Phóng to |
Ông Hữu Thọ: “Chúng ta cần tìm ra công thức phát triển như ông Lý Quang Diệu đã tìm ra cho Singapore - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Tất cả đều đồng ý với quyết tâm của Đảng nhằm phác họa bức tranh năm 2020, khi Việt Nam “cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Tất cả ý kiến đều mang theo những đóng góp tâm huyết và cụ thể từ chính cuộc sống để cùng bản dự thảo chiến lược xây dựng cuộc sống.
Mục tiêu con người
Một từ ngữ được lặp đi lặp lại nhiều lần trong dự thảo chiến lược được các nhà khoa học quan tâm: hài hòa. Dự thảo chiến lược viết: tăng trưởng kinh tế kết hợp hài hòa với tiến bộ và công bằng xã hội; phát triển nhanh, hài hòa các thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp; phát triển hài hòa, bền vững các vùng; phát triển toàn diện văn hóa, xã hội hài hòa với kinh tế; phát triển đồng bộ các loại thị trường...
"Mọi cán bộ phải nhận được sự tín nhiệm của nhân dân và phải bị bãi miễn bất cứ lúc nào nếu sự tín nhiệm đó không còn. Chỉ có như vậy thì quyền lực nhà nước mới được kiểm soát, bộ máy nhà nước mới trong sạch" TS Phạm Văn Hùng (tổng biên tập tạp chí nghiên cứu lập Pháp - góp ý dự thảo văn kiện ĐH Đảng XI) |
Nhà báo Hữu Thọ, nguyên trưởng Ban Tư tưởng văn hóa trung ương, suy nghĩ rất nhiều về chữ “hài hòa” này. Ông cho rằng chiến lược sát sườn với nhân dân, là những mũi tên chỉ đường trong đời sống, thì phải thật cụ thể, thật chi tiết, thật hiện thực.
“Hài hòa phát triển nhanh và bền vững là rất khó. Nếu không nhanh thì không tránh khỏi tụt hậu; cái gì cũng nhanh thì chất lượng hụt hẫng. Xét trên góc độ khoa học phải ưu tiên chất lượng, bền vững trước. Có chất lượng thì sẽ đi nhanh... Chúng ta cần tìm ra công thức phát triển như ông Lý Quang Diệu đã tìm ra cho Singapore, khi đó hài hòa sẽ là hài hòa về tỉ lệ chứ không có nghĩa là bình quân”.
Ý kiến của ông Hữu Thọ cũng đồng thời là ý kiến của nhiều nhà khoa học đã gửi thảo luận, góp ý đến các hội nghị trung ương. Có ý kiến góp ý chỉnh sửa thật cụ thể: đề nghị chọn cách tiếp cận phát triển bền vững làm tư tưởng chủ đạo của dự thảo chiến lược, thêm các động từ vào các tiêu đề để thể hiện rõ tính hành động của chiến lược. Để phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, phải phát triển con người bền vững, cần thực hiện cải cách giáo dục.
Đề nghị chỉnh sửa tiêu đề “Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược” thành “Phát triển con người bền vững...” (tiêu đề 1 phần II). Đề nghị thêm từ “sức khỏe” vào câu “không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe của mọi người dân” (mục 3 phần II)...
Đọc qua những góp ý thật chi ly cho từng câu, từng chữ của bản chiến lược, chợt thấy cái vẻ “khô khan” của văn kiện như biến mất. Ngồn ngộn trong đó là tâm huyết của bao người với sự phát triển đất nước, là những đúc kết tri thức, kinh nghiệm của cả đời nghiên cứu, tích lũy, là những khát khao, hi vọng cho một ngày mai của đất nước, của dân tộc...
Rất nhiều, rất nhiều bản góp ý là của những cán bộ hưu trí, tự nhận mình đã “gần đất xa trời, đã sống gần cả đời với đất nước nghèo và lạc hậu, nay đóng góp ý kiến không vì mình mà vì tương lai các thế hệ đi sau”. Những bản góp ý ấy, bản viết tay, bản đánh máy, bản in vi tính, có nét chữ rắn rỏi, có nét chữ run run, không câu chữ nào kể về bản thân tác giả nhưng những tâm tư đau đáu, những ý kiến rút ruột, những hi vọng ngời ngợi thì lại kể rất nhiều về người viết: những người đã và đang tiếp tục vì sự nghiệp phục vụ đất nước, dân tộc của mình.
GS Trần Văn Bính, nguyên viện trưởng Viện Văn hóa, Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, lặp đi lặp lại: “Phải chú trọng vào xây dựng con người. Không có con người hiện đại làm sao có một quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển kinh tế là quan trọng nhưng kinh tế chỉ là nền tảng, văn hóa và con người mới chính là mục tiêu”.
Điểm này thì dự thảo chiến lược cũng đã nhấn mạnh và xác định một trong ba đột phá chiến lược là “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân”, yếu tố quyết định và bảo đảm tính bền vững cho sự phát triển. Đa số ý kiến gửi đến đều ủng hộ khâu đột phá này, chỉ đề nghị thêm cụm từ “từng bước xây dựng nền kinh tế tri thức” để nhấn mạnh thêm những bước đi vững chắc đến ngày mai.
Nhìn phía trước và nhìn dưới chân
Nhưng chiến lược không thể chỉ có những mục tiêu tốt đẹp ở phía trước, phải nhìn rõ đường đi gập ghềnh, khúc khuỷu và nhìn rõ cả những vấp ngã trên chặng đường vừa qua nữa, những bản góp ý đều thiết tha nhắc nhở. Dự thảo chiến lược xác định “đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước”.
“Chưa đủ!”, bản tổng hợp góp ý của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thẳng thắn kết luận. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Vì sao tình hình tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng? Vì sao các giải pháp khắc phục lại chưa đạt được? Có phải là do cơ chế? Vì sao cải cách hành chính chậm?... Và kèm theo đó là các giải pháp đề nghị: chọn chống tham nhũng thành một nhiệm vụ đột phá; kiểm điểm và làm nghiêm túc từ trung ương trở xuống; huy động nhân dân tham gia cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí...
Ông Hữu Thọ nhắc: “Bàn về chống tham nhũng, hội nghị trung ương 3 đã có kết luận: Phòng bệnh là chính nhưng trong tình hình cấp bách còn phải hết sức coi trọng việc xử lý, tức phát hiện và trừng phạt. Một điều tối quan trọng khác là chống tham nhũng phải chống từ trên xuống, ngược với xây dựng phải từ dưới lên”.
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường, cũng đồng tình với ý kiến này và yêu cầu tiến thêm một bước nữa: sau thời gian dài đã thực hiện kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên, cần tiếp tục công khai tài sản đã kê khai, minh bạch các thông tin về quá trình quản lý, các quyết định của cơ quan nhà nước...
“Có công khai, minh bạch như thế mới tăng được khả năng giám sát của người dân, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nghề nghiệp. Chúng ta chưa thể chống tham nhũng bằng cơ chế lương, thu nhập thì phải dựa vào dân”, ông nhấn mạnh. Tiếng của người dân bao giờ cũng phải được lắng nghe.
_________________
Những tranh luận thú vị và sôi nổi về hai từ “dân chủ” từ lý luận đến thực tiễn.
Kỳ tới: Những thảo luận về dân chủ
Kỳ 1:Hàng ngàn bức tâm thưKỳ 2: Sức sống của văn kiệnKỳ 3:Khát vọng từ ruộng đồng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận