08/08/2023 15:57 GMT+7

Câu chuyện kỳ diệu: Chị 11 tuổi cứu em trai đuối nước bằng kỹ năng học ở trường

'Một bức ảnh tưởng như rất bình thường nhưng sau đó là một câu chuyện kỳ diệu. Cậu em trai đã được chị gái 11 tuổi cứu sống khi bị đuối nước bằng những kỹ năng được học tập tại trường: gọi hỗ trợ - ép tim - thổi ngạt'.

Áp dụng những kỹ năng được học tập tại trường, chị gái 11 tuổi (áo màu be) đã cứu sống em trai 10 tuổi bị đuối nước - Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Áp dụng những kỹ năng được học tập tại trường, chị gái 11 tuổi (áo màu be) đã cứu sống em trai 10 tuổi bị đuối nước - Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Đây là chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thành Nam - giám đốc Trung tâm nhi khoa Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Sau 5 ngày cấp cứu và điều trị vì đuối nước, hiện cậu em trai (10 tuổi) đã khỏe mạnh, sắp được xuất viện. Bác sĩ Nam mong rằng các kỹ năng cứu sống đến được với tất cả các em học sinh.

Là người trực tiếp điều trị bệnh nhi, chia sẻ với Tuổi Trẻ Online trưa 8-8, bác sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Trung tâm Nhi khoa Bệnh viện Bạch Mai - đánh giá để có kết quả kỳ diệu này, phần lớn là nhờ người chị gái ruột 11 tuổi của bệnh nhi đã áp dụng các kỹ năng sống được học tại trường.

Theo lời kể của người chị và gia đình, khi đang chơi thì bệnh nhi bị ngã xuống ao hàng xóm. Ở phút thứ 2 khi bệnh nhi bị ngã xuống ao cũng là lúc người chị không thấy em trai. Chạy vào nhà nhưng không thấy em trai, người chị nghi ngờ em trai ngã xuống ao.

Chạy ra ao cùng một người bạn, người chị thấy em trai đang chới với. Người em được đưa lên bờ trong tình trạng tím tái, không thở, áp tai vào ngực thì nghe tim còn đập nhưng yếu.

Được học ở trường các kỹ năng sống, trong đó có cách sơ cấp cứu đuối nước, người chị đã thổi ngạt 2 lần, sau đó tiến hành ép tim 2-3 nhịp cho em trai. 

Cậu em tỉnh dần và nói được tiếng “cứu” rồi không nói nữa. Người chị tiếp tục thổi ngạt 1-2 lần, ép tim cho em tỉnh.

Thời điểm này có người chú đến. Thấy tình trạng này nên ông đã vác bệnh nhi lên vai và dốc ngược xuống rồi chạy một vòng trong sân. Người chú ép ngực bệnh nhi 1-2 phút thì bệnh nhi thở được và khóc.

Gia đình nhanh chóng đưa bệnh nhi đến trạm y tế địa phương trong tình trạng tỉnh, thở yếu và tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp. Tại đây, bệnh nhi tự thở, tỉnh táo nhưng vẫn còn khó thở, có ít máu trào ra miệng.

Bệnh nhi được thở oxy, dùng thuốc lợi tiểu, kháng sinh. Tuy nhiên khoảng 3-4 tiếng sau, bệnh nhi xuất hiện tình trạng khó thở, SpO2 chỉ 80-85%, sốt cao liên tục, nghi phù phổi cấp nên đặt ống nội khí quản và chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 4-8 sau 6 tiếng đồng hồ bị đuối nước.

Tại bệnh viện ghi nhận bệnh nhi vẫn còn tổn thương phổi (phù phổi cấp) do đuối nước. Bệnh nhi được thở máy, dùng thuốc an thần, các loại kháng sinh mạnh... 

Đến nay sau 4 ngày điều trị, bệnh nhi tỉnh dần, được rút máy thở sau một ngày điều trị và chuyển sang thở oxy trong vòng hai ngày trước khi thở được khí trời như hiện nay. Kết quả chụp MRI cho thấy não bệnh nhi bình thường.

“Người bị đuối nước, nếu cấp cứu sau 5 phút gặp nạn thì não đã bị tổn thương. Bệnh nhi này chưa ghi nhận tổn thương não, có tổn thương phổi nhưng hiện tại đã ổn hơn, nhiễm trùng cũng đỡ hơn.

Ghi nhận cấp cứu ban đầu do người chị thực hiện tốt, cơ bản đúng nên tình trạng bệnh nhi mới được như hiện nay. Còn hành động của người chú là dốc ngược người cháu rồi chạy là không đúng”, bác sĩ Hiếu đánh giá.

Cách sơ cứu người đuối nước đúng

ThS.BS Nguyễn Hữu Hiếu khuyến cáo khi thấy người bị đuối nước, cần đánh giá hiện trường và mức độ an toàn cho bản thân. Nếu không an toàn thì gọi thêm người hỗ trợ.

Cho nạn nhân nằm ở tư thế nghiêng sau khi đưa lên bờ. Đánh giá nạn nhân có bị ngưng thở, ngưng tim hay không, sau đó làm thông thoáng đường thở và tiến hành thổi ngạt, ép tim. Song song đó gọi thêm người hỗ trợ.

Tuyệt đối không dốc ngược nạn nhân rồi chạy, không đưa liền nạn nhân đến cơ sở y tế mà cần sơ cứu đúng cách trước, vì trong quá trình di chuyển thì nạn nhân gần như ngưng thở, ngưng tim, gây khả năng tử vong cao trên đường di chuyển.

Cần cả kỹ năng cứu đuối nước an toànCần cả kỹ năng cứu đuối nước an toàn

Gần 2.000 trẻ em Việt Nam bị cướp đi mạng sống vì đuối nước mỗi năm. Đó là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em, dù con số này những năm gần đây có giảm đều theo từng năm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên