06/07/2018 10:43 GMT+7

Cậu bé 'tí hon' còn một trái thận với ước mơ làm cầu thủ

MINH PHƯỢNG
MINH PHƯỢNG

TTO - Bị bệnh phải cắt bỏ một trái thận, mẹ mất sớm, ba làm thợ hồ theo công trình rày đây mai đó, Nguyễn Tấn Phát - học sinh lớp 5, trường Tiểu học Cầu Xáng (TP.HCM) lớn lên cùng cô ba của mình.

Cậu bé tí hon còn một trái thận với ước mơ làm cầu thủ - Ảnh 1.

Nguyễn Tấn Phát đã 10 tuổi nhưng chưa được 20 kg. Trong ảnh: Phát coi cô ba (chị gái của mẹ) như người mẹ thứ hai - Ảnh: MINH PHƯỢNG

Phát năm nay đã 10 tuổi nhưng nặng chưa tới 20kg. Chân tay em nhỏ xíu xiu. Đi học, Phát là cậu học trò "bé con" nhất lớp. Căn bệnh thận cùng với suy dinh dưỡng khiến sức khỏe của em rất yếu. Thế nhưng Phát luôn là một cậu bé hiếu động, nhanh nhẹn và lạc quan.

"Em rất mê môn thể dục và mê đá banh. Nhiều bữa em tập xong thầy la vì thấy em đứng thở. Nhưng em thích lắm nên muốn tham gia, mong ước của em là trở thành cầu thủ đá banh" - Nguyễn Tấn Phát chia sẻ ước mơ của mình

Ôm cổ bà Nguyễn Thị Liêng (52 tuổi, chị gái của mẹ Phát), Phát cho biết đó là cô ba và cũng là người mẹ thứ hai. Gần như sau khi sinh Phát, cha mẹ nghèo phải đi công trường nên em ở nhà với cô. Phát được 3 tuổi, mẹ mắc bệnh ung thư mất, ba phải đi phụ hồ ở các công trường, lang bạt từ Vũng Tàu qua Bình Dương, Đồng Nai… lâu lắm mới về nhà. Thế là Phát và anh trai ở với cô ba.

Cô ba có quầy tạp hóa nhỏ, hằng ngày đi học về Phát tự học bài và còn phụ cô bán quán. Cậu nhóc hạt tiêu nhưng rất sáng dạ, năm học nào cũng đạt kết quả học tập tốt và còn được giấy khen.

Phát tâm sự: "Lâu lâu em bị bệnh sốt trong người. Thận còn có một trái nên trái thận còn lại yếu, bị phù nên em hay thấy trong người mệt, nhức đầu… ". Thế nhưng Phát nói lúc đi học thì không thấy mệt vì đi học vui, có bạn bè.

Trước đây, mỗi khi cháu mệt, bà Liêng lại dẫn đi bệnh viện khám và mua thuốc. Tuy nhiên, gần một năm nay bà bị tai biến nên đi lại, nói năng khó khăn. Từ lúc bà Liêng bệnh, cửa hàng tạp hóa cũng không bán được nên không có thu nhập, và cũng chẳng còn ai dẫn Phát đi bệnh viện mỗi khi thấy mệt trong người.

"Giờ tui cũng đâu còn tiền mà nuôi thằng nhỏ nữa, đành phải đợi ba nó mang tiền về. Ba nó cũng thu nhập bấp bênh, vì đâu phải lúc nào cũng có công trình để làm", bà Liêng cho biết. Do đó, anh trai của Phát vừa học xong lớp 9 thì hè này phải nghỉ học để cho ba đỡ cực và phụ cô ba mình đưa đón Phát đi học.

"Cả nhà còn mình em được đi học nên em sẽ cố gắng học thật giỏi. Em mong mình không đau bịnh để ba, cô ba không phải tốn tiền, không phải lo lắng", Phát nói ước mơ giản đơn của mình chỉ có vậy!

Đút heo để tiền mua áo cho mẹ

img_7481

Em Trương Thị Huỳnh Trâm nhịn ăn sáng để dành tiền nhét heo đất mua đồ tặng mẹ - Ảnh: MINH PHƯỢNG

Đó là câu chuyện của cô học trò nghèo Trương Thị Huỳnh Trâm, lớp 6, trường THPT Gò Xoài, huyện Bình Chánh (TP.HCM). Nâng niu "em" heo đất trong tay, cho cho biết mỗi khi được mẹ cho 5.000-10.000 đồng tiền ăn sáng em đều ráng nhịn đói không ăn lấy tiền nhét heo.

Có những lúc đến lớp, các bạn rủ đi mua bánh, mua nước nhưng Trâm ngồi im trong lớp học, không tham gia. Trâm cho biết vì cha mẹ không có tiền nên em để dành tiền ấy để tự mua sách vở, tự mua quần áo khi tết về để cha mẹ bớt đi một gánh nặng.

Đặc biệt, tết năm ngoái "mổ heo", Trâm còn mua đồ tặng mẹ. "Ba mẹ chẳng bao giờ mua gì cho mình cả, em thấy thương ba mẹ lắm", Trâm nói.

Ba Trâm hiện đang là đầu bếp nấu ăn cho nhà hàng làm việc theo ca, mẹ làm cho cơ sở nước uống. Hiện nay gia đình còn ông bà nội già và hai chị em Trâm đến tuổi đến trường.

Anh Nguyễn Văn Hoàng (51 tuổi, ba của Trâm) cho biết với thu nhập ấy hai vợ chồng cố gắng gói ghém và cũng phải vay mượn, xoay sở thêm vì có hàng trăm thứ phải lo, phải chi tiêu.

Anh Hoàng kể, trước đây đồng nghiệp đến thăm thấy căn nhà gia đình anh đang ở tồi tàn quá. Do anh cũng là người gắn bó lâu năm với nhà hàng, mọi người đóng góp xây tặng gia đình anh căn nhà nhỏ.

Cuộc sống vất vả nhưng anh Hoàng cho biết niềm vui lớn nhất là các con đều ngoan và chịu học. Trâm sau giờ học thì về nhà học bài và làm việc nhà. Cô học trò này thích lĩnh vực mỹ thuật và hát nên cố gắng học giỏi để theo đuổi đam mê này của mình .

100 suất học bổng Đèn đom đóm

Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online sẽ giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng Đèn đom đóm trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.

Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Học để lo cho mẹ, chữa bệnh cho cha Học để lo cho mẹ, chữa bệnh cho cha

TTO - Hai cô bé ở Đà Nẵng đều lớn lên trong cảnh người cha bệnh tật, có lần ngược đãi mấy mẹ con. Nhưng các em vẫn một lòng thương ba, gắng học hành để lo cho mẹ.

MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: đèn đom đóm