Các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã được công bố, lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Những gì đã được thảo luận, bàn bạc, thậm chí tranh luận đến từng câu chữ?
Quá trình chuẩn bị những văn kiện quan trọng qua các kỳ đại hội Đảng đã diễn ra như thế nào? Tuổi Trẻ ghi lại câu chuyện từ những người trực tiếp biên tập văn kiện qua các kỳ đại hội Đảng.
Tính đến khi các bản dự thảo văn kiện được đưa ra trình tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, hàng trăm cuộc hội nghị, hội thảo lớn nhỏ đã được tổ chức, hàng ngàn trang ý kiến góp ý của tất cả mọi tầng lớp nhân dân đã được thu thập trong khoảng thời gian gần ba năm.
Phóng to |
“Tất cả để có một bản văn kiện thật sự được đúc kết từ trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân” - TS Nguyễn Viết Thông, tổng thư ký Hội đồng lý luận trung ương, thành viên tổ biên tập văn kiện, chia sẻ.
Thuộc từng chữ
Những ngày trước đại hội, đến tìm ai trong những bộ phận chuẩn bị cho đại hội cũng không gặp, gọi điện thoại cũng rất khó vì ai cũng bận. Bận họp. Vẫn là những cuộc họp để chuẩn bị văn kiện cho đại hội vốn đã bắt đầu từ rất lâu.
Tiểu ban cương lĩnh đã được thành lập từ ngày 4-2-2008, do đích thân Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đứng đầu, được giao nhiệm vụ bổ sung, phát triển cương lĩnh 1991 và chuẩn bị báo cáo chính trị. Tiếp đó, ngày 28-2-2008, tổ biên tập được thành lập. Các cơ quan khoa học như Hội đồng lý luận trung ương, Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội và một số tổ chức, cấp ủy được giao thực hiện những chuyên đề có tính tổng kết lý luận và thực tiễn để phục vụ công tác biên tập...
Các chuyên viên của Ban Tuyên giáo đã tỉ mỉ đọc từng dòng, từng chữ trong các thư góp ý được gửi đến, không bỏ sót bài nào trên các diễn đàn Góp ý đại hội Đảng của các báo buổi sáng, vài tiếng lại lướt trên mạng một lần để đón các góp ý trên các báo điện tử... Cứ như thế từ cả năm nay mà cao điểm là khoảng thời gian tháng 9, 10, 11-2010 khi các bản dự thảo văn kiện được công bố để xin ý kiến toàn dân. |
Đảng bộ các cấp, các ngành: họp, thảo luận. Các nhóm nhân sĩ trí thức: họp, thảo luận. Các tầng lớp nhân dân, cán bộ hưu trí: họp, thảo luận. Các biên bản cuộc họp, các ý kiến thảo luận, các bài viết đều được tập hợp và gửi lên trung ương để chắt lọc thành một ý, một từ sửa vào các bản văn kiện dự thảo. Với các thành viên của tổ biên tập, quá trình thảo luận liên tục ấy đã khiến các bản văn kiện “ăn” vào tâm trí từng người.
Ông Nguyễn Viết Thông kể: “Tổ biên tập của chúng tôi có vài chục người, chia thành nhiều nhóm: chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, nhóm về Đảng, nhóm chung. Nhiều người, nhiều thành phần, nhiều công việc nên khi họp, thường xuyên phải tổ chức vào thứ bảy, chủ nhật. Cũng tùy theo nội dung cần bàn bạc mà sắp xếp địa điểm, có lần xuống Hải Phòng, có lần lên Vĩnh Phúc, có lần tập trung ra hồ Tây... Chúng tôi thường chọn các vấn đề nóng bỏng để thảo luận, các ý kiến đưa ra có khi khác nhau ghê gớm nên các cuộc họp thường rất sôi nổi, chỉ chưa đến mức đập bàn đập ghế với nhau thôi (cười). Dự nhiều cuộc họp, nghiền ngẫm các bản văn kiện nhiều lần, nay tôi có thể đọc thuộc lòng từ báo cáo chính trị cho đến cương lĩnh. Thuộc từng chữ”.
Ông Nguyễn Thế Kỷ, phó Ban Tuyên giáo trung ương, nói: “Đó là cả một quá trình huy động bộ máy và lực lượng hùng hậu, làm việc rất nghiêm túc và cả căng thẳng nữa. Năm nay, thời gian công bố văn kiện để xin ý kiến nhân dân kéo dài hơn thường lệ nửa tháng, chứng tỏ một điều là Đảng rất mong đợi được nghe ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân”. Ở Ban Tuyên giáo, khi chúng tôi đến trước ngày khai mạc Hội nghị trung ương 14, các chuyên viên của ban đang tất bật để hoàn thành các bản tổng hợp ý kiến qua thư từ, báo chí từ cả nước đổ về. Từng chồng thư, góp ý, kiến nghị, bản đánh máy, bản viết tay được phân loại, tóm lược, tổng hợp rồi chuyển về văn phòng trung ương lưu giữ. “Tất cả đều là những bức tâm thư”, ông Kỷ trầm ngâm nhận xét.
Tâm thư và tâm thư
Riêng Ban Tuyên giáo trung ương đã nhận được 266 thư và bản tổng hợp góp ý của các tổ chức và nhân dân gửi về, 690 lượt ý kiến được thu thập từ các cơ quan báo chí. Có lá thư đánh máy dày 75 trang A4, đóng thành tập, bìa cứng như một bản luận văn. Có lá thư viết tay dày 283 trang A4 như một bản thảo tiểu thuyết. Có bản góp ý mở đầu bằng một lời chân thành như khi ông Trịnh Hướng, phường 4, quận Gò Vấp, TP.HCM viết: “Đây là tấm lòng thành của tôi đối với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng, ngoài ra không có mục đích gì khác”. Có những lời gay gắt từ những bức bối của thực tiễn đòi hỏi thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới đã bắt đầu từ Đại hội VI. Có những bài góp ý trên báo chí dấy lên thành cuộc tranh luận nhiều hướng, nhiều chiều...
“Chúng tôi bảo đảm tất cả các ý kiến đều được ghi nhận, tổng hợp và trình ở hội nghị trung ương, không định kiến với bất kỳ ai, bất kỳ ý kiến nào, kể cả những ý trái chiều, phản đối. Trí tuệ toàn dân thì bao giờ cũng đa chiều, phong phú, sắc sảo và sát với thực tế. Việc tiếp thu cũng sẽ được tiến hành nghiêm túc, để khi bản văn kiện chính thức ra đời, nhân dân sẽ thấy rõ Đảng đã hết sức lắng nghe, hết sức tiếp nhận”, ông Nguyễn Thế Kỷ vừa đọc mấy bản tổng hợp dày cả trăm trang vừa nói.
Đọc qua bản tổng hợp, chúng tôi thấy những ý kiến chưa đồng tình, còn băn khoăn, day dứt được trích lục lại cẩn trọng, chi tiết, đánh dấu vị trí góp ý rất rõ ràng, thể hiện rõ cam kết của những người thực hiện: “Góp ý cho Đảng không có vùng cấm, tất cả ý kiến đều được trân trọng, ghi nhận và đưa ra thảo luận”.
_________________
Câu chuyện về quá trình xây dựng để báo cáo chính trị trình Đại hội VI (1986) trở thành “một bản văn kiện từ thực tiễn cuộc sống của toàn dân”.
Kỳ tới: Sức sống của văn kiện
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận