09/01/2011 07:15 GMT+7

Câu chuyện từ những người viết văn kiện Đảng - Kỳ 2: Sức sống của văn kiện

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Đã nhiều năm trôi qua nhưng câu chuyện về việc biên tập bản Báo cáo chính trị trình Đại hội VI (1986) vẫn còn nguyên trong tâm trí ông Hà Đăng, khi đó đang là trợ lý của Tổng bí thư Lê Duẩn, thành viên ban soạn thảo văn kiện.

Báo cáo chính trị tại Đại hội VI đã mở cánh cửa đổi mới, mở ra một thời kỳ mới cho đất nước, cho dân tộc. “Đó là một bản văn kiện từ thực tiễn cuộc sống của toàn dân”, ông Hà Đăng nói, niềm xúc động còn nguyên như mới hôm qua.

Kỳ 1:Hàng ngàn bức tâm thư

EtDuy0UD.jpgPhóng to
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Linh (bìa trái) thăm Xí nghiệp liên hợp máy công cụ ngày 20-1-1984 - Ảnh tư liệu

Nhìn thẳng vào sự thật

Lúc ấy, Chủ tịch Hội đồng nhà nước Trường Chinh được cử chính thức kiêm nhiệm chức tổng bí thư Đảng. Ông Trường Chinh thành lập tổ biên tập, biên soạn Báo cáo chính trị với phương châm đột phá: “Nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng sự thật, nói đúng sự thật”.

Nhóm biên tập văn kiện do ông Hoàng Tùng, khi đó là trưởng ban tuyên huấn, bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu. Từng thành viên đều được lựa chọn kỹ trong những người đã bỏ nhiều tâm sức để nắm rõ những khát khao đổi mới của người dân, những chuyên gia đầu ngành sắc sảo và dũng cảm.

Một cuộc hội nghị ở Đồ Sơn được triệu tập để phân chia từng nhóm biên soạn theo lĩnh vực, Tổng bí thư Trường Chinh xác định những tư tưởng lớn và yêu cầu “phải thể hiện được bước ngoặt về tư duy”. Sau đó là hai tháng ròng rã ban biên soạn tập trung ở khu nhà nghỉ Quảng Bá, Hồ Tây để làm việc. Các ủy viên Bộ Chính trị, Văn phòng Trung ương thường tới trao đổi, cung cấp tài liệu, số liệu.

Từng phần của báo cáo được ông Trường Chinh trực tiếp đọc, sửa, bổ sung. Sau này ông Hoàng Tùng ghi lại: trong Báo cáo chính trị Đại hội VI đánh giá về những sai lầm trong lãnh đạo của Đảng là do chính ông Trường Chinh tự tay chấp bút, đó là “...Những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện. Khuynh hướng tư tưởng chủ yếu của những sai lầm ấy, đặc biệt là những sai lầm về chính sách kinh tế, là bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội, chạy theo nguyện vọng chủ quan...”.

Khi viết lại những đánh giá về 20 năm đổi mới, ông Hà Đăng đã nhận xét: “Đổi mới còn là trở lại với cái cũ vốn đúng nhưng bị làm sai...”. Một trong những cái cũ, đúng và bị làm sai ấy là tư tưởng lấy dân làm gốc. Trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội VI, quan điểm “lấy dân làm gốc” được thổi hồn cho sống dậy trở lại.

Trong cuộc hội nghị đặc biệt tháng 9-1986 do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức để góp ý cho Báo cáo chính trị, Tổng bí thư Trường Chinh phát biểu: “Nhân dân cần phải và hoàn toàn có khả năng tham gia ý kiến ngay trong quá trình xác định những chủ trương của Đảng và Nhà nước. Về nguyên tắc, điều này không có gì mới nhưng thực tế thì nó rất mới”.

Nói đúng sự thật

3kLMxHGf.jpgPhóng to

Ông Hà Đăng: Đại hội XI lần này tôi theo dõi thấy nhân dân, trí thức đóng góp cũng rất sôi nổi, nhiều nội dung thiết yếu liên quan đến quốc kế dân sinh - Ảnh: Lê Kiên

“Đổi mới lúc đó là con đường sống duy nhất, thế nhưng vẫn có một số ý kiến băn khoăn, ngay cả trong tổ biên soạn văn kiện của chúng tôi. Mấy tháng làm việc tập trung với nhau, những cuộc tranh luận diễn ra bất kể giờ giấc, ngày đêm.

Người thì muốn đưa các tư tưởng, chiến lược đi xa hơn nữa, người thì bảo phải giữ cái này, gìn cái kia. Quan điểm còn khác nhau nhưng mục đích của tất cả thì chỉ có một: vì lợi ích của người dân, nên cuối cùng Báo cáo chính trị của chúng tôi đã hoàn tất đúng hạn”, ông Hà Đăng kể tiếp.

Bản báo cáo “nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật” ấy đã được nhân dân chấp nhận. Họ đã thấy đời sống, tâm tư, nguyện vọng của mình được phản chiếu trong đó, thấy con đường đi đến tương lai tuy vẫn đầy cam go, thử thách nhưng đã sáng rõ hơn trong đó. Ba quan điểm đổi mới: thay đổi cơ cấu sản xuất, thay đổi cơ cấu đầu tư, thay đổi cơ chế quản lý đã tạo ra những bước ngoặt, gợi mở những con đường rất dài phía trước, kích thích những bước đột phá mạnh mẽ tiếp theo.

Đổi mới ở Việt Nam đã bắt đầu như thế. 25 năm qua, sự thay đổi đã đi từ bản văn kiện vào từng ngôi nhà, từng cuộc đời của con người Việt Nam, đã thay đổi diện mạo, vị thế của đất nước đối với thế giới.

“Đó là lần biên soạn văn kiện rất hào hứng. Sau này tôi còn tham gia soạn thảo văn kiện các đại hội VII, VIII, IX, X. Đại hội XI lần này tôi theo dõi thấy nhân dân, trí thức đóng góp cũng rất sôi nổi, nhiều nội dung thiết yếu liên quan đến quốc kế dân sinh. Tôi tin rằng đại hội sẽ có những tiếp thu quan trọng”, ông Hà Đăng trầm ngâm.

Bản thân ông tuy đã về hưu nhưng từ hơn một năm nay lịch họp vẫn luôn kín mít. Họp ở các ban đảng, hội đồng lý luận, tuyên giáo, Mặt trận Tổ quốc... tất cả đều là những cuộc họp góp ý cho đại hội Đảng. Đến tận cuối tháng

11-2010, trên các báo vẫn còn đăng bài của ông gửi gắm những suy ngẫm của một người hiểu hơn ai hết về sức nặng và ảnh hưởng của từng câu chữ trong văn kiện đại hội Đảng đến đường đi của dân tộc Việt Nam.

* Trong sáu ngày thảo luận về dự thảo Báo cáo chính trị, hầu hết các đồng chí ủy viên trung ương đã phát biểu, góp ý. Một số đồng chí chưa đồng ý với một số điểm của dự thảo. Có đồng chí cho rằng dự thảo Báo cáo chính trị chưa đạt yêu cầu. Một số chưa thỏa mãn với nội dung phần này hoặc phần khác, cho rằng các vấn đề nêu lên chưa được sâu sắc. Có ý kiến đề nghị sửa lại bố cục... Nhưng có thể kết luận: đại bộ phận các đồng chí nhất trí về cơ bản với nội dung của dự thảo Báo cáo chính trị.

Trích kết luận cuộc thảo luận của Hội nghị trung ương lần thứ 10 về dự thảo Báo cáo chính trị - Đại hội VI (ngày 5-6-1986)

* Qua các cuộc thảo luận ở tổ, các đồng chí trung ương đều có nhận xét chung rằng dự thảo Báo cáo chính trị lần này được viết lại tốt hơn nhiều so với bản dự thảo cũ, đã được nâng cao cả nội dung lẫn hình thức. Dự thảo mới phản ánh được nhiều ý kiến đóng góp của đại hội đảng bộ các cấp, các hội nghị cán bộ, các tầng lớp nhân dân và cán bộ trong ngoài Đảng, thể hiện những kết luận mới của Bộ Chính trị về một số vấn đề thuộc quan điểm kinh tế và những chủ trương của Bộ Chính trị về quốc phòng và đối ngoại trong tình hình mới...

Trích kết luận của Bộ Chính trị và đoàn chủ tịch, Hội nghị trung ương lần thứ 11 về dự thảo Báo cáo chính trị - Đại hội VI (19-11-1986) - Nguồn: Văn kiện Đảng toàn tập - tập 47

------------------------------------------------------

Trở lại với câu chuyện từ gốc lúa, bờ ruộng... như những gửi gắm tấm lòng của người nông dân với văn kiện Đại hội Đảng.

Kỳ tới:Khát vọng từ ruộng đồng

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên