bàng là còn thiếu sót" - chị Thảo Châu, chủ một tiệm tạp hóa, đồ lưu niệm lớn trước chợ Côn Đảo, nói.

Hạt bàng Côn Đảo rụng xuống được người dân nhặt về phơi khô, tách ra lấy nhân và phơi nắng. "Nhân hạt bàng Côn Đảo thường lớn hơn nhân hạt bàng trong đất liền, phơi nắng ăn dẻo và bùi. Người dân còn rang thêm với muối hoặc với sa tế, ớt... làm thành món ăn đặc sản bán chạy" - chị Châu nói thêm.

Cây bàng Hỏa Lò

cây bàng

Tấm bảng giới thiệu về cây bàng ở khu di tích nhà tù Hỏa Lò - Ảnh: K.B

Đến thăm khu di tích nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), du khách chứng kiến những hiện vật gắn liền với những mất mát, đau thương thời chiến như máy chém, chuồng cọp, dụng cụ hỗ trợ tra tấn... Tại đây, chúng tôi đã được nghe kể về câu chuyện cây bàng đã cứu sống rất nhiều chiến sĩ cách mạng.

Do bị giam cầm, tra tấn dã man, cùng việc bị bỏ đói thường xuyên nên nhiều chiến sĩ cách mạng thường mắc phải các căn bệnh như kiết lỵ, tiêu chảy, thương hàn. Chính cây bàng đã giúp nhiều người tù khi họ bị hiểm bệnh. Ngoài ra, dưới gốc bàng, tù chính trị thường trao đổi biện pháp chống chế độ giam cầm hà khắc của nhà tù thực dân...

Tấm bảng (gồm 3 thứ tiếng Việt, Anh và Pháp) giới thiệu về cây bàng ở khu di tích nhà tù Hỏa Lò viết: "Lịch sử cây bàng gắn với tù chính trị Hỏa Lò (giai đoạn 1930-1954). Vỏ bàng, lá bàng non chữa bệnh kiết lỵ, rửa vết thương. Hạt bàng dùng để bồi bổ sức khỏe. Cành bàng dùng làm quản bút, cán tẩu hút thuốc, đàn, sáo...". (K.B.)

Đưa cây bàng vuông vào lòng thành phố Đưa cây bàng vuông vào lòng thành phố

TTO - Trồng và chăm sóc cây bàng vuông là dịp để các bạn trẻ cảm nhận về tình yêu thiêng liêng đối với biển, đảo quê hương của Tổ quốc VN thân yêu và trân quý những giá trị đến từ nơi đảo xa.

SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên