10/01/2011 06:47 GMT+7

Câu chuyện từ những người viết văn kiện Đảng - Kỳ 3: Khát vọng từ ruộng đồng

PHẠM VŨ - TẤN ĐỨC
PHẠM VŨ - TẤN ĐỨC

TT - “Năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” - dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 xác định. Nhưng năm nay, 2011, Việt Nam vẫn đang là một nước nông nghiệp với hơn 70% dân số, 40% lao động làm nông nghiệp.

“Số một là phải công nghiệp hóa nông nghiệp”, chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng, người có nhiều đóng góp cho sự hình thành Khu chế xuất Tân Thuận, TP.HCM, khẳng định mạnh mẽ.

TRnixjhe.jpgPhóng to

Nông dân Đỗ Quý Hạo và xưởng cơ khí của mình - Ảnh: Tấn Đức

Kỳ 1:Hàng ngàn bức tâm thưKỳ 2: Sức sống của văn kiện

Băn khoăn gốc lúa

Giải pháp ấy cũng được ông Nguyễn Văn Lưu (Năm Bình), nguyên bí thư Thành ủy TP Cần Thơ (Hậu Giang cũ), nêu ra với lời giải thích: “Hơn 70% dân số làm nông nghiệp, giờ mình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp thì tự nhiên nước mình được công nghiệp hóa chứ còn chi nữa”. Nhưng đi liền sau đó là hàng loạt câu hỏi: thời gian mười năm là không lâu, mà hiện giờ mô hình sản xuất lớn trong nông dân chưa có nhiều, các hợp tác xã kiểu mới đang hoạt động hiệu quả ra sao? Nông dân muốn làm giàu thì sản xuất phải có lời, nhưng lợi nhuận lại phần lớn nằm trong tay thương lái.

Hiện tượng được mùa mất giá lặp đi lặp lại không khắc phục được. Nông dân không có quyền định giá sản phẩm của mình. Định hướng kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, người nông dân rất mong muốn được Nhà nước giúp đỡ cải thiện cơ sở hạ tầng, kết hợp sản xuất lớn, chủ động đầu vào, đầu ra sản phẩm, không bị tư thương ép giá, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp...

Sinh ra ở Mỹ Tú, Sóc Trăng, ông Năm Bình đã sống và làm việc cả đời với ruộng đồng miền Tây, với những người nông dân chân lấm tay bùn chân chất, phóng khoáng. Kể về đời hoạt động của mình, ông Năm Bình ưu tư: “Người nông dân đã phải hi sinh nhiều quá, lớn quá. Chiến tranh, nông dân hi sinh nhà cửa, ruộng đất, tính mạng cho mục đích, lý tưởng. Hòa bình, nông dân lại hi sinh những quyền lợi của mình, nhận phần thiệt thòi cho sự phát triển. Hi vọng chặng đường sắp tới sẽ công bằng hơn với nông dân”.

Dự thảo chiến lược định hướng “Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững” và nhiều giải pháp đi kèm, nhưng vẫn có nhiều ý kiến đóng góp cho rằng chưa đủ, vẫn còn một số khoảng trống bỏ ngỏ trong chiến lược nông nghiệp - nông thôn. Những ý kiến ấy ắt hẳn xuất phát từ tình cảm thiết tha với người nông dân như ông Năm Bình.

Chỉ đọc qua bản tổng hợp ý kiến, kiến nghị là thấy rõ những quan tâm thiết thân với quyền lợi nông dân, yêu cầu về một hình ảnh nông thôn mới: cần quy hoạch phân vùng, tổ chức lại sản xuất, có chiến lược đầu tư về giống cây, giống con; xây dựng nông thôn mới cần ưu tiên hình thành hệ thống các trung tâm tri thức để nâng cao dân trí và điều kiện tiếp cận thông tin cho người dân; chú trọng đầu tư cho khoa học - công nghệ sinh học để nâng giá trị nông sản; xây dựng một đội ngũ doanh nhân ở nông thôn để phục vụ chính nông thôn; nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân trong đóng góp vào kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi; giảm sự chênh lệch mức sống nông thôn - thành thị, miền ngược - miền xuôi...

Đường đi từ bờ ruộng

Ông Nguyễn Thanh Long, chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, nói hội đã tổ chức nhiều cuộc lấy ý kiến nông dân ở khắp các xã, huyện trước khi gửi góp ý đến đại hội Đảng. “Nông dân rất mừng khi nghe báo cáo vấn đề tam nông (nông nghiệp - nông dân - nông thôn) đã được đánh giá cao hơn ở nhiều diễn đàn. Nhưng chúng tôi hiểu từ mục tiêu của chiến lược đến việc thể chế hóa, chính sách hóa để thực hiện còn một lộ trình dài. Hội Nông dân Kiên Giang đã kiến nghị những giải pháp cụ thể từ thực tế đồng ruộng của chính mình”, ông Long kể.

Đó là đầu tư cho giao thông và điện khí hóa nông thôn. Những con đường liên xã, ấp đã được trải nhựa, ximăng, điện đã kéo về, tỉ lệ hộ dân được sử dụng điện lên đến gần 95%. Nhưng điện ba pha dùng cho sản xuất vẫn thiếu, đường giao thông để vận chuyển nông sản vẫn chưa đáp ứng được, ngoài “khơi sức dân” còn phải chờ lực đẩy của nhà nước.

Đó là hơn 3.000 tổ hợp tác, tổ nông dân liên kết sản xuất, với các phương thức hoạt động đa dạng, hiệu quả, nhất là trong các khâu cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, tưới tiêu, thu hoạch. Nhưng muốn phát huy hiệu quả đó, nơi nào, mô hình nào cũng cần nguồn vốn tương xứng để mua sắm máy móc, xây dựng kho bãi để bảo quản nông sản hàng hóa. Bởi thế, nông dân mong muốn Nhà nước có chủ trương để ngân hàng nâng cao định suất cho vay, nới rộng thời hạn hoàn vốn cho phù hợp với từng loại hình, mục đích vay vốn... để tránh thời điểm đáo hạn trùng vào mùa thu hoạch khiến nông dân phải bán vãi bán tháo để trả nợ, dễ bề bị tư thương ép giá.

Đó là những xưởng chế biến nông sản tại chỗ, nâng cao giá trị sản phẩm và giải quyết lao động dôi dư. Là trung tâm xúc tiến thương mại mới thành lập để tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu, sản xuất theo đơn đặt hàng, bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm cho nông dân. “Tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu lao động, đẩy mạnh xuất khẩu là việc lớn nên chúng tôi chưa làm được nhiều, phải chờ ở chính sách của trung ương”, ông Nguyễn Thanh Long bày tỏ. Ông cho biết đang rất sốt ruột chờ kết quả của 12 dự án dành cho nông thôn mà trung ương hội đang chờ duyệt và chờ kinh phí để triển khai. “Sốt ruột cũng như khi người nông dân nghe nói về một nông thôn hiện đại vậy”, ông Long cười.

Bên ruộng khoai lang có thửa đang đánh luống, có thửa đang thu hoạch bằng những chiếc máy tự tạo, ông Đỗ Quý Hạo (Ba Hạo), nông dân sản xuất giỏi, “vua khoai lang” ở xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), lấy bản thân mình mà suy ngẫm: “Tôi xuất thân từ người đi làm thuê, ở mùa cho người khác, trình độ văn hóa mới qua lớp 7, nhưng nhờ chịu khó học tập, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và công nghệ thông tin vào sản xuất cây lúa, củ khoai mà gầy dựng được trang trại khoai lang hơn 60ha, sản phẩm xuất khẩu sang nhiều nước, doanh thu hàng tỉ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hơn 200 lao động địa phương. Cho nên muốn công nghiệp hóa nông nghiệp phải bắt đầu từ việc nâng cao trình độ nông dân, đầu tư hạ tầng nông thôn. Ai chẳng muốn làm giàu, muốn máy móc hóa các công việc chân tay, muốn con em mình được học hành, khỏi chân lấm tay bùn... Chỉ cần có điều kiện và cơ hội thôi”. Ông Ba Hạo nói đó là nguyện vọng ông muốn gửi tới đại hội lần này.

Đó cũng là ý nguyện của rất nhiều người đã gửi tới đại hội. Như khi thạc sĩ Lê Tứ Hải, nghiên cứu sinh Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất các giải pháp giải quyết tình trạng dư thừa lao động nông thôn: đào tạo nghề cho toàn bộ lao động nông thôn và vùng ven đô, đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ nhằm thu hút lao động ra khỏi nông nghiệp; xóa bỏ chính sách về hạn điền, phát triển kinh tế trang trại và kinh tế hộ; tăng năng suất lao động trong nông nghiệp thông qua áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ...

Từ thành công của khoán hộ, cần những bước tiến mới cho nông nghiệp - nông thôn và nông dân - lực lượng chiếm số đông nhất trong nhân dân ta.

_______________

Những đóng góp tâm huyết từ cuộc sống đã đi vào văn kiện đại hội Đảng như thế nào?

Kỳ tới: Cùng tìm chiến lược cuộc sống

PHẠM VŨ - TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên